Holistics: “Một mình một ngựa”
Holistics là một công ty khá thú vị, thành lập gần 3 năm bởi một lập trình viên người Việt, có khách hàng ở 16 nước nhưng phải một năm trở lại đây công ty mới bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam.
Holistics cung cấp nền tảng phân tích báo cáo và xây dựng kho dữ liệu (Business Intelligence & Data-warehouse) cho các doanh nghiệp dựa trên mô hình dịch vụ phần mềm chạy trên định dạng web có thể xử lý từ xa (Software As A Service - SaaS). Dịch vụ này giúp khách hàng nắm được tình hình và phát triển kinh doanh khi phân tích được xu hướng khách hàng và dự đoán thông tin... Với mô hình này, Holistics có thể phục vụ khách hàng toàn cầu nhờ vào việc phân phối và sử dụng qua internet. Đầu năm nay, Công ty đón nhận khách hàng thứ 61 là Line Games, công ty con của Line Corporations.
Công ty đặt trụ sở tại Singapore và có văn phòng tại 3 quốc gia Việt Nam, Singapore và Indonesia trong đó bộ phận kỹ thuật được đặt ở Việt Nam và bộ phận bán hàng chủ yếu đặt tại Singapore và Indonesia.
Holistics thuộc số ít công ty tại Đông Nam Á hoạt động trong lĩnh vực này, cạnh tranh với các công ty lớn, trong đó có các tên tuổi như Tableau, công ty IPO được 180 triệu USD, Sisense được đầu tư hơn 100 triệu USD.
Tìm cơ hội từ thị trường ngách
Holistics có doanh thu chủ yếu đến từ khách hàng ở Đông Nam Á. Khá thú vị dù là doanh nghiệp chưa đầy 3 tuổi nhưng danh sách khách hàng của Holistics có nhiều doanh nghiệp lớn như Grab, Traveloka, Aviasales...
“Do ra đời sau so với các đối thủ khác trên thị trường, dịch vụ của Holistics phải tập trung một phân khúc khách hàng ngách để có thể có được lợi thế cạnh tranh hơn”, ông Nguyễn Văn Quang Huy, sáng lập kiêm Giám đốc Kỹ thuật Holistics, cho biết.
Ông Huy lấy ví dụ đơn giản, giả sử thông tin doanh nghiệp là hàng hóa và đang được lưu trữ ở nhiều phòng ban khác nhau. Holistics vận chuyển các hàng hóa đó đến một kho duy nhất (kho dữ liệu) và cung cấp các công cụ giúp cho bộ phận phân tích dữ liệu của Công ty có thể sắp xếp, phân tích ra báo cáo. Như vậy, để thực hiện được, đòi hỏi doanh nghiệp đó phải có bộ phận phân tích dữ liệu.
Bộ phận này không mới đối với các doanh nghiệp nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì còn khá mới mẻ. Khá bất ngờ là trong thời gian gần đây, Holistics nhận được yêu cầu sử dụng dịch vụ từ các doanh nghiệp Việt Nam như The Coffee House, OnOnPay, Topica Edumall...
“Gần đây, đã có các doanh nghiệp sản xuất, mua bán lớn ở Việt Nam quan tâm đến dịch vụ này, đặc biệt là phần xây dựng hạ tầng do dữ liệu. Đây là tín hiệu lạc quan”, ông Huy nói. Ý tưởng thành lập công ty riêng bắt nguồn khi ông Huy làm kỹ sư phụ trách mảng phân tích hạ tầng dữ liệu cho Viki, trang web truyền hình trực tuyến. Ông nhận thấy 80% công việc phân tích dữ liệu là thu thập thông tin, nhưng thông tin trong doanh nghiệp được lưu ở nhiều định dạng khác nhau dẫn đến rất khó về mặt đồng bộ và phân tích.
Theo đó cần một hệ thống chuyển dữ liệu thô về kho tổng và các công cụ sắp xếp theo ý định của người sử dụng. Thứ đến, các giải pháp trên thị trường nếu có phân tích dữ liệu thì không có chức năng xây dựng kho dữ liệu và ngược lại, nên ông Huy tích hợp cả hai vào cùng hệ thống sử dụng cho Viki. Hệ thống vận hành ổn định giúp ông thêm tự tin đưa vào thị trường.
Ông Huy mời một thành viên người Việt Nam khác đảm nhiệm vị trí kỹ sư hạ tầng và một người bạn có kinh nghiệm 7 năm kinh doanh giải pháp doanh nghiệp tham gia. Khách hàng đầu tiên của Holistics được chính người sáng lập Viki giới thiệu. “Viki là một công ty có văn hóa rất đặc biệt. Bất kỳ nhân viên nào chia sẻ ý định khởi nghiệp, người sáng lập sẽ sắp xếp họ làm việc qua tất cả các phòng ban để hiểu cách thức vận hành một công ty”, ông Huy nói.
Công bằng mà nói, thật khó để xác định độ lớn mà thị trường Holistics tham gia ở Đông Nam Á và cũng chưa có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như vậy ở thị trường này. Trước mắt, Holistics phải cạnh tranh với doanh nghiệp lớn đến từ Mỹ là Tableau. Đây cũng là công ty đầu tiên trong lĩnh vực khai thác dữ liệu lớn lên sàn vào năm 2013,với trị giá hơn 254 triệu USD.
“Theo Stratistics MRC, thị trường BI (Business Intelligence - các dịch vụ liên quan đến cung cấp dữ liệu kinh doanh thông minh) được ước tính có độ lớn 15,6 tỉ USD năm 2016 và ước tính sẽ tăng lên đến 30 tỉ USD vào năm 2022. Phân tích dữ liệu là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ. Hiện tại, chúng tôi thấy còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là ở thị trường Đông Nam Á khi chưa có một đối thủ dẫn đầu nào”, ông Huy cho biết.
Hai bài học tham gia thị trường
Sau 6 tháng vận hành, Holistics bắt đầu có lãi nhưng họ cũng gặp phải rắc rối đầu tiên: làm sao để gia tăng doanh thu. Ông David Strohm, đối tác của GreyLock Partners, quỹ chuyên đầu tư vào các công ty săn kỳ lân (thuật ngữ chỉ các công ty công nghệ chưa niêm yết được định giá 1 tỉ USD trở lên) từng chia sẻ rằng các doanh nghiệp nên tìm cách thu hút khách hàng bằng một mức giá vừa phải và tăng giá bán bằng cách đưa thêm giá trị cộng thêm.
Với lời khuyên này thì mô hình kết hợp vừa tổng hợp dữ liệu vừa xuất báo cáo của Holistics từ điểm mạnh đã nhanh chóng trở thành điểm hạn chế. Vì với mô hình phần mềm như dịch vụ thông thường, Holistics sẽ thu phí dựa trên người sử dụng vậy thì làm sao giúp khách hàng nhận ra các giá trị cộng thêm khi với một tài khoản họ có thể tạo ra nhiều báo cáo với mức độ phức tạp khác nhau? Trước mắt, có thể thu hút được khách hàng tham gia nhưng về lâu dài khó có thể giúp Holistics tăng doanh thu.
Từ đó, Công ty đưa vào một yếu tố tạm gọi là “nguyên liệu” vào giá thành, ứng với mỗi gói sử dụng sẽ có số lượng “nguyên liệu” đi kèm. Hệ thống sẽ tính toán số lượng phức tạp của báo cáo mà trừ đi số lượng “nguyên liệu” tương ứng. Như vậy, khách hàng sẽ thấy khung giá mới hợp lý hơn vì tính theo nhu cầu sử dụng. “Tìm giá dịch vụ hợp lý cho Holistics và khách hàng đã làm chúng tôi đau đầu một thời gian”, ông Huy cười và nói.
Ngoài ra, một trong những vấn đề của Holistics khi phục vụ khách hàng ở nhiều châu lục khác nhau chính là câu chuyện bảo mật dữ liệu. Đây là bài toán chung của doanh nghiệp trong ngành này. Hầu như khách hàng nào cũng đặt nghi vấn liệu công ty có lưu trữ dữ liệu của họ hay không, đối với các công ty non trẻ, mọi việc càng phức tạp hơn.
Theo ông Huy, Holistics không hề lưu trữ dữ liệu của khách hàng, mà giúp khách hàng xây dựng kho dữ liệu trên hạ tầng của khách hàng, việc này phần nào làm giảm lo lắng của họ. Ngoài ra, bên cạnh việc đáp ứng các điều khoản bảo mật thông tin giữa đôi bên, Công ty có được niềm tin của khách hàng bằng việc cho khách hàng thấy mình là doanh nghiệp đang phát triển bền vững, minh bạch.
Cho đến hiện tại, Công ty vẫn phát triển tốt, có lợi nhuận, chưa cần gọi vốn và vẫn tiếp tục đầu tư vào mảng nghiên cứu và phát triển sản phẩm song song với mở rộng kinh doanh. Theo ông Huy, các công ty cung cấp phần mềm như dịch vụ có thể có lãi chỉ sau một đêm bằng cách cắt đầu tư vào bộ phận nghiên cứu, nhưng đi kèm rủi ro bị thay thế.
Hiện dịch vụ Công ty đã đáp ứng được mục tiêu giảm 80% thời gian phân tích dữ liệu và xây dựng báo cáo cho bộ phận phân tích. Holistics hiện nghiên cứu phát triển tính năng giúp cấp lãnh đạo có thể tự tạo báo cáo, lúc đó, bộ phận phân tích sẽ có thời gian nghiên cứu khai thác dữ liệu kinh doanh của Công ty nhiều hơn. Đây là tính năng theo hướng ứng dụng các công nghệ mới như machine learning (máy học) có thể tư vấn cách giải quyết nhanh chóng.
Khi được hỏi về ý nghĩa của cái tên “Holistics”, ông Huy giải thích là “hành động quan sát một cách khái quát vấn đề”. Theo đó, Holistics có thể cung cấp các bản báo cáo chi tiết đến từng lịch sử giao dịch của khách hàng nhưng cũng có thể cung cấp các bản báo cáo mang tính vĩ mô. “Không phải chúng tôi tham vọng, mà vì là doanh nghiệp đi sau, chúng tôi phải tự tạo cho mình một vị thế riêng”, ông Huy nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Quảng Định
-
Nguyễn Hằng
-
Lam Nhi
-
Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi)