Hủy
Kiều bào

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ doanh nghiệp trong chuyến công du tại Hungary và Vương quốc Anh

Tuệ Anh Thứ Tư | 29/06/2022 14:56

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: TTXVN

 
 
Lãnh đạo một số doanh nghiệp Hungary cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo TTXVN, sáng 28/6, trong chuyến thăm chính thức Hungary, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Những năm qua, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước liên tục phát triển. Hungary ưu tiên vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, ưu tiên hợp tác giáo dục, đào tạo, liên tục tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam.

Cùng trong sáng 28/6, tại thủ đô Budapest, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp Hungary hiện đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó có lãnh đạo Công ty Gedeon Richter - công ty đa quốc gia của Hungary hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm và nghiên cứu phát triển (R&D) công nghệ sinh học, lãnh đạo Công ty Egis - công ty dược phẩm hàng đầu khu vực Trung Đông Âu,

Tại Việt Nam, Gedeon Richter thành lập văn phòng chính thức vào năm 1995, Egis thành lập văn phòng vào năm 2000. Hiện nay, Egis đang triển khai kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đưa Văn phòng đại diện tại TP.HCM thành Văn phòng đại diện của cả ASEAN.

Lãnh đạo Công ty Gedeon Richter và Công ty Egis mong muốn Việt Nam đẩy nhanh hơn tiến độ và đơn giản hoá thủ tục hành chính về đăng ký thuốc để nhiều sản phẩm mới có thể cung cấp vào thị trường Việt Nam; cấp giấy phép phân phối dược phẩm với thời hạn dài hơn; nghiên cứu tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến đăng ký lưu hành thuốc....

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Tamas Uri, Giám đốc Công ty EGIS khu vực Trung Đông Âu. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Tamas Uri, Giám đốc Công ty EGIS khu vực Trung Đông Âu. (Nguồn: TTXVN)

Hoan nghênh việc Công ty Egis có kế hoạch mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, nếu thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm tại Việt Nam thì chính sách ưu đãi rất lớn.

Khi thành lập doanh nghiệp, Egis sẽ có quyền sản xuất, phân phối và được thụ hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, trong khi là Văn phòng đại diện thì sẽ không có quyền phân phối sản phẩm. Đây là không phải là do quy định của Luật Dược mà là trong cam kết quốc tế.

Lãnh đạo hai công ty cho biết, sẽ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, Tập đoàn Egis cho biết trước mắt sẽ thành lập pháp nhân tại Việt Nam, tiến tới thành lập Công ty và đưa dây chuyền sản xuất vào Việt Nam để hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Tiếp đó, tại cuộc tiếp đồng Chủ tịch Công ty Hungarian Water Parnerghip (HWP) Robert Forintos - công ty đang triển khai một số dự án nước sạch tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của HWP trong việc định hướng cho các công ty thành viên nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực cung cấp nước, xử lý nước tại Việt Nam.

Ông Robert Forintos cho biết, HWP bao gồm 17 công ty thành viên và 8 đối tác chiến lược. Năm 1992, công ty mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam và năm 1996 trở thành công ty lớn nhất của Hungary có các dự án đầu tư tại Việt Nam.

Ban lãnh đạo công ty mong muốn tiếp tục tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam để nghiên cứu và thực hiện các dự án liên quan đến ngành nước sử dụng các công nghệ và giải pháp hiện đại do HWP cung cấp. Hiện HWP đang triển khai dự án nước sạch tại Quảng Bình giai đoạn 2 và dự án nước sạch tại tỉnh Vĩnh Long.

Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sân bay London Heathrow. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sân bay London Heathrow. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều ngày 28/6 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Anh theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Anh John Mcfall và Chủ tịch Hạ viện Linsay Hoyle từ ngày 28-30/6.

Trọng tâm chuyến thăm Vương quốc Anh của Chủ tịch Quốc hội lần này là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, thông qua kênh nghị viện để rà soát, thúc đẩy xây dựng các chính sách pháp luật làm đòn bẩy cho hợp tác kinh tế, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, triển khai hiệu quả Hiệp định UKVFTA.

Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 6,6 tỉ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng mạnh được cho là chủ yếu nhờ UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh) và sự phục hồi của chuỗi cung ứng sau đại dịch. Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu..

Theo chương trình, lần đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội, Tọa đàm về hợp tác giáo dục được tổ chức với sự tham gia của các trường Đại học hàng đầu, các tập đoàn, tổ chức giáo dục của Việt Nam và 2 nước nhằm thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới