Hủy
Kinh Doanh

Cơ chế hoạt động của Công ty mua bán nợ quốc gia

Thứ Hai | 28/01/2013 21:05

Theo CTCK Rồng Việt, công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) có thể chính thức hoạt động vào nửa sau 2013 với vốn ban đầu nhỏ hơn quy mô nợ xấu.
 

Sơ lược về tình hình nợ xấu tại Việt Nam, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế trong năm 2012 là khoảng 3,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu chiếm từ 8,8%-10% tổng dư nợ, tương đương 260.000 tỷ đồng. Trong năm 2012, dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đạt khoảng 90.000 tỷ đồng, nợ xấu được các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý ước đạt 40.000-50.000 tỷ đồng.

Như vậy, VAMC sẽ phải xử lý khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu. VAMC ra đời sẽ có vai trò tích cực góp phần xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính và giảm rủi ro cho các TCTD. Tuy nhiên, về bản chất, VAMC thực ra là một biện pháp kéo giãn thời gian thu hồi nợ.

Về cơ chế hoạt động, VAMC là công ty trực thuộc Chính phủ nhưng NHNN sẽ chịu trách nhiệm giám sát và quản lý. Nguồn vốn ban đầu của VAMC sẽ nhỏ hơn nhiều so với quy mô nợ xấu (xấp xỉ 5.000 tỷ đồng) và do Nhà nước cấp, bên cạnh đó, VAMC sẽ phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện giao dịch mua-bán nợ xấu với các TCTD.

Cơ chế hoạt động công ty mua bán nợ quốc gia.

Khả năng thành công của việc thành lập VAMC sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau: (1) Do VAMC sẽ tập trung xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản nên sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ có vai trò rất lớn đến hiệu quả hoạt động của VAMC; (2) Kinh tế tăng trưởng trở lại; (3) Tính minh bạch, công khai của các hoạt động mua bán nợ xấu.

Ngoài ra, việc thành lập VAMC sẽ đi kèm với một số rủi ro nhất định. Thứ nhất là việc các TCTD đem trái phiếu của VAMC đến NHNN để tái chiếu khấu (tỷ lệ 20-40%) thực chất là một hoạt động bơm tiền vào nền kinh tế, làm tăng cung tiền M2, từ đó gây ra rủi ro lạm phát. Thứ hai là do đây là lần đầu tiên một công ty mua bán tài sản cấp quốc gia được thành lập, hiệu quả hoạt động thực tế chưa được kiểm chứng do đó khả năng và tỷ lệ thu hồi nợ của VAMC là một ẩn số. Thứ ba là vấn đề lợi ích nhóm có thể nảy sinh trong quá trình mua bán nợ từ đó gây tổn thất thêm cho hệ thống và ảnh hưởng đến kết quả chung.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, thời hạn hoạt động của công ty mua bán nợ sẽ từ khoảng 5-7 năm. Nếu như mọi việc suôn sẻ VAMC sẽ chính thức đi vào hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2013.

Nguồn Vietstock/Chứng khoán Rồng Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới