Vì sao những "Warren Buffett của Trung Quốc" lại sa lầy?
Là người đàn ông giàu thứ hai thế giới với nửa thế kỷ thành công trong lĩnh vực đầu tư, Warren Buffett là cái tên hộ gia đình mà cả thế giới đều biết đến. Thế nhưng, tại Trung Quốc, ông còn là một người nổi tiếng. Vào tháng 3.2017, một phiên bản đặc biệt của sản phẩm nước ngọt Coca-Cola Cherry, có in hình hoạt họa của nhà đầu tư 86 tuổi này, đã có mặt trên các quầy kệ cửa hàng của Trung Quốc (Buffett không chỉ thích nước ngọt có đường mà ông còn là cổ đông lớn nhất của hãng Coca-Cola).
Vào ngày 6.5, hàng ngàn nhà đầu tư Trung Quốc đã có mặt ở Omaha, bang Nebraska, Mỹ để tham dự cuộc họp thường niên của Tập đoàn Berkshire Hathaway và số người live stream sự kiện này còn nhiều hơn thế. Những ai bỏ lỡ sự kiện trọng đại của Berkshire có thể đọc một trong hàng trăm cuốn sách tiếng Trung Quốc nói về cách Warren Buffett kiếm tiền.
Buffett tỏa sáng ở Trung Quốc một phần do đúng thời điểm. Thị trường chứng khoán hiện đại của Trung Quốc đã ra đời vào năm 1990. Lúc đó, các nhà đầu tư nước này mới tập tễnh chơi chứng khoán, còn chưa quen đọc báo cáo lợi nhuận và chưa rành rẽ các xu hướng thị trường. Vì thế, tiếng tăm của Buffett như một nhà đầu tư cổ phiếu xuất sắc nhất thế giới đã nhanh chóng trở thành hình mẫu trong mắt các nhà đầu tư Trung Quốc. So sánh với những đợt bùng nổ rồi xì hơi trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, mức sinh lời đều đặn của Berkshire Hathaway đã làm nức lòng các nhà đầu tư nước này.
Đối với các nhà đầu tư thành công ở đây, hầu như không có gì hãnh diện bằng việc được tán dương là “Warren Buffett của Trung Quốc”. Danh hiệu này đã được dành cho (được ca tụng hoặc tự phong) hơn 10 gương mặt đầu tư nổi tiếng tại Trung Quốc.
Guo Guangchang, chủ tịch tập đoàn Fosun, một trong những người được mệnh danh "Warren Buffett của Trung Quốc". Ảnh: The Economist |
Nhưng có lẽ họ sẽ muốn nghĩ lại. Xét tình hình Trung Quốc, việc tuyên bố những tên tuổi có khả năng đầu tư giống như Buffett trong những năm qua cho thấy đó là dấu hiệu đáng lo hơn là niềm tự hào. Bởi lẽ, có người đã phải ngồi tù vì thao túng thị trường chứng khoán, người bị giam cầm suốt nhiều tháng trời, người thì bị Chính phủ điều tra.
Khoảng cách quá xa giữa sự kính trọng dành cho tỉ phú Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại của thế giới, với cái chắt lưỡi dành cho những nhà đầu tư được gọi là Buffett của Trung Quốc đã cho thấy thực tế nhiễu nhương của ngành tài chính nước này. Một bên là Warren Buffett, được xem là chuẩn vàng của hình thức đầu tư giá trị, được kính nể vì tầm nhìn dài hạn của ông trong việc lựa chọn cổ phiếu. Một bên là các nhà đầu tư Trung Quốc, dù rằng ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, nhưng nhiều người trong số họ lại chọn đường đi khó, đầy rủi ro và nặng nợ. Điều này cũng là dễ hiểu vì họ là sản phẩm của một thị trường chưa được 30 năm tuổi đời và một nền kinh tế mà suốt thời gian đó gần như chưa trải qua các thời kỳ suy thoái cực kỳ nghiêm trọng.
Hãy xem xét 2 nhà đầu tư thường được cho là giống với Warren Buffett nhất. Một là Guo Guangchang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Fosun, một tập đoàn đa ngành có tài sản trong nhiều lĩnh vực từ khai khoáng cho đến du lịch. Có sự tương đồng mang tính bề nổi giữa Fosun và Berkshire Hathaway ở chỗ cả hai phần nào cũng đều dùng tiền từ mảng bán bảo hiểm để rót vào các khoản đầu tư. Nhưng sự tương phản giữa Fosun và Berkshire thì lại vô cùng rõ rệt. Trong suốt thập niên vừa qua, Berkshire có thể tài trợ hơn 4/5 các khoản đầu tư của mình bằng dòng tiền từ hoạt động, trong khi dòng tiền từ Fosun chỉ tài trợ chưa tới 2% các khoản đầu tư của Tập đoàn. Kết quả là Fosun đã phải dựa vào nợ rất nhiều để tài trợ cho các hoạt động đầu tư của mình.
Một nhà đầu tư Trung Quốc khác được cho là áp dụng “mô hình Warren Buffett” là Wu Xiaohui của Anbang. Mảng bảo hiểm của Anbang đã tăng rất mạnh trong 5 năm vừa qua, với tài sản đạt 1.900 tỉ nhân dân tệ (tương đương 286 tỉ USD) vào năm 2016, hơn gấp 3 lần năm 2012. Anbang, giống như Berkshire Hathaway, đã tài trợ cho hầu hết các khoản đầu tư của mình bằng nguồn thu từ bán bảo hiểm. Nhưng trong khi Buffett kinh doanh ổn định thì Wu lại dựa vào việc bán các hợp đồng bảo hiểm ngắn hạn, mức sinh lợi cao mà đây là một hình thức giấu mặt của vay nợ.
Những Warren Buffett của Trung Quốc này giờ đang đối mặt với một bài kiểm tra ngặt nghèo. Dường như Chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã cương quyết “dọn rác” trên các thị trường tài chính sau 1 thập niên tăng trưởng nợ quá nhanh. Các nhà điều hành chính sách đã nhiều lần cam kết sẽ kiềm cương việc bơm tín dụng, chỉ để rồi chùn tay khi chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, giới cầm quyền đã tỏ ra rất quyết tâm chỉnh đốn thị trường. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố trọng tâm của chính sách tài chính là hạn chế rủi ro. Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã cam kết sẽ thẳng tay với “những con cá sấu khổng lồ” ăn thỏa thuê bằng tiền tiết kiệm của những nhà đầu tư bình thường. Và cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng đã tung ra cái mà giới báo chí trong nước gọi là “cơn bão siết chặt”, bóp nghẹt dòng tiền bơm vào các ngân hàng mờ.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã phải chịu rủi ro kép. Thứ nhất là rủi ro về chính trị. Nhà nước đang thẳng tay với những kẻ tình nghi dính vào hoạt động bất hợp pháp. Xu Xiang và Xiao Jianhua, các nhà quản lý những công ty đầu tư kín tiếng, đã được ca tụng là Buffett của Trung Quốc do mức lợi nhuận cao mà họ mang về. Nhưng giờ cả hai đều đang bị giam cầm: Xu vào tù vì đã thao túng thị trường chứng khoán; Xiao thì dính vào một cuộc điều tra tham nhũng.
Thứ hai là rủi ro về tài chính. Với quyết tâm kiểm soát nợ một cách chặt chẽ, cơ quan điều hành đã nhắm đến đối tượng mục tiêu là các khoản đầu tư nặng nợ, vốn được các công ty bảo hiểm Trung Quốc ưa chuộng. Bằng chứng là cả Fosun lẫn Anbang đều đã phải ngưng các thương vụ nước ngoài trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có một số doanh nghiệp có vẻ giống Buffett nhiều hơn. Đó là các nhà bảo hiểm chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước, có quy mô lớn, không màu mè như China Life, China Taiping, CPIC, Ping An. Tuân thủ quy định nhà nước, các doanh nghiệp này rất thận trọng trong việc sử dụng nợ. Nhờ hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, các công ty này đã tạo ra kết quả (được đo lường bằng giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu, chỉ số được Buffett ưa dùng) vượt qua cả Berkshire trong suốt thập niên qua dẫu cũng có những thời điểm trăng trầm, trồi sụt. Họ cũng có một đặc điểm khác giống với Buffett, vốn nổi tiếng là người rất khiêm nhường. Đó là họ cũng không hề khoe khoang về thành công của mình.
Ngô Ngọc Châu
Nguồn The Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lam Nhi
-
Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi)
-
Trọng Hoàng