Alumni, Ivy League và đại học phi lợi nhuận

Một số trường đại học tư nhân ở Việt Nam như Fulbright (FUV), Vinuni theo mô hình Ivy League danh giá. Thế nhưng, nền móng tài chính của mô hình dựa vào nhà tài trợ (donor) và cộng đồng cựu học viên (alumni) dường như còn quá mong manh.
Trung bình, gần một nửa nguồn thu của Đại học Harvard đến từ các nhà tài trợ, bao gồm các khoản hiến tặng và tài trợ từ cựu học viên. Trong năm 2024, Harvard nhận được 2,4 tỉ USD từ nguồn này và là trường có nguồn tài trợ lớn nhất.
Cựu sinh viên, đặc biệt của những trường Ivy League, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trường cũ thông qua gây quỹ và quyên góp. Những đóng góp này giúp tài trợ các chương trình đại học, học bổng và nghiên cứu, từ đó cải thiện cơ hội giáo dục cho sinh viên tương lai.
![]() |
Cuối năm ngoái, Lôi Quân, Chủ tịch kiêm CEO Xiaomi, đã quyên tặng 1,3 tỉ nhân dân tệ (182 triệu USD). Vị tỉ phú này đã tốt nghiệp cử nhân khoa học máy tính tại Đại học Vũ Hán vào năm 1991. Ông nhận được suất học bổng lớn nhất thời đó trị giá 2.000 nhân dân tệ. “Tôi muốn trả lại gấp 10 lần, 100 lần hoặc 1.000 lần”, ông tâm sự.
Tuy vậy, văn hóa trả lại như thế chưa phổ biến tại Việt Nam. “Nhiều sinh viên xem học bổng như một phần thưởng xứng đáng cho thành tích của họ, không chỉ là hỗ trợ tài chính mà còn là sự khẳng định năng lực cá nhân”, Tiến sĩ Trịnh Việt Dũng, Giám đốc phân hiệu Đông Nam Á của Đại học Kühne Logistics, chia sẻ từ kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục và hợp tác quốc tế.
Tại quốc gia thực dụng như Mỹ tồn tại hệ tư tưởng xem giáo dục đại học như mua một món hàng. Nhưng theo học tại những trường Ivy đem đến một niềm tự hào khác. Có những gia đình 3 thế hệ học tại Cornell. Họ xem khoản tài trợ cho trường không phải là tặng, mà là đóng tiền học cho thế hệ tiếp theo.
Trừ khi được hỗ trợ tài chính hoàn toàn, sinh viên của một trường Ivy League có thể phải trả học phí nhiều hơn so với đồng môn tại các trường khác, có thể gấp 7-8 lần. Điều đó có nghĩa là một trường Ivy League trả 92.000 USD cho mỗi sinh viên so với chỉ 12.000 USD ở các trường khác. Tuy nhiên, những trường như vậy có nguồn học bổng dồi dào để tài trợ cho sinh viên, một phần trong đó đến từ cựu học viên. Chương trình hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như sáng kiến của SMU dành cho sinh viên ASEAN, giúp các tổ chức này tiếp cận được với nhiều nhóm sinh viên.
Có bằng cấp của Ivy League có nghĩa là bạn sẽ tự động thành công không? “Tất nhiên là không. Nhưng nó có thể giúp bạn có được lợi thế và tạo dựng được những mối quan hệ tuyệt vời”, Kristen Moon, nhà sáng lập kiêm CEO tại Moon Prep, trả lời trên Quora.
![]() |
Thật vậy, Giáo sư Timothy Clark, Hiệu trưởng Đại học Quản lý Singapore (SMU), nhận định các trường đại học phi lợi nhuận rất giỏi trong việc thúc đẩy tư duy phản biện, khả năng lãnh đạo và thành công lâu dài trong sự nghiệp, giúp họ duy trì khả năng cạnh tranh cao trên thị trường Việt Nam. “Thông qua mạng lưới cựu sinh viên mạnh mẽ và quan hệ đối tác trong ngành, họ điều chỉnh chương trình giảng dạy của mình theo nhu cầu của lực lượng lao động đang thay đổi”, Giáo sư Timothy Clark trả lời NCĐT.
Ví dụ, SMU, một trường phi lợi nhuận, tận dụng các sáng kiến như Chương trình Định hướng cựu sinh viên SMU để kết nối sinh viên với người cố vấn và hợp tác với các ngành công nghiệp để thực hiện nghiên cứu ứng dụng và các dự án thực tế, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng làm việc.
Trong bối cảnh giáo dục đại học của Việt Nam, trường đại học công lập, tư thục phi lợi nhuận và vì lợi nhuận có vai trò bổ sung cho nhau. Đại diện của Kühne Logistics phân tích rằng các mô hình đại học mang lại trải nghiệm khác nhau cho sinh viên. Các trường vì lợi nhuận thường tập trung vào cơ sở vật chất và tăng số lượng sinh viên để tối đa hóa doanh thu. Ngược lại, các trường phi lợi nhuận ưu tiên chất lượng học thuật và tập trung đào tạo một nhóm nhỏ, với mục tiêu tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn của mô hình phi lợi nhuận là xây dựng văn hóa đóng góp từ cựu sinh viên.
Do vậy, học phí trường phi lợi nhuận có thể rất đắt, cao hơn những trường vì lợi nhuận trên cơ sở lượng sinh viên hạn chế. Trên thực tế, Aspen Economic Strategy Group (AESG) cho biết dữ liệu gần đây nhất do Bộ Giáo dục Mỹ thu thập cho thấy 8 trường Ivy League chiếm chưa đến 1% tổng số tuyển sinh đại học vào mùa thu năm 2022. Tại Việt Nam, vài trăm sinh viên nhập học FUV, VinUni mỗi năm là con số khiêm tốn khi so sánh với hàng ngàn đến hàng chục ngàn sinh viên của những trường công lẫn tư khác.
Xây dựng văn hóa đóng góp trong cộng đồng cựu sinh viên trở thành một trong những thách thức lớn đối với các trường phi lợi nhuận tại Việt Nam, bao gồm FUV và VinUni. “Điều này tạo ra một rào cản trong việc phát triển các quỹ học bổng nhằm hỗ trợ thế hệ tiếp theo”, Tiến sĩ Trịnh Việt Dũng kết luận.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
