Hủy
Kinh Doanh

Bài toán "được & mất" của Lộc Trời

Thứ Ba | 25/09/2018 11:30

 
 
Chiến lược của Lộc Trời đã rõ nét khi chuyển từ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sang trồng lúa chất lượng cao.

Tại cảng Cát Lái, quận 2, từng container chất đầy gạo “Hạt ngọc trời” của Lộc Trời đang chờ tại cầu cảng để xuất đi châu Âu. Báo cáo tài chính bán niên 2018, cho thấy xu hướng chuyển dịch chiến lược phát triển của ngày càng rõ nét. Kết thúc quý II/2018, doanh thu ngành thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời tăng nhẹ đạt 2.601 tỉ đồng, trong khi ngành lương thực - gạo tăng mạnh hơn cùng kỳ, đạt 1.496 tỉ đồng.

Làm hai việc cùng lúc

Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, doanh nghiệp dẫn đầu trong thực hiện mô hình liên kết cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, đã chính thức đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời (Loc Troi Group) từ năm 2015. Sau 3 năm, chiến lược tập trung vào nông sản có thương hiệu để trở thành một tập đoàn lớn có quy mô quốc tế đã rõ nét hơn.

Theo đó, doanh nghiệp này sẽ giảm dần tỉ trọng mảng thuốc bảo vệ thực vật trong tổng doanh thu theo đúng định hướng chiến lược là cung cấp giải pháp bảo vệ và nuôi dưỡng cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học, phù hợp với chủ trương giảm dần sử dụng hóa chất trong nền nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Bai toan
 

Chia sẻ về mục tiêu phát triển chiến lược trong tương lai gần, cũng như làm sao để hài hòa lợi ích với nông dân, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lộc Trời, cho biết: “Tập đoàn đã sàng lọc lại vùng nguyên liệu sao cho hợp lý đảm bảo hiệu quả. Hiện nay, tổng vùng nguyên liệu Lộc Trời khoảng 25.000ha. Mục tiêu của Tập đoàn là tăng tỉ trọng đóng góp của mảng lương thực chiếm khoảng 50% doanh thu. Tuy nhiên, kỳ vọng lợi nhuận của Lộc Trời sẽ đi sâu vào khâu chế biến và các sản phẩm giá trị gia tăng”.

Khi phân tích, dễ thấy được rằng mảng thuốc bảo vệ thực vật mới đóng góp doanh thu chủ lực cho Lộc Trời, với biên lợi nhuận gộp tốt nhất so với những mảng kinh doanh còn lại. Ngoài ra, ngành bảo vệ thực vật cũng ít có tính vụ mùa và ngắn hạn hơn là trồng lúa. Song ngành này lại đang đối diện với thách thức chung của thị trường khi xu thế nông nghiệp xanh - sạch - hiện đại yêu cầu việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Được biết, chủ trương siết chặt vấn đề môi trường thông qua giảm dư lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến mảng kinh doanh này trong tương lai của Lộc Trời.

Bai toan
 

Chia sẻ về vấn đề được - mất, cũng như chiến lược sắp tới của ngành bảo vệ thực vật, ông Thòn chia sẻ, vì đảm bảo hiệu quả kinh doanh, Lộc Trời phải làm 2 việc cùng lúc là đưa sản phẩm vi sinh hữu cơ vào để thay thế, đồng thời cung cấp cho thị trường sản phẩm cấp cao thay thế dần cho một số mảng ở phân khúc thấp trên thị trường, có mức độc hại nhiều hơn. “Qua đó, kỳ vọng thị phần thay thế sẽ bù đắp cho phần giảm đi”, ông Thòn cho biết.

Lộc Trời là doanh nghiệp nức tiếng một thời vì có tỉ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng liên tục (giai đoạn 2005-2015, tăng trưởng bình quân đạt 22,8%). Tuy nhiên, Tập đoàn đang gặp nhiều thách thức khi tiến sâu vào chuỗi giá trị lương thực vì ở mảng lúa gạo, dù chiếm tỉ trọng cao trong tổng doanh thu nhưng lại có biên lợi nhuận khá thấp. Trong khi đó, ở mảng thuốc bảo vệ thực vật, Lộc Trời chịu sức ép cạnh tranh lớn từ nguồn hàng Trung Quốc.

Bai toan
 

Năm ngoái, những con số kém hiệu quả ở báo cáo tài chính, cùng với những biến cố trên thị trường chứng khoán khi cổ phiếu Lộc Trời đã giảm mất hơn 33% so với thời điểm chào sàn khiến nhà đầu tư thất vọng với công ty này. Nhiệm vụ của Lộc Trời là củng cố lại niềm tin của giới đầu tư và lấy lại vị thế của công ty nông nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Đi tìm động lực tăng giá

Theo phân tích chuyên sâu của VNDirect, Lộc Trời đang được giao dịch với P/E ở mức 6,1x, thấp hơn nhiều so với trung bình 11,2x của các công ty trong ngành. Dựa trên mô hình định giá, giá của Lộc Trời được xác định là 46.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên P/E dự phóng là 8x. Tuy nhiên, thanh khoản kém và room còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài thấp là các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng giá cổ phiếu.

Lộc Trời kỳ vọng có thể đẩy mạnh thanh khoản khi chuyển niêm yết từ sàn UPCoM sang HoSE, dự kiến thực hiện trong năm 2019. Đây có thể là một trong những động lực tăng giá cho cổ phiếu trong thời gian tới.

Sáu tháng đầu năm 2018, lợi nhuận ròng giảm 4% so với cùng kỳ, xuống còn 189 tỉ đồng do chi phí bán hàng và quản lý tăng nhẹ, cũng như chi phí lãi vay cao do tăng vay phục vụ nhu cầu vốn lưu động.

Theo dự phóng tài chính năm 2018, dự kiến doanh thu thuần của Lộc Trời tiệm cận 9.365 tỉ đồng, với lợi nhuận ròng ước đạt 449 tỉ đồng. Hệ số tài chính ROAE được dự phóng đạt 18,6%, EPS cơ bản là 6.690 đồng và EPS điều chỉnh là 5.686 đồng. Trên phương diện phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu cao nhất 52 tuần đạt 53.000 đồng/cổ phiếu, giá thấp nhất đạt 33.200 đồng, giá cổ phiếu chốt tại ngày 20.9.2018 dao động khoảng 36.900 đồng. Cơ cấu sở hữu của Lộc Trời được phân bổ cho nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước. Cụ thể, tỉ trọng ước lượng, gồm Marina Viet (25,2%), Standard Chartered Private Equity (8,2%), Nhà nước (24,2%) và khác (42,4%).

* Phân tích của VNDirect chỉ có giá trị tham khảo.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới