Hủy
Kinh Doanh

3 nguồn vốn đường sắt cao tốc

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (Thanh Hằng ghi) Thứ Ba | 18/02/2025 14:30

Vốn ODA lại không khả thi cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư tương đương 15% GDP Việt Nam năm 2023. Ảnh: shutterstock.com.

 
 
Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.541 km với tổng mức đầu tư 67,34 tỉ USD.

Nguồn vốn nào cho dự án này? 

Trong nhiều năm qua, khi nói đến các dự án hạ tầng với quy mô vốn lớn, người ta nghĩ ngay đến vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), với kỳ hạn dài, ân hạn trả nợ gốc và được ưu đãi lãi suất. Thế nhưng, nếu tính toán kỹ, vốn ODA lại không khả thi cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư tương đương 15% GDP Việt Nam năm 2023.

Thứ nhất, không có nguồn vốn ODA đa phương để đầu tư đường sắt cao tốc. Với các tổ chức cho vay đa phương như World Bank thì hỗ trợ phát triển các cơ sở hạ tầng truyền thống như đường sắt không còn là ưu tiên của nhà tài trợ. Như vậy, nguồn vốn ODA sẵn có chỉ là vốn song phương, đến từ chính phủ các quốc gia có thế mạnh về công nghệ đường sắt cao tốc. Họ sẽ sẵn sàng tài trợ vốn ODA cho các nước như Việt Nam nếu cam kết lựa chọn công nghệ, nhập khẩu thiết bị, sử dụng nhà thầu xây dựng của họ.

 

Những khoản vốn ODA song phương này có tính ràng buộc và một khi đã cam kết sử dụng nhà thầu, công nghệ và nhập khẩu thiết bị của họ thì chi phí sẽ đội lên. Vì vậy, chi phí đầu tư có thể sẽ đắt hơn nếu so với việc lựa chọn dựa trên đấu thầu quốc tế cạnh tranh.

Thứ 2 là thách thức trong quá trình triển khai dự án do những ràng buộc về mặt thủ tục khi vừa phải đảm bảo các quy định về đầu tư công của Việt Nam, vốn rất rườm rà, vừa phải đảm bảo các quy định của nhà tài trợ. Nếu xảy ra độ vênh giữa những quy định này sẽ dẫn đến trễ tiến độ. Cuối cùng, vốn ODA lại không rẻ vì dự án triển khai lâu dễ bị đội vốn. Một yếu tố quan trọng nữa là khi lựa chọn nguồn vốn song phương với những cam kết bị áp đặt thì có thể sẽ không được sự đồng thuận cao về mặt xã hội, nhất là khi thông tin về các cam kết không được minh bạch. Trong quá trình thực thi, tính chất ràng buộc của hợp đồng tín dụng ODA còn làm giảm trách nhiệm giải trình của nhà thầu trước chủ đầu tư. Tất cả các lý do trên làm cho vốn ODA thực ra không rẻ khi tính đến rủi ro đội vốn và trễ tiến độ.

Như vậy, để tài trợ cho siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Việt Nam phải chủ động huy động vốn, chứ không thể dựa vào nguồn ODA. Việc tự huy động vốn từ các tổ chức tài chính cần phải dựa vào tín hiệu thị trường. Nếu nhà đầu tư sẵn sàng tài trợ, đó là tín hiệu cho thấy dự án có tính khả thi cao và ngược lại.

Khi tự chủ được nguồn vốn thì có thể tổ chức đấu thầu quốc tế cạnh tranh và sẽ không bị ràng buộc bởi các điều kiện cam kết phi cạnh tranh, phi thị trường từ các đối tác. Việt Nam có thể chọn một cách khách quan dựa trên năng lực, chi phí đầu tư, công nghệ và khả năng thực hiện dự án theo tiến độ. Hơn nữa, đơn vị thắng thầu từ một cuộc đấu thầu cạnh tranh, minh bạch dễ dàng có được sự ủng hộ của xã hội.

 

Tuy có sự tham gia của khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nhưng về bản chất, đây vẫn là một dự án đầu tư công, vì vậy Nhà nước phải là người đứng ra huy động vốn. Kênh huy động chính yếu của Nhà nước là từ trái phiếu chính phủ. Trái phiếu được ngân sách nhà nước đảm bảo và sẽ làm tăng nợ công. Một thuận lợi là tỉ lệ nợ công đang ở mức 37% GDP. So với ngưỡng cảnh báo 55% và ngưỡng trần 60% của Quốc hội, Việt Nam còn nhiều dư địa để huy động vốn bằng trái phiếu chính phủ.

Thách thức của một dự án đường sắt cao tốc là thời gian hoàn vốn rất dài và các hạng mục chi trả bằng ngoại tệ lớn. Chúng ta phải trả ngoại tệ cho tư vấn nước ngoài, cho công nghệ nước ngoài và cho nhập khẩu thiết bị nước ngoài. Chỉ có phần giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng trong nước là bằng nội tệ. Vì vậy, trái phiếu phải được huy động kỳ hạn dài và phải huy động mệnh giá ngoại tệ.

Thứ nhất, vốn ngoại tệ dài hạn sẽ phải huy động theo kênh phát hành trái phiếu quốc tế. Đây là phép thử về tính khả thi tài chính của dự án và tín nhiệm vay nợ quốc gia. Trong quá khứ, Việt Nam từng phát hành trái phiếu để huy động vốn ngoại tệ cho Vinashin. Các tổ chức tài chính quốc tế lúc đó “ỷ lại” vào sự bảo lãnh của Nhà nước thay vì đánh giá tính khả thi của các dự án mà Vinashin dùng tiền huy động để đầu tư. Quy mô của dự án đường sắt cao tốc sẽ buộc các nhà đầu tư trái phiếu tiềm năng phải đánh giá tính khả thi của chính dự án này, chứ không chỉ là tín nhiệm vay nợ của Chính phủ.

Nguồn vốn thứ 2 là phát hành trái phiếu trong nước với mệnh giá cả ngoại tệ và nội tệ. Đối với trái phiếu để tài trợ chi phí đầu tư bằng nội tệ thì có thể phát hành trái phiếu tiền đồng bình thường. Các tổ chức tài chính như ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư sẵn sàng mua trái phiếu chính phủ nội tệ với kỳ hạn dài. Một điểm thuận lợi là mức lợi suất thấp của trái phiếu chính phủ thị trường tài chính trong nước. Vì tỉ lệ ngoại tệ trong dự án này lớn trong khi như đã nói, phát hành trái phiếu quốc tế để huy động ngoại tệ chỉ đáp ứng được một phần. Sau khi chọn được nhà thầu, một phần chi phí ngoại tệ sẽ được hỗ trợ bằng nguồn tín dụng xuất khẩu của chính quốc gia nơi nhà thầu hoạt động.

Một giải pháp đột phá mà từ trước đến nay Chính phủ chưa làm là phát hành trái phiếu chính phủ mệnh giá ngoại tệ để huy động vốn ngoại tệ mà người dân và doanh nghiệp đang nắm giữ. Người dân Việt Nam hiện đang giữ một khối lượng lớn ngoại tệ bằng tiền mặt, để tại ngân hàng với lãi suất 0%. Nhà nước hoàn toàn có thể huy động nguồn vốn này qua việc phát hành trái phiếu dài hạn bằng mệnh giá ngoại tệ. Trái phiếu có trả lãi và gốc bằng ngoại tệ, được Nhà nước bảo lãnh thì sẽ rất hấp dẫn. 

Vẫn nhất quán với chính sách chống đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì lãi suất 0% đối với tiền gửi USD tại ngân hàng thương mại. Cơ chế đặc thù là Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu chính phủ bằng USD trên thị trường sơ cấp tại Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM. Trái phiếu huy động USD, trả lãi định kỳ và gốc bằng USD. Nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài đều có thể tham gia. Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM cũng tạo dựng thị trường thứ cấp cho trái phiếu này để nhà đầu tư có thể mua đi bán lại. Một thị trường thứ cấp hoạt động hiệu quả sẽ là cơ sở để nhà đầu tư sẵn sàng mua trái phiếu với kỳ hạn dài. 

Có thể bạn quan tâm 

Dò đáy, phá đỉnh 2025


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới