10 năm, chỉ xử phạt 150 vụ cạnh tranh không lành mạnh
Luật cạnh tranh thể hiện nhiều bất cập sau 10 năm thực thi, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương chỉ tiếp nhận được hơn 300 khiếu nại cạnh tranh không lành mạnh, tiến hành điều tra tổng số 158 vụ và chỉ quyết định xử phạt được 150 vụ.
Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều dạng hành vi vi phạm khác nhau. Chiếm tỷ trọng lớn nhất, tới 62%, là các vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Tiếp đến là các vụ việc liên quan tới hành vi bán hàng đa cấp bất chính, chiếm 17%.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, ngày 4.11, cho biết, cạnh tranh không lành mạnh 2 năm gần đây được siết chặt hơn nhưng chế tài vẫn chủ yếu là xử phạt hành chính.
Xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, ngày 1.7.2005, Cục Quản lý Cạnh tranh chỉ thu về ngân sách nhà nước số tiền phạt năm 2007 là 85 triệu đồng, năm 2008 là 805 triệu đồng và đến 2015 là 2 tỷ đồng.
PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương, thừa nhận, thứ hạng cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, thậm chí rất thấp, xếp thứ 99 trên tổng số 120 quốc gia được xếp hạng về thứ bậc cạnh tranh.
Những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng độc quyền, phản ánh môi trường cạnh tranh trên thị trường nội địa đang có nhiều biểu hiện xấu.
Đặc biệt, sự kết cấu giữa doanh nghiệp làm ăn bất chính với một bộ phận truyền thông ngày càng được giàn dựng một cách bài bản, tinh vi đã mang lại hậu quả khôn lường.
Nguyên nhân, theo ông Thắng là do thể chế kinh tế nước ta chưa phù hợp, chưa tạo được môi trường kinh doanh nói chung, môi trường cạnh tranh nói riêng phù hợp với thời thế.
Luật cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 1.7.2005, nhưng đến nay, nhận thức của doanh nghiệp đối với Luật Cạnh tranh còn thấp. Cạnh đó, tâm lý ngại khiếu nại đã dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp tự từ bỏ quyền được bảo vệ và không khiếu nại, phản ánh thông tin về hành vi vi phạm tới Cục Quản lý Cạnh tranh.
Môi trường cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt, đòi hỏi phải có chiến lược mới, tạo khác biệt và sáng tạo trong kinh doanh của doanh nghiệp.
“Cần có một hệ thống luật pháp và các chính sách khích lệ thương nhân, đặc biệt phải coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển, là trụ cột của nền kinh tế”, ông Thắng nói.
Hôm nay, 4.11, Cục Quản lý Cạnh tranh chính thức nhận được quyết định của Chính phủ về sửa đổi Luật Cạnh tranh, sau hơn 10 năm thực hiện, các chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng thời xác lập khung pháp lý thống nhất để điều chỉnh và kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và độc quyền.
Hải Vân
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Minh Đức
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam