Hủy
Doanh Nhân

WeFit: Mô hình chia sẻ phòng tập gym

Công Sang Thứ Năm | 28/06/2018 15:30

 
 
WeFit không sở hữu bất cứ phòng tập nào nhưng thành viên của Công ty có thể sử dụng hơn 600 phòng tập trên toàn quốc.

Đó là cách Nguyễn Khôi, người sáng lập WeFit, vận dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào ngành chăm sóc sức khỏe và thể hình. Ý tưởng thành lập WeFit xuất phát từ chính bản thân Khôi, là người thích chơi thể thao nhưng có giai đoạn tham gia vào dự án Topica Edumall khiến anh xao lãng hoạt động thể chất này. Sau một thời gian, Khôi nhận ra sức khỏe của mình bị ảnh hưởng rõ rệt và anh cần phải thay đổi...

“Làm việc trong môi trường khởi nghiệp thường không có giờ giấc cố định, thường xuyên di chuyển trong khi mô hình các phòng tập cũ bị ràng buộc về mặt địa điểm. Đó là lúc chúng tôi nghĩ về một mô hình có thể dỡ bỏ các rào cản của phòng tập truyền thống”, Khôi giới thiệu về ý tưởng của mình.

Làm sao sở hữu một hệ thống phòng tập có độ phủ rộng ở các thành phố lớn trong thời gian ngắn mà không tốn quá nhiều chi phí đầu tư vào mặt bằng là bài toán Khôi phải giải quyết. Mô hình kinh tế chia sẻ là giải pháp được chọn,  bởi theo Khôi, mô hình này sẽ phát huy hết khả năng khi áp dụng vào các tài nguyên đã có sẵn trong xã hội và chưa được khai thác hết công suất. Ở Việt Nam, phòng tập thể hình là các tài nguyên như vậy.

Để hình dung đơn giản nhất về mô hình, WeFit là hệ thống kết nối hai đầu. Một đầu đấu nối với số lượng lớn những người có nhu cầu tập luyện thể thao, đầu còn lại đấu nối với hệ thống phòng tập chưa khai thác hết công suất.

Yếu tố giữ cho mô hình này bền vững là mức phí đủ hấp dẫn người tập nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho WeFit và các đối tác. Nói thì dễ nhưng thực tế đây là yếu tố làm đội ngũ WeFit đau đầu nhất. “Sau nhiều lần điều chỉnh, chúng tôi tiến đến thống nhất rằng nếu giá phòng tập thấp hơn mức giá thành viên của WeFit, phòng tập đó sẽ phải mở cửa tất cả các dịch vụ cho thành viên. Ngược lại, chỉ một số dịch vụ được mở ra”, anh Khôi nói.

Theo ước tính của WeFit, thị trường phòng tập ở Việt Nam có quy mô khoảng 300 triệu USD năm 2018, dù khá khiêm tốn nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm là 2 con số.

Khoảng 60% doanh thu thuần của Công ty sẽ được trả cho các phòng tập, phần còn lại là của WeFit. Khôi cho biết, WeFit hiện có khoảng 10.000 thành viên đang hoạt động, độ phủ ở Hà Nội đạt 90% và TP.HCM là trên 70% nhưng từ chối chia sẻ doanh thu cũng như lợi nhuận ròng của mô hình này. Về phía phòng tập, trung bình các phòng tập tham gia hệ thống lợi nhuận ròng mỗi tháng tăng 10%. Con số này dao động 20-30% đối với nhóm các phòng tập có đầu tư bài bản. Về phần mình, WeFit có thể tăng doanh thu bằng việc gia tăng lượng thành viên và đưa ra thị trường hình thức thẻ thành viên cao cấp để khách hàng có thể sử dụng tất cả dịch vụ ở các phòng tập cao cấp.

Nguyễn Khôi sinh năm 1991, tốt nghiệp ngành kỹ sư máy tính Học viện Công nghệ lllinois (Mỹ). Được các công ty ở Mỹ mời lại làm việc nhưng anh chọn quay về Việt Nam vì muốn tạo ra các doanh nghiệp có giá trị trong xã hội. Sau dự án đầu tiên về giáo dục, WeFit là dự án Khôi kỳ vọng có thể tạo được thói quen phòng bệnh hơn chữa bệnh của người Việt Nam khi từng bước dỡ bỏ các rào cản về mức phí và vị trí địa lý.

Cho đến nay, WeFit là hệ thống đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam nhưng xét ở bức tranh toàn cầu, Công ty xếp cùng hạng mục với một công ty của Malaysia và Mỹ. Trong thế giới các startup công nghệ, việc mở rộng thị trường gần như là câu chuyện tất yếu.

Với lợi thế về vốn, các công ty nước ngoài có thể dùng tài chính để phá vỡ tỉ lệ chia sẻ doanh thu của WeFit với các doanh nghiệp hiện nay hoặc thu hút nhân sự về phía họ để giảm thời gian gia nhập thị trường.

Câu hỏi đặt ra là rào cản của WeFit đang dựng lên trước các đối thủ ngoại là gì? “Bức tranh lớn hơn của WeFit sẽ là một nền tảng kết nối, không chỉ trong ngành chăm sóc sức khỏe và thể hình, mà là phong cách sống”, Khôi nói.

WeFit đang tăng tốc độ kết nối với các doanh nghiệp trong ngành chăm sóc sức khỏe và spa. Dự kiến sẽ phát triển được 1.000 đối tác đến cuối năm nay. Song song đó, WeFit cũng sẽ triển khai các giải pháp quản lý bán hàng, tiếp thị cho các đối tác. Khôi tin rằng việc gia tăng quyền lợi cho các thành viên và đối tác là rào cản không thể sao chép một sớm một chiều.

WeFit: Mo hinh chia se phong tap gym
 

Trên thực tế, Khôi mong rằng sẽ có nhiều đối thủ tham gia trong thời gian tới để đẩy thị trường này đi nhanh hơn vì lợi ích chung của người Việt Nam. Năm 2017, các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đưa ra thống kê mức độ vận động người dân ở các nước dựa trên số bước chân trung bình mỗi ngày. Người dân Việt Nam thuộc nhóm ít vận động khi đi chưa tới 4.000 bước chân mỗi ngày. Trong khi đó, chi phí dành cho y tế tại Việt Nam tính trên đầu người thấp: khoảng 1 triệu đồng/người/năm, bằng 1/10 của Thái Lan, 1/20 so với Singapore...

Ít vận động đang tạo ra gánh nặng lên bảo hiểm y tế vì các căn bệnh liên quan đến việc kém vận động. Vì thế, những dịch vụ liên quan đến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.

Hiện chăm sóc sức khỏe là mảnh đất đầu tư màu mỡ vô cùng hấp dẫn. Theo thống kê của Bain & Co., tính riêng ở châu Á, 61 thương vụ đã diễn ra trong năm 2017, đạt 7,2 tỉ USD, một nửa trong số đó là tại Trung Quốc. Ngoài các nhà đầu tư trong ngành, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng chào đón làn sóng các nhà đầu tư từ khối công nghệ, truyền thông số tham gia gián tiếp lẫn trực tiếp... “Tuy nhiên, trong ít nhất 2 năm tới, chúng tôi chưa có kế hoạch phát triển bên ngoài Việt Nam”, Khôi cho biết


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới