Vì sao bà Hillary Clinton thua còn ông Macron lại thắng?
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đổ lỗi một phần thất bại của bà trước ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái là do những vụ tin tặc tấn công và lan truyền tin tức giả, "tạo ra sự nghi ngờ" trong tâm trí những người ủng hộ bà và "khiến họ sợ hãi".
Các thủ đoạn như vậy cũng đã được sử dụng để chống lại Emmanuel Macron, nhưng ông vẫn chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Pháp với hơn 60% phiếu bầu từ các cử tri, qua mặt đối thủ cực hữu Marine Le Pen. Vì sao lại thế?
Việc sử dụng các phương pháp công nghệ để làm rối loạn bầu cử đã trở nên quen thuộc. Đầu tiên là có một mạng lưới các tài khoản mạng xã hội, cả dùng người thật lẫn robot tự động, để vận động cho một ứng cử viên dân túy và chống lại các đối thủ theo đường lối trung dung. Các tài khoản này cũng liên tục đăng tải các câu chuyện thường là giả mạo, nhưng lại có thể dụ được một số người tin là thật vì chỉ quen nghe một chiều. Đồng thời, các tin tặc cũng thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo nhắm vào chiến dịch của một ứng viên, và sau đó cho rò rỉ các tài liệu có thể gây hại.
Đây là những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 và bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2017. Và nhiều người ở 2 nước này đều cáo buộc nước Nga có dính líu vào 2 sự vụ trên, bởi vì các hành động tấn công kể trên đều nhắm vào các ứng cử viên có quan điểm không mấy thân thiện với nước Nga.
Việc sử dụng chiến thuật phá bĩnh này trong chiến dịch bầu cử tại Pháp đã được các chuyên gia an ninh mạng và nhà báo ghi nhận lại khá đầy đủ.
Phòng Pháp y Máy tính của Hội đồng Đại Tây Dương (DFLR) đã mô tả khá kỹ cách thức hoạt động của "đạo quân trực tuyến" chuyên ủng hộ bà Marine Le Pen trên Twitter. Một nhóm các tài khoản chính đã tung ra một hashtag mới thông qua hàng loạt bài đăng cùng một lúc. Các tài khoản này cũng đăng tải lại những dòng tweet của nhau và sau đó “một mạng lưới khuếch đại” bao gồm tác tài khoản tự động (bots) sẽ lấy lại những dòng tweet đó và lan truyền chúng rộng hơn nữa. Trong một số trường hợp, phương pháp này đã biến các hashtag được sử dụng vào vị trí top đầu trên Twitter. Tuy nhiên, DFLR lưu ý:
"Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ hashtag nào được nghiên cứu tại đây được lan rộng đáng kể ngoài cộng đồng những người ủng hộ Le Pen. Chúng có thể lọt vào danh sách các hashtag đang lên của Twitter, nhưng không tự duy trì được lâu mà thay vào đó, phai nhạt dần chỉ sau vài giờ".
Cộng đồng cực hữu của Hoa Kỳ, vốn tin tưởng rằng chính họ đã giúp ông Trump thắng cử, đã cố gắng giúp đỡ các đồng minh tại Pháp, nhưng phần lớn thất bại bởi hàng rào ngôn ngữ và văn hóa. Biểu tượng Ếch Pepe của giới cực hữu Mỹ đã không tao ra hiệu ứng cộng hưởng với cử tri Pháp.
Các tài khoản mạng xã hội chuyên ủng hộ bà Le Pen, cũng như các tài khoản ủng hộ những ứng cử viên cực tả như Jean-Luc Melenchon, đã cố gắng truyền bá những câu chuyện trái ngược với các kênh tin tức truyền thống. Một nghiên cứu của công ty tư vấn mạng xã hội Bakamo được xuất bản vào tháng 4 cho thấy khoảng 24% các đường link liên quan đến bầu cử đã được chia sẻ ở Pháp là nhằm phục vụ cho mục tiêu này. Một phần đáng kể của các đường link này là đến từ các trang tin tức của Nga như RT và Sputnik.
Những tài khoản đăng tải các đường link này thường hoạt động tích cực hơn hẳn những tài khoản đăng lại các tin tức truyền thống. Tuy nhiên, việc cố ý dàn xếp các câu chuyện và lan truyền các thông tin giả mạođã không làm ảnh hưởng đáng kể đến các cử tri.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford công bố vào cuối tháng 4 đã kết luận rằng "những người thảo luận về chính trị trên mạng xã hội ở Pháp và Đức thường sử dụng các nguồn thông tin chất lượng cao hơn những người thảo luận về chính trị Mỹ." Theo cuộc nghiên cứu, các cuộc thảo luận ở Pháp "ít bị xuyên tạc" hơn ở Hoa Kỳ, và ít có hiện tượng dùng robot để phát tán tin tức hơn. Cũng như hãng Bakamo, các nhà nghiên cứu ở Oxford để ý rằng số đường link về tin tức bầu cử có chất lượng tốt do người Pháp đăng tải nhiều gấp 2 lần các tin tức giả. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái, tỷ lệ này đã gần như là 1-1.
Tài liệu giả mạo nguy hiểm nhất về các tài khoản nước ngoài của Macron, vốn được tung ra giữa 2 vòng bỏ phiếu, cũng đã nhanh chóng bị vạch trần một cách thuyết phục, và không gây ra thiệt hại gì cho ông Macron.
Các hacker cũng thất bại trong việc tác động đến kết quả cuộc bầu cử của Pháp. Trước khi vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra, có một khả năng thực sự là ông Macron sẽ bị loại nếu có thông tin nào bất lợi bị rò rỉ; đó là cơ hội của ứng cử viên bảo thủ Francois Fillon, vốn ban đầu được khá nhiều người ưa thích. Nhưng không có thông tin nào bất lợi cho ông Macron đã được đưa ra.
Và chỉ mới vào thứ Sáu tuần trước, ngay trước khi các phương tiện truyền thông Pháp và cả hai ứng cử viên buộc phải giữ im lặng theo quy định của pháp luật, thì các hacker mới tiết lộ một số email bị đánh cắp từ chiến dịch tranh cử của Macron.
Đây là một động thái khá khó hiểu. Các phương tiện truyền thông và giới blogger của Pháp đã không thể làm gì với dữ liệu này vì chính phủ đã ngay lập tức cảnh báo rằng họ có thể bị truy tố do vi phạm thời gian yên lặng. Nhưng rõ ràng là bất cứ ai biên soạn và phát tán thông tin này đã không tìm thấy điều gì thú vị trong đó. Sau hai ngày bỏ ra nhiều nỗ lực để cố khám phá xem có bí mật kinh khủng gì từ những email này, cả WikiLeaks lẫn giới phóng viên nước ngoài đều không tìm thấy gì cả. Tất cả những gì mà những người ủng hộ bà Le Pen tìm thấy được là một câu nói hơi có phần tục tĩu được ghi ở cuối email của một nhân viên.
Cú phát tán thông tin này sẽ được xem xét sau khi bầu cử hoàn tất, và có thể một số sai lầm nhỏ của ông Macron sẽ được phát hiện. Nhưng điều đó cũng sẽ không thay đổi kết quả hoặc gây khó dễ gì cho ông Macron. Ông đã giành chiến thắng với một khoảng cách còn lớn hơn nhiều so với dự đoán.
Một số kết luận được đưa ra:
- Chiến dịch ủng hộ Le Pen trên mạng xã hội đã không lan ra ngoài được nhóm ủng hộ chính của Le Pen, vì bà là một chính khác đã được dân chúng Pháp biết khá rõ, chứ không phải một ẩn số như Donald Trump ở Mỹ
- Các tin tức giả mạo đã bị sàng lọc bởi các cử tri Pháp, vốn tinh tường hơn so với cử tri Mỹ
- Không giống như chiến dịch của Hillary ở Mỹ, chiến dịch của Macron khá là minh bạch, hoặc ít ra là khôn ngoan hơn khi không đưa các tài liệu nhạy cảm lên Internet
Bà Clinton đã không thua vì những thủ đoạn hacker, mà thực tế là bà đã thua vì một số lượng lớn người Mỹ không thấy bà là người đủ để tin cậy. Vì vậy, họ dễ dàng chấp nhận các tin tức giả mạo về bà, và những lời cáo buộc đi kèm rằng bà là người tham nhũng và không trung thực.
Đã có nhiều người bỏ ra hàng tháng mổ xẻ thất bại của bà Clinton trước ông Trump, nhưng lại bỏ qua lời giải thích đơn giản nhất: Điều quan trọng là phải thuyết phục cử tri rằng bạn không tham nhũng. Các cử tri Pháp cũng không chấp nhận quá khứ phân biệt chủng tộc và bài ngoại nặng nề của Đảng Mặt trận Dân tộc của bà Le Pen, không như các cử tri Mỹ đã bỏ qua những lời phát ngôn gây tranh cãi của Trump.
Hillary Clinton đã bày tỏ vui mừng trước chiến thắng của Macron và về cái mà bà gọi là "thất bại đối của những người can thiệp vào nền dân chủ". Tuy nhiên, các thủ đoạn hacker không phải là vũ khí bách chiến bách thắng. Một quốc gia có nền văn hoá chính trị lành mạnh và các cử tri am hiểu sẽ đánh bại chúng. Có một sự khác biệt rõ rệt giữa văn hóa chính trị ở Pháp và Mỹ: tại Pháp, tỷ lệ 74,56 % cử tri đi bầu đã bị xem là khá thấp, còn nếu nước Mỹ mà đạt được cùng tỷ lệ thì đó là chuyện lạ 120 năm rồi chưa hề xảy ra.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lam Nhi
-
Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi)
-
Trọng Hoàng
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ