Hủy
Kinh Doanh

Các nhà tài trợ Nhật Bản kêu gọi Việt Nam xử lý nợ công

Hải Vân Thứ Năm | 05/07/2018 08:51

Nợ công của Việt Nam đã xấp xỉ ở mức 65% GDP. Ảnh: Quý Hòa

 
 
Cần tái cấu trúc danh mục nợ công từ ngắn hạn với các khoản vốn vay lãi suất cao sang dài hạn với lãi suất thấp bắt đầu từ vốn vay ODA

Rà soát tình hình cân đối tài khóa, một trong ba vấn đề Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2018, hôm 4.7.2018, nhằm đề nghị Chính phủ Việt Nam xử lý để cải thiện môi trường đầu tư.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản tại Viêt Nam (JCCI), ông Koji Ito, cho biết: “Nợ công của Việt Nam đã xấp xỉ ở mức 65% GDP và đang gây tình trạng nợ đọng ở các dự án ODA” và “hiện chưa thấy dấu hiệu cải thiện hoặc giải pháp nào cho vấn đề nợ công”.

"Nếu Chính phủ Việt Nam quy định chính sách tài khóa quá chặt chẽ, cụ thể là hạn chế quy mô nợ công dưới 65% GDP, sẽ cản trở đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng", ông Koji Ito nói rằng những quan ngại này của doanh nghiệp được JCCI nêu ra từ năm ngoái.

“Việt Nam đang rất cần các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn. Cơ sở hạ tầng lạc hậu sẽ làm sức hút đầu tư của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, cũng làm mất đi cơ hội để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài”.

“Chúng tôi không phản đối việc duy trì kỷ cương về chính sách tài khóa” ông Koji Ito khẳng định. “Không những thế, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý căn nguyên thực sự của vấn đề, có các biện pháp căn bản, như tăng cường cải cách cơ cấu ở cả hai chiều thu và chi ngân sách, cũng như rà soát lại hiệu quả sử dụng nợ công hiện nay”.

Người đứng đầu Hiệp hội doanh nghiệp Nhật bản tại Việt Nam cũng nói “thực sự mong muốn Việt Nam sẽ khai thác được nguồn vốn cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó góp phần thắt chặt mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài”.

Dịp này, JCCI cũng đề nghị đầu thu ngân sách cần được tiếp tục các biện pháp đa dạng hóa hệ thống thuế và cải thiện phương thức thu thuế, còn ở đầu chi nên hợp lý hóa, tối ưu hóa quy trình.

Tại VBF lần này, JCCI đã đề xuất Chính phủ Việt Nam "tái cấu trúc danh mục nợ công từ đầu để đảm bảo nguồn vốn được phân bổ cho những lĩnh vực thực sự đạt hiệu quả cao, trong bối cảnh nợ công đã đạt ngưỡng 65% GDP". Việt Nam "cần tái cấu trúc danh mục nợ công từ ngắn hạn với các khoản vốn vay lãi suất cao sang dài hạn với lãi suất thấp bắt đầu từ vốn vay ODA", JCCI đề xuất. 

Trên thực tế, trước diễn ra VBF 2 ngày, xử lý nợ công cũng là một trong những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Chính phủ hôm 2.7.

Theo Hội nghị này, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2018 đạt khá, ước đạt 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Và chi ngân sách nhà nước đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ, ước đạt 42,6% dự toán năm.

Dù vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn yêu cầu các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo, tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước trên cơ sở giải trình minh bạch, hiệu quả về định hướng và kỷ luật chi ngân sách nhà nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành liên quan tăng cường quản lý thu, giảm nợ đọng và chống thất thu thuế hơn là tăng thuế, đồng thời kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự báo thu, chi ngân sách theo đúng dự toán, bội chi năm 2018 còn dưới mức 3,7% theo quy định của Quốc hội, nợ công cuối năm nay dự kiến ở mức 61,4%, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, cho biết khi Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia họp Quý I/2018 vào ngày 29.3. 

Trong khi đó, Bộ Tài chính khẳng định, tình hình nợ công đã được cải thiện rõ nét khi nợ công Việt Nam tính tới 31/12/2017 ước khoảng 61,3% GDP, thấp hơn con số được ước tính trước đó.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới