Hủy
Kinh Doanh

12.001 tỉ đồng trái phiếu được mua lại trước hạn trong tháng 4

Ngọc Tâm Thứ Sáu | 10/05/2024 18:11

Trong 8 tháng còn lại của năm 2024 ước tính có trái phiếu bất động sản với 73.784 tỉ đồng, đáo hạn. Ảnh: TL.

Trong 8 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 183.484 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản.
 

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 2/5/2024, có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 13.940 tỉ đồng trong tháng 4/2024. Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 31 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 29.050 tỉ đồng và 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỉ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7,5% giá trị.

 

Cũng từ số liệu của VBMA, trong tháng 4, các doanh nghiệp đã mua lại 12.001 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 8 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 183.484 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 73.784 tỉ đồng, tương đương 40,2%. Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 1 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi mới trong tháng với giá trị 47 tỉ đồng và 12 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 4 đạt 68.406 tỉ đồng, giảm 25% so với tháng 3/2024. Hầu hết các trái phiếu được giao dịch nhiều nhất đều do nhóm ngân hàng thương mại phát hành.

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặc dù môi trường lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành, tuy nhiên, việc các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu, là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư ngần ngại tham gia. 

 

Số liệu từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cho quý I/ 2024 đạt 11,2% so với cùng kỳ năm trước và 17% so với quý IV/2023. Trong đó, nổi bật là các ngành vật liệu, bán lẻ và vận tải, cùng với ngân hàng, đã thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận đối với VN-Index. 

Ngành sản xuất của Việt Nam cũng có sự phục hồi khi chỉ số PMI tháng 4 đã tăng trở lại trên mốc 50. Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nói “Số lượng đơn đặt hàng mới của ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại một cách đáng khích lệ trong tháng 4 sau thời gian yếu kém gần đây. Tính chất lên xuống thất thường của số lượng đơn đặt hàng mới gần đây khiến các công ty lo lắng về tương lai. Hy vọng chúng ta có thể thấy một môi trường ổn định hơn trong những tháng tới để có thể giúp các nhà sản xuất lập kế hoạch sản lượng và chuẩn bị nguồn lực hiệu quả”. 

Có thể bạn quan tâm 

Ngành sản xuất đã đi qua đáy và vẫn đang hồi phục


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới