Hủy
Kinh Doanh

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tăng giá điện, xăng dầu phải hợp lý

Thứ Tư | 25/02/2015 12:15

 
 
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh, việc tăng giá, đặc biệt giá điện, xăng dầu người dân đòi hỏi cơ cấu ngành phải thay đổi là chính đáng...

Trong câu chuyện đầu năm mới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chia sẻ những vấn đề của nền kinh tế trong năm mới 2015. Bộ trưởng Vinh cho rằng, việc năm 2014, Quốc hội thông qua 2 bộ luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) khi đi vào cuộc sống sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp (DN). Kỳ vọng là vậy, nhưng việc triển khai các luật đó đi vào cuộc sống có được như kỳ vọng hay không mới quan trọng.

“Tôi rất lo lắng, chúng ta có điểm yếu, không phải luật nào cũng kém, nhưng khâu tổ chức và thực hiện kém, không nghiêm. Nhiều khi cơ quan công quyền lại lợi dụng kẽ hở để gây khó cho DN, người dân”, Bộ trưởng Vinh nói.

Theo ông, đâu là điểm khó nhất về kinh tế đất nước năm 2015?

Năm 2015, chúng ta đặt mục tiêu GDP tăng 6,2% vì nghĩ rằng năm 2014 đã đạt 5,9%, chỉ thêm 0,3% nữa sẽ không khó. Nhưng không phải thế, mỗi một con số tăng thêm quy mô khác. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mở ra, cơ hội xuất khẩu sẽ mở rộng. Đấy là nếu ta khai thác được và chuẩn bị sẵn sàng để chớp được thời cơ đó.

Năm 2018, khi các FTA có hiệu lực 100%, thuế suất sẽ về 0 hết, rồi ô tô nhập khẩu sẽ tràn ngập thị trường. Người tiêu dùng vui vì được mua hàng giá rẻ, chất lượng cao, nhưng sẽ bóp chết ngành sản xuất trong nước và phụ thuộc vào nước ngoài. Nền kinh tế sản xuất không phát triển, chỉ có tiêu dùng sẽ không tồn tại. Thách thức đó vô cùng nguy hiểm khi hội nhập. Tôi rất lo lắng điều này.

Nhưng tôi lo ngại nhất là quan chức cứ nói, còn DN không ai để tâm. Tôi gặp một số DN họ nói không biết gì về các FTA. Quan trọng là thông tin tới DN phải làm gì, chuẩn bị ra sao, nhà nước hỗ trợ thế nào, nếu không cứ thế này thì thất bại. Bên cạnh cam kết mở thị trường, chúng ta có đối sách gì, chuẩn bị ra sao để cơ quan nhà nước, DN, người dân biết và chủ động ứng phó, tìm cơ hội đầu tư.

Ngoài ra, động lực cho tăng trưởng ngày càng giảm nếu vẫn theo phương thức cũ, như dựa vào khai thác khoáng sản để xuất thô. Trong khi tài nguyên khoáng sản khai thác ngày càng khó, giá lại giảm. Như với dầu thô, chúng ta dự toán trên cơ sở giá 100 USD/thùng, giờ còn 55-60 USD/thùng, giá đó khai thác lỗ hay lãi, tăng trưởng ra sao?

Thách thức nữa là chúng ta có tiếp tục đổi mới được không, có tiếp tục cải cách thể chế để tạo sung lực mới không, cái này nói thì dễ nhưng làm rất khó. Tôi không chỉ lo cho năm 2015, mục tiêu tăng trưởng có thể đạt được, nhưng những năm 2016-2020, nếu những điều trên không được đẩy mạnh, không làm triệt để, chúng ta sẽ rất khó khăn.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Phải tôn trọng thị trường

Nhu cầu tăng trưởng của nước ta rất lớn, vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để cân đối nguồn vốn giúp tăng tiền đầu tư, tạo ra tăng trưởng?

Nhu cầu đầu tư quá lớn. Để tăng trưởng cần chọn giải pháp mang tính chiến lược, tại sao cơ hội tăng trưởng có năm tăng 8%, tại sao giờ không tăng trưởng được như vậy? Chúng ta khẳng định Việt Nam phải đi theo thể chế kinh tế thị trường, đó là cần thiết.

Vừa qua, có nhiều yếu tố chúng ta nghĩ là thị trường nhưng chưa phải. Nhiều giá dịch vụ chúng ta còn quá thấp, ai cũng thấy. Vấn đề là đẩy mạnh hơn nhân tố thị trường trong lĩnh vực dịch vụ công, đi kèm là đảm bảo an sinh xã hội… Đây là động lực để chúng ta mở bung dịch vụ công, phục vụ người dân tốt hơn.

Chúng ta phải sử dụng tốt hơn tài nguyên khoáng sản vì còn rất ít và giờ đang nằm trong tay các DN nhà nước (dầu khí trong tay Tập đoàn Dầu khí; than thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam; apatit của Tập đoàn Hóa chất).

Nếu có DN khác (ngoài nhà nước) có khả năng khai thác và chế biến tiết kiệm hơn và hiệu quả hơn, chúng ta có chuyển giao cho họ không? Giờ DN khác muốn làm phải xin của các tập đoàn, DN nhà nước. Còn bao nhiêu vấn đề mang tính nhân tố thị trường chúng ta chưa làm để phân bổ lại nguồn lực xã hội.

Người dân, DN và bất kể ai sử dụng hiệu quả tài nguyên và có lợi nhất cho đất nước thì người đó phải được tiếp cận, không phân biệt đó là thành phần nào.

Tăng giá theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhưng người dân đòi hỏi cơ cấu ngành đó cũng phải thay đổi, như với Tập đoàn Điện lực (EVN), các đơn vị kinh doanh xăng dầu đều là DN nhà nước?

Tất nhiên cái gì thay đổi cũng phải có quá trình, không thể trong một lúc mà thay đổi hàng loạt được. Nhưng đòi hỏi đó của người dân là hoàn toàn chính đáng.

Tôi đồng tình tăng giá điện để tiếp cận giá thị trường, nhưng giá đó cơ cấu thế nào, có hợp lý không, so với khu vực thế nào. Điều này đòi hỏi ngành điện phải tính đúng, tính đủ và hợp lý. Bộ máy của anh cồng kềnh cũng cần cơ cấu lại, bóc tách các khâu (sản xuất, truyền tải, phân phối…) để tạo thị trường cạnh tranh. Tất cả cùng phải làm đồng thời để đến thời điểm nhất định sẽ minh bạch, hợp lý.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn TPO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới