Báo Mỹ: Vì sao lúa gạo Việt Nam "rẻ mạt" đến thế?
Elisabeth Rosen là cây viết chính của tờ Word Vietnam, một tạp chí về văn hóa và đời sống Việt Nam bằng tiếng Anh. Trước đó, Rosen từng là phóng viên của The Atlantic, DestinAsian và nhiều ấn phẩm khác. Gần đây, một bài viết sắc sảo về nghề trồng lúa và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam của Rosen được đăng trên tờ The Diplomat.
"Một buổi sáng mùa đông ở vùng quê gần Hội An, một thị trấn nhỏ ven biển ở miền Trung Việt Nam, tôi cúi thấp để ấn từng chồi xanh nhỏ xuống bùn, thực hành cách trồng lúa theo đúng cách truyền thống của người Việt. Đây là phương pháp phổ biến ở rất nhiều địa phương Việt Nam trước khi có máy móc nông nghiệp.
“Đây, đây”, nông dân Phạm Nhi nói, chỉ tôi nơi để đặt mầm lúa xuống.
Gạo là lương thực chính trong bữa ăn người Việt suốt hơn 1.000 năm nay. Ngày nay, chính phủ chỉ định dành 3,8 triệu ha để trồng lúa gạo, chiếm khoảng gần một nửa diện tích đất nông nghiệp.
Trong đó, 1/3 lượng gạo sản xuất ra sẽ được dùng cho việc xuất khẩu. Cùng với Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lúa gạo nhiều nhất thế giới. Năm 2013, lúa gạo mang về cho Việt Nam gần 3 tỷ USD.
Trung Quốc là một trong những khách hàng mua gạo Việt nhiều nhất, chiếm 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu. Nhật cũng là một quốc gia nhập khẩu gạo nhiều trong khu vực, nhưng đáng tiếc, hầu hết các loại gạo Việt Nam không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thị trường này.
Nhật đã ngừng nhập khẩu gạo của Việt Nam năm 2008 sau khi phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép, mặc dù trong những lô hàng năm sau, hai doanh nghiệp gạo của Đồng bằng Sông Cửu Long đã làm việc với nông dân để đảm bảo chất lượng hạt gạo theo tiêu chuẩn của Nhật.
Chất lượng hạt gạo Việt Nam không chỉ nằm ở vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu. Trong khi Thái Lan, láng giềng của Việt Nam, ưu tiên trồng nhiều loại gạo phẩm chất cao như gạo hoa nhài – loại gạo có thời gian trồng lên đến cả năm nhưng có giá bán cao nhất ở Mỹ và Nhật, Việt Nam thường trồng các loại gạo chất lượng thấp nhưng ngắn ngày.
Thái Lan hiện nay đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lúa gạo vì nông dân không được hưởng lợi từ những chương trình hỗ trợ nông nghiệp của Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra và Trung Quốc đã hủy kế hoạch mua gạo Thái, nhưng có vẻ Việt Nam cũng không tận dụng được cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu.
Vậy vì sao Việt Nam không thể trồng được lúa gạo tốt hơn?
“Vấn đề chính là vì ngành nông nghiệp Việt Nam manh mún và nhỏ lẻ”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong, chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Nông nghiệp (CAP) cho biết. “Điều này làm cho quá trình quản lý sau khi thu hoạch như cất giữ, sấy… gặp nhiều vấn đề”.
Không giống như nhiều nước nông-công nghiệp phát triển khác, hầu hết nông dân Việt Nam vẫn thu hoạch bằng tay hoặc các máy móc thô sơ, hiệu quả thấp. Việc phơi phóng cũng thường “phó mặc cho trời” nên phẩm chất sản phẩm sau cùng bị ảnh hưởng khá nhiều.
“Nông dân Việt Nam phơi gạo ngoài đường quốc lộ hoặc trong vườn nhà họ. Nếu trời mưa, hạt gạo sẽ bị hỏng”, ông Phong nói thêm.
Một trong các chính sách nông nghiệp của Việt Nam là khuyến khích nông dân gia nhập Hợp tác xã. Những hợp tác xã không chính thức của Việt Nam đã ra đời từ thời Pháp thuộc, sau đó trở thành một trong những tổ chức chủ đạo trong suốt giai đoạn 1959-1980.
Giờ đây, hợp tác xã đang bị nông dân ‘bỏ rơi’ vì họ không giữ được lời hứa giúp nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm.
Luật Hợp tác xã 2012 có vẻ giúp ích hơn. Luật công nhận Hội Nông dân như một doanh nghiệp, cho phép Hội đứng ra vay tiền từ ngân hàng. Điều khoản này giúp nông dân có tiền mua máy móc nông cụ để sản xuất hiệu quả hơn. Đồng thời, về mặt lý thuyết, giúp nông dân bán nông phẩm được giá hơn so với bán cho trung gian.
Tuy nhiên, có vẻ những điều đó mới chỉ đang đúng trên giấy tờ
“Nông dân có thể có bằng THPT, thậm chí là bằng Đại học. Nhưng họ không được học cách để quản lý việc kinh doanh. Họ không biết soạn thảo hợp đồng để làm việc với cơ quan thuế”, ông Phong giải thích.
Một loại hợp đồng dạng khác đang giúp giải quyết vấn đề quản lý chất lượng: chương trình "Cánh đồng mẫu lớn" của Cty Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS). Một bản hợp đồng lớn được ký với nông dân nhằm hỗ trợ họ về phương tiện và kỹ thuật và đảm bảo về chất lượng sản phẩm, đồng thời cam kết mua sản phẩm đầu ra của họ để xuất khẩu.
AGPPS khởi đầu là một doanh nghiệp nhỏ bán thuốc bảo vệ thực vật ở ĐBSCL với quy mô 22 nhân viên. Vài năm gần đây, AGPPS đã không chỉ trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất Việt Nam mà còn là một trong những công ty xuất khẩu gạo chủ lực.
Họ là một trong 2 công ty duy nhất của Việt Nam có thể thuyết phục đối tác Nhật, có được các hợp đồng xuất khẩu gạo sang thị trường này nhờ chứng minh được khả năng kiểm soát được dư lượng thuốc trừ sâu ở mức an toàn.
Giống như nông dân Việt Nam, những hộ nông dân nhỏ lẻ ở Nhật cung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do chính phủ Nhật có những chiến lược mới cho nền nông nghiệp của họ.
Nhiều doanh nghiệp Nhật đã bắt đầu quan tâm đến việc thử nghiệm ký hợp đồng hợp tác sản xuất lương thực và nông sản ở Việt Nam để giảm chi phí sản xuất.
Trong khi đó, nông dân Việt Nam cũng đang có khả năng sẽ thay đổi cơ cấu cây trồng. Nguồn tiêu thụ gạo đang giảm xuống và lượng gạo thặng dư dự trữ đã đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang bàn bạc để chuyển đổi khoảng 200 ha diện tích trồng lúa kém chất lượng sang trồng ngô. Động thái này được cho là để giải quyết tình trạng phải nhập ngô giá cao.
Việc chuyển sang trồng ngô có thể có lợi cho nông dân. Hơn 9,5 triệu nông dân Việt Nam đang thu lợi rất ít từ nghề trồng lúa. Thu nhập trung bình của họ chưa đến 1.000.000VNĐ mỗi tháng, thua xa nghề trồng tiêu và café. Ở ĐBSCL, rất nhiều người đã rời bỏ làng quê để lên thành phố và làm việc trong các khu CN.
‘Chính phủ coi trọng việc trồng lúa gạo, vì đó là một trong những nông phẩm chính yếu nên đầu tư rất nhiều nhưng người hưởng lợi nhiều nhất là các nhà buôn trung gian. Số tiền hỗ trợ đến tay nông dân rất ít ỏi, thậm chí họ bị lỗ’, Eduardo Sabio, đại diện khu vực Việt Nam của VECO, một tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, cho biết.
“Họ kiếm được rất ít tiền, bị dìm giá, diện tích đất đai nhỏ và chất lượng thấp. Nếu họ rời quê lên thành phố, họ sẽ kiếm được nhiều hơn”.
Giống như nhiều người nông dân khác, Phạm Nhi vẫn bám ruộng, nhưng giờ Nhi có thể trông vào nguồn thu mới: du lịch. Năm trước, Nhi đã chuyển một nửa diện tích canh tác của mình sang làm khu dịch vụ cho Tour Lúa Nước của Hoi An Ecotour.
“Chúng tôi muốn cho du khách thấy sự khó nhọc khi làm nông dân ở Việt Nam”, Jack Tran, ông chủ của văn phòng du lịch sinh thái Hội An Ecotour nói.
Với giá bán 50 USD/khách, tương đương một tháng thu nhập trung bình của nông dân, các khách du lịch sẽ được học cách trồng lúa từ đầu đến cuối, làm ruộng cho đến gieo hạt. Thu nhập của người nông dân làm dịch vụ cho tour du lịch, nhờ thế, cũng được tăng lên gấp 10 lần.
Volker Werner, một khách du lịch Đức đang dắt con trâu đi trước và vợ ông giữ bừa theo sau, đã nhận xét rằng đây quả thực là một nghề nặng nhọc, tốn quá nhiều sức chỉ để thu về một sản lượng nhỏ.
“Đây là một nghề chính thức ư? Ngày nào họ cũng làm như thế này à?”, Werner hỏi.
Sự thật không phải thế, việc cày đồng chỉ mất một vài ngày và giờ chỉ ở các vùng ruộng nhỏ, người ta mới dùng trâu. Ở các vùng đồng bằng lớn, người Việt Nam đã dùng máy móc để làm đất.
Sự thay đổi đó tốt cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng nó theo ông Tran, nó có ảnh hưởng nhất định đến xã hội.
“Khi công nghiệp lớn mạnh, các truyền thống văn hóa của chúng tôi đang bị mai một”, ông Tran nói.
Nguồn Infonet
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư