“Ẩn số Trump” trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ rơi vào tầm ngắm xung đột thương mại với Mỹ. Ảnh: TL.
Ngày 5/11/2024 theo giờ Việt Nam, ngày bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra giữa 2 ứng viên: Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Cựu Tổng thống Donald Trump. Bà Kamala Harris mang đến cam kết tiếp nối các chính sách của chính quyền Biden, tập trung vào công bằng xã hội, hợp tác quốc tế và ứng phó biến đổi khí hậu. Ngược lại, ông Donald Trump tái tranh cử với lời hứa thúc đẩy sản xuất nội địa và giảm thâm hụt thương mại để "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại." Cuộc bầu cử lần này không chỉ quyết định hướng đi của nước Mỹ mà còn có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Để đánh giá về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 cũng như những rủi ro liên quan, NCĐT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).
Theo đó, Chuyên gia của KBSV đánh giá năm 2022 chúng ta đã có một năm “đổ vỡ”, năm 2023 bắt đầu hồi phục và năm 2024 đã thấy những điểm sáng tăng trưởng trong quý III và sẽ tiếp tục trong quý IV. Đà tăng trưởng này kỳ vọng sẽ tiếp tục nối dài trong năm 2025.
Động lực tăng trưởng của kinh tế năm 2025 đã được đề cập rất nhiều. Thứ nhất, chúng ta sẽ có điều kiện để duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong bối cảnh FED và các Ngân hàng Trung ương lớn bắt đầu hạ lãi suất. Mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp sẽ tạo điều kiện để hạ nhiệt lãi suất cho vay, từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó là FDI vẫn duy trì tích cực vào thị trường Việt Nam, đầu tư công trong nước được đẩy mạnh.
Về tiêu dùng, ông Đức Anh đánh giá mặc dù năm 2024 tiêu dùng trong nước tương đối thấp, tuy nhiên các chính sách kích cầu, giảm thuế VAT, tăng lương cơ bản,... kỳ vọng bắt đầu phát huy tác dụng từ năm 2025, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
“Câu chuyện tăng trưởng kinh tế năm 2025 sẽ là tích cực và khi kinh tế tăng trưởng cao thì các doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ có điều kiện để tăng trưởng về kết quả kinh doanh, về doanh thu, lợi nhuận”, ông Đức Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực thì câu chuyện về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn là một “biến số” chưa thể đánh giá một cách toàn diện. Trong trường hợp ông Donald Trump tái đắc cử và áp dụng những chính sách như đã công bố trong chiến dịch tranh cử thì có thể gây rủi ro đối với cả tăng trưởng kinh tế lẫn lãi suất của Việt Nam.
Cụ thể, “chính quyền Trump” tăng cường đầu tư công, hạn chế lao động nhập cư, trục xuất những lao động nhập cư tại Mỹ khiến chi phí lao động, tiền lương tại quốc gia này tăng cao. Ngoài ra, thuế nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 60% và các nước khác lên khoảng 10%. Cả ba chính sách của ông Trump đều có thể khiến lạm phát Mỹ bùng phát trở lại, khiến cho FED không thể hạ lãi suất như kỳ vọng, từ đó áp lực tỉ giá của Việt Nam có thể tăng cao, gây khó khăn trong việc duy trì lãi suất thấp.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong hai nước thâm hụt thương mại lớn nhất vào Mỹ, bên cạnh Trung Quốc và Mexico. Mỹ là đối tác tiêu dùng, tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, cho nên không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ rơi vào tầm ngắm xung đột thương mại với Mỹ trong kịch bản ông Trump tái đắc cử.
Nếu câu chuyện này xảy ra thì xuất khẩu sẽ bị cản trở và nó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đây là rủi ro đáng chú ý nhất trong năm 2025. Bên cạnh đó là những rủi ro liên quan đến xung đột địa chính trị ở Trung Đông và giá dầu tăng phi mã.
Nếu Mỹ áp dụng biện pháp thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế năm 2025. Cộng thêm rủi ro từ xung đột địa chính trị và giá dầu tăng, Việt Nam cần chính sách ổn định vĩ mô và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
"Cú ngã lợi nhuận" quý III của ngân hàng sau thành công quý II/2024
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư