Hủy
Kinh Doanh

Công khai minh bạch chỉ tiêu để thống kê khỏi lơ mơ

Thứ Năm | 12/03/2015 10:18

“Ngay cách tính GDP của ta rất lơ mơ, không biết thế nào mà lần. Vậy Luật lần này khắc phục thế nào?”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
 

Phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về dự án Luật thống kê sửa đổi tại phiên họp 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải công khai minh bạch chỉ tiêu quốc gia. Do đó, Luật phải quy định từ chỉ tiêu cho đến cách tính và chịu trách nhiệm rõ ràng.

Quy định trách nhiệm "cơ quan thống kê Trung ương"

Trình bày tờ trình Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Nhằm khắc phục chênh lệch số liệu thống kê giữa cơ quan thống kê Trung ương và Bộ ngành, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) quy định trách nhiệm và vai trò của cơ quan thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của Bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Trong trường hợp Bộ, ngành không thực hiện ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê Trung ương thì cơ quan thống kê Trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Vinh cũng cho biết: Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) quy định lịch công bố thông tin thống kê là căn cứ để minh bạch hóa việc công bố, phổ biến thông tin thống kê, đồng thời đây cũng là cam kết của cơ quan thống kê trong việc cung cấp kịp thời các thông tin thống kê và giúp cho tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê chính thức chủ động tiếp cận, sử dụng.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ, qua thảo luận đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban kinh tế tán thành sự cần thiết ban hành Luật thống kê (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của công tác thống kê hiện nay, hoàn thiện hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, bảo đảm hoạt động hiệu quả, cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan, chính xác đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Trước vấn đề mà ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội đặt ra là: "Vậy Luật thống kê khắc phục được điểm gì mà công tác thống kê còn mặc phải?. Tại Quốc hội ngoài các đại biểu Quốc hội thì nhiều thành viên của Chính phủ cũng cho rằng nhiều chỉ tiêu không đảm bảo nên tính dự báo không cao. Vậy quy định nào đảm bảo tính chính xác của thông tin thống kê"?, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Luật này sẽ khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu bằng việc làm rõ trách nhiệm và hệ thống chỉ tiêu giao cho Tổng cục thống kê chịu trách nhiệm. Trước ở cấp tỉnh không có hệ thống chỉ tiêu mà theo Trung ương thì giờ quy định rõ cấp tỉnh, huyện, xã khắc phục số liệu chồng chéo nhau. Ngoài ra GDP của Trung ương thì Trung ương tính, còn tại các địa phương là do Trung ương quản lý cách tính để không chênh lệch.

Phiên họp 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bỏ rơi thống kê "không chính thức"?

Dự thảo Luật sửa đổi có phạm vi hẹp hơn khi không quy định thống kê "không chính thức". Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan điểm, bên cạnh việc quy định hoạt động thống kê nhà nước, dự thảo Luật cũng cần quy định cả hoạt động thống kê ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước nhằm bảo đảm quản lý nhà nước toàn diện đối với hoạt động thống kê và quyền tự do kinh doanh của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần đều chỉnh hoạt động thống kê ngoài nhà nước theo hướng quy định các nguyên tắc cơ bản để khuyến khích hoạt động thống kê và việc công bố sản phẩm thống kê ngoài nhà nước đáp ứng nhu cầu của xã hội; đồng thời quy định trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện hoạt động thống kê ngoài nhà nước, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động thống kê này.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đặt vấn đề: "Luật thống kê năm 2003 có nói đến thống kê chính thức, và thống kê không chính thức. Tuy nhiên Luật này mới chỉ nói đến thống kê chính thức mà chưa thấy nói đến thống kê "không chính thức". Tôi nghĩ ở Việt Nam cơ sở chính sách xây dựng pháp luật không chỉ nằm ở nhà nước mà còn ngoài hệ thống nhà nước như ý kiến từ người dân, hay doanh nghiệp".

Còn theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì "thống kê không chính thức nếu Luật không quy định thì ở đâu quản lý? Chúng ta đang bỏ rơi vấn đề này. Ví dụ các tổ chức đưa lên thống kê về số người xem chương trình truyền hình thực tế nhằm mục đích lôi kéo quảng cáo. Vậy ai chịu trách nhiệm trước các công bố thống kê này? Như vậy ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng".

Không thể giao hết cho Thủ tướng

Về hệ thống tổ chức thống kê, dự thảo Luật quy định Bộ kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thống kê; trình Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống tổ chức thống kê tập trung. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đang có 3 luồng ý kiến.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu thì đa số ý kiến Thường trực Ủy ban kinh tế đề nghị quy định cơ quan thống kê Trung ương thuộc Chính phủ để bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong hoạt động thống kê, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê.

Ông Giàu cũng cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cơ quan thống kê Trung ương do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Còn một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, cơ bản kế thừa quy định của Luật thống kê hiện hành, chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định cho phù hợp với thực tế hiện nay và cho rằng hệ thống tổ chức thống kê hiện nay đang vận hành có hiệu quả, do vậy nên giữ ổn định cơ cấu tổ chức tránh phát sinh thêm biên chế. Với mô hình hiện nay cần nghiên cứu bổ sung quy định thành lập Hội đồng thẩm định gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia để thẩm định trước khi công bố một số chỉ tiêu thống kê quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường hàng năm.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, qua thảo luận có ý kiến cho rằng nên giao cho Chính phủ hoặc là cơ quan khác chứ không phải Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Nhưng ý kiến cho rằng nếu giao cho Chính phủ thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là gần hơn. Còn giao cho cơ quan khác thì Chính phủ vẫn quyết định. Nói như vậy là như nhau bởi thực tế Chính phủ quyết định còn Bộ kế hoạch và Đầu tư chỉ đóng vai trò tham mưu”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: "Cơ quan thống kê nằm ở đâu không quan trọng mà quan trọng là công khai minh bạch, chia sẽ thông tin thì tính độc lập sẽ cao".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự thảo Luật chưa thể hiện được sự minh bạch vì gần 100% điều khoản giao cho Thủ tướng và Chính phủ quy định.

“Vậy người công bố chỉ tiêu quốc gia là ai? Ngay cách tính GDP của ta rất lơ mơ, không biết thế nào mà lần. Vậy Luật lần này khắc phục thế nào? Vì chỉ tiêu không minh bạch nên mới dẫn đến tính trùng”- Chủ tịch nêu thực tế, đồng thời nhấn mạnh: "Phải công khai minh bạch chỉ tiêu quốc gia; quy định từ chỉ tiêu cho đến cách tính và chịu trách nhiệm rõ ràng vào trong Luật. Cái gì cũng giao hết cho Thủ tướng hướng dẫn thì làm Luật làm gì”.

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới