Hủy
Kinh Doanh

Bệnh đái tháo đường: Những điều cần biết

Thứ Ba | 17/11/2015 14:54

 
 
Theo WHO, năm 2014, trên thế giới ước tính 387 triệu người mắc bệnh Đái tháo đường típ 2 và dự tính sẽ tăng lên 600 triệu người vào năm 2015.

Bệnh Đái tháo đường là gì?

Bệnh Đái tháo đường là một căn bệnh mãn tính, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng tạo ra insulin, hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả, hoặc cả hai nguyên nhân trên, dẫn đến nồng độ glucose trong máu cao (còn gọi là tăng đường huyết). Khi nồng độ glucose trong máu tăng cao, nếu không có sự can thiệp kịp thời, trong một thời gian dài sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể.

Đái tháo đường hiện là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến nhất trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Có 3 dạng Đái tháo đường phổ biến:

Đái tháo đường típ 1: Xảy ra khi tuyến tụy không thể sản xuất insulin nên glucose không thể vào tế bào. Thường gặp ở trẻ em, người trẻ tuổi chỉ chiếm tỷ lệ 5-10%, có liên quan đến yếu tố tự miễn gây phá hủy tuyến tụy khiến cơ thể hầu như không sản xuất đủ insulin.

Đái tháo đường típ 2: Tuyến tụy sản xuất insulin không đủ hoặc cơ thể ngăn chặn insulin do cơ thể sản xuất ra nên glucose không thể vào tế bào. Xảy ra chủ yếu ở người trưởng thành, chiếm tỷ lệ 90-95%, có liên quan đến yếu tố tuổi, béo phì, ít vận động, di truyền. Bệnh đái tháo đường loại 2 có thể âm thầm tiến triển trong nhiều năm mà không bị phát hiện cho đến khi xuất hiện biến chứng hoặc tình cờ phát hiện qua việc kiểm tra máu. Do đó, đái tháo đường típ 2 cũng được xem là “kẻ giết người thầm lặng”.

Đái tháo đường thai kỳ: Xảy ra khi insulin hoạt động kém hiệu quả trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, 90% phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ có thể kiểm soát căn bệnh này nhờ một chế độ ăn lành mạnh kết hợp với những bài tập thể dục và đường huyết sẽ trở lại bình thường sau khi sinh. Khoảng 30-50% thai phụ có đái tháo đường thai kỳ sau này sẽ mắc đái tháo đường típ 2.

Những con số “biết nói”

Theo nghiên cứu của WHO, năm 2014, trên thế giới ước tính 387 triệu người mắc bệnh Đái tháo đường típ 2 và dự tính sẽ tăng lên 600 triệu người vào năm 2015. Theo đó, mỗi 24 giờ có 3.600 bệnh nhân Đái tháo đường mới được chẩn đoán mới; cứ 6 giây lại có một người chết vì bệnh Đái tháo đường và cứ 20 giây lại có một người phải đoạn chi vì căn bệnh này.

Đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y Tế, hiện có hơn 5 triệu người mắc bệnh. Tuy nhiên, 65% trong số đó vẫn chưa được chẩn đoán và không biết là mình bị bệnh. Hơn 85% số bệnh nhân khi được phát hiện đã có biến chứng dẫn đến việc điều trị hết sức khó khăn. Theo đó, cứ 10 người mắc bệnh lại có tới 6 trường hợp đã quá nặng. Có đến 150 ca tử vong do Đái tháo đường tại Việt Nam mỗi ngày, tương đương 54.943 trường hợp/năm. Mặt khác, đáng báo động là trong 10 năm gần đây, Việt Nam có tỷ lệ gia tăng bệnh Đái tháo đường nhanh chóng mặt (211% so với tỷ lệ 70% của thế giới).

Dấu hiệu của bệnh

Có 10 dấu hiệu phổ biến cảnh báo bị Đái tháo đường nên biết:

  • Khát nước và đi tiểu nhiều
  • Sụt cân đột ngột
  • Suy nhược, mệt mỏi
  • Da khô, ngứa hoặc có vảy
  • Ngứa ran hoặc tê
  • Đói liên tục
  • Chậm lành vết thương
  • Nhìn mờ
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Khó chịu, cau có

Ngoài ra, người mắc bệnh Đái tháo đường cũng có thể bị ói mửa và đau bụng. Tuy nhiên, tùy trường hợp mà có thể có những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Thậm chí, một số trường hợp đặc biệt không có dấu hiệu gì.

Nguyên nhân gây bệnh

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những thay đổi trong chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, hậu quả của tốc độ đô thị hóa đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số người mắc bệnh đái tháo đường hiện nay.

Trong khi các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của bệnh Đái tháo đường loại 1 vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu thì với Đái tháo đường típ 2, các chuyên gia đã xác định được những yếu tố nguy cơ chính sau đây:

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Một chế độ ăn uống thiếu cân bằng, dung nạp quá nhiều tinh bột, đường, ít chất xơ, cộng thêm tình trạng lười vận động ở người trẻ.
  • Tiền căn gia đình: Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 cao hơn nếu có người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh Đái tháo đường típ 2.
  • Thừa cân, béo phì: Việc phát triển nhiều mô mỡ (nhất là mỡ tạng) trong cơ thể sẽ khiến cơ thể đề kháng insulin.
  • Lười vận động: Ít vận động không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường mà còn khiến chức năng tim mạch, hô hấp bị suy giảm.
  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc Đái tháo đường típ 2 gia tăng theo tuổi, đặc biệt sau tuổi 30. Tuy nhiên, gần đây, theo các nghiên cứu, Đái tháo đường típ 2 đang ngày càng trẻ hóa, có thể xảy ra trong độ tuổi thiếu niên do sự phổ biến của chứng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa.
  • Huyết áp cao: Đây là yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh, kể cả Đái tháo đường típ 2; gây tổn thương cho cả mạch máu của tim.
  • Chỉ số cholesterol cao: Ngoài tăng nguy cơ mắc Đái tháo đường típ 2, cholesterol cao còn có thể dẫn đến các bệnh xơ vữa động mạch vành, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não.
  • Thường xuyên căng thẳng: Stress cũng là yếu tố nguy cơ, gia tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ người mắc Đái tháo đường hiện nay.
  • Bất thường dung nạp đường glucose: Rối loạn dung nạp glucose và suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói hay còn gọi là tiền Đái tháo đường là nguyên nhân kháng insulin và tiến triển thành Đái tháo đường típ 2.
  • Lịch sử của bệnh Đái tháo đường thai kỳ: Thai phụ bị Đái tháo đường thai kỳ sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc Đái tháo đường típ 2 sau này

Hậu quả của bệnh

Nếu không được chữa trị, bệnh Đái tháo đường có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa đến tính mạng như bệnh võng mạc (có thể gây mù lòa), tổn thương thần kinh nặng (dẫn đến nhiễm trùng và phải cắt cụt chi), bệnh lý tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim). Trong đó, đáng lo ngại nhất là những biến chứng về tim mạch. Theo một nghiên cứu về bệnh Đái tháo đường của Hiệp hội Nghiên cứu Đái tháo đường Châu Âu (European Association for the Study of Diabetes-EASD) thì 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch và người bị Đái tháo đường có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần.

Bên cạnh đó, nếu không tuân thủ đúng lịch trình chữa trị hoặc có những yếu tố tác động khiến bệnh Đái tháo đường trở nặng, bệnh nhân còn phải đối mặt với các nguy cơ đột quỵ, hoại tử các chi…

Phòng chống Đái tháo đường như thế nào?

Mặc dù hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi bệnh Đái tháo đường nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được căn bệnh này. Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu, nước tiểu để sớm phát hiện bệnh để điều trị kịp thời thì duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn phòng tránh được đến 70% nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường típ 2 và có cuộc sống vui khỏe. Ngoài ra, khi chẳng may mắc Đái tháo đường, nếu được chữa trị tốt và các bệnh nhân chịu thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thích hợp thì họ có cơ hội sống thọ như những người khỏe mạnh bình thường.

Sau đây là một số lời khuyên để phòng ngừa Đái tháo đường:

  • Ăn sáng đều đặn để duy trì cân nặng hợp lý: Duy trì cân nặng nên có là điểm mấu chốt để dự phòng bệnh Đái tháo đường típ 2. Cân nặng nên có BMI (được tính bằng cách lấy trọng lượng cơ thể chia cho bình phương chiều cao) ở ngưỡng từ 20 đến 22 là tốt nhất.
  • Ăn nhiều rau củ: Rau củ nên được tăng cường thay vì tiêu thụ nhiều thức ăn chứa đạm (động vật), chất béo.
  • Sử dụng ngũ cốc nguyên cám trong bữa ăn: Ngũ cốc nguyên cám gồm 3 phần cơ bản: mầm, nội nhũ và lớp vỏ cám bên ngoài, cung cấp một loạt các vitamin, khoáng chất, chất xơ và nhiều dưỡng chất khác, giúp cơ thể phòng ngừa bệnh Đái thá0 đường.
  • Tăng cường vận động: Vận động thường xuyên làm giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, bệnh tim mạch, huyết áp và giúp kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa bệnh Đái tháo đường.
  • Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng: Ăn ít chất béo, thay vào đó tăng cường ăn rau xanh, trái cây. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất xơ cũng có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh Đái tháo đường.
  • Không ăn thức ăn nhanh: Thức ăn nhanh nhiều tinh bột, chất béo và đa số chế biến bằng phương pháp chiên nhiều dầu mỡ, không tốt cho sức khỏe.
  • Không dùng đồ uống có cồn
  • Tập thể dục đều đặn: Chế độ vận động giúp: giảm đường huyết cả trong và sau khi tập do làm tăng tiêu thụ glucose, làm tăng tác dụng của insulin, do đó nhu cầu insulin giảm đi, kiểm soát trọng lượng cơ thể, loại bỏ mỡ thừa, nhất là những người béo bụng, cải thiện chức năng tim mạch, đem lại cảm giác thoải mái, vui vẻ.

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới