Cửa nào vào kho vàng 500 tấn?
Quý Hòa
Chúng ta phải rất thận trọng xem xét liệu nền kinh tế đã đủ năng lực để hấp thụ vốn, từ đó, sản sinh ra lợi nhuận hay chưa? Nếu cơ thể đang ốm yếu mà cứ cật lực bơm máu tiếp sức thì không những không chữa được bệnh mà còn khiến người bệnh đột quỵ.
Cầm vàng có giữ được vàng?
Trong bối cảnh GDP quý II/2017 tăng hơn 1 điểm phần trăm so với quý I, đạt mức 6,17%, cùng với tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 6 năm gần đây, đề xuất huy động vàng trong dân một lần nữa lại được đưa ra. Lần này chủ nhân của ý tưởng là Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, tổ chức gồm các nhà quản lý và những chuyên gia kinh tế hàng đầu. Điều này khiến dư luận cảm tưởng, các nhà quản lý đã lắng nghe tư vấn độc lập, khách quan của các vị chuyên gia.
Quả thật, việc mở kho vàng ước tính 500 tấn trong dân đã được nhiều vị chuyên gia kinh tế coi như một việc ích nước lợi nhà. Việt Nam đã không còn thuộc diện được hưởng những khoản vay ưu đãi, vì vậy, tận dụng được nguồn lực có trong dân có thể coi như đánh thức tiềm năng thành hiện thực. Mặt khác, cứ theo lý thuyết thuần túy, nếu huy động được tất cả các nguồn tín dụng dôi dư, ở tất cả các hình thức (vàng, USD, đá quý...), nền kinh tế sẽ được tiếp sức và tăng khả năng sinh lợi cho bản thân người sở hữu tín dụng. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà đề xuất huy động vàng trong dân dù đã được đưa ra từ năm 2012 nhưng sau 5 năm vẫn chỉ dừng lại ở mức... đang bàn bạc.
Trước hết, trong nhãn quan của người dân, những cuộc đầu tư vàng chỉ là những thương vụ lướt sóng mang tính chất đầu cơ trên thị trường. Đáng nhớ nhất, công cuộc xác lập vàng chính chủ chỉ mang lại những khoản lãi rất lớn cho doanh nghiệp duy nhất được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia. Trong khi người dân nháo nhào muốn đổi vàng chính chủ để đảm bảo giá trị, doanh nghiệp chỉ cần mua vàng trên thị trường, kiểm định chất lượng rồi dập nhãn SJC, vậy là có thể bỏ túi khoản chênh lệch cả triệu đồng mỗi lượng.
Tựu chung lại, sau cuộc chơi tương tự, vàng không sinh ra thêm mà chỉ chuyển từ tài khoản của người này sang người khác, hay nói cách khác, người dân cầm chặt vàng mà vàng vẫn chịu cảnh vàng rơi. Vì thế, không có gì khó hiểu khi người dân chẳng mặn mà với việc mở két sắt mang vàng gửi các nhà quản lý.
Từ phía chuyên gia kinh tế, giả sử có đồng ý với lý thuyết vàng đẻ ra vàng, câu hỏi về việc ai được huy động và huy động thế nào vẫn chưa nhận được lời giải đáp thỏa đáng. Không thể để cho ngân hàng thương mại nắm quyền này bởi không ai có thể quên bài học kinh điển của bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên) với vàng. Cơn biến động bất ngờ của giá vàng đã biến tài sản của bầu Kiên thành con số âm. Và tất nhiên, người dân phải gánh chịu một phần thiệt hại không nhỏ.
Trong trường hợp Nhà nước trực tiếp đứng ra huy động, cách thức sẽ thế nào? Mang tiền mặt đổi lấy vàng rồi lại từ vàng đổi lấy tiền mặt để đầu tư phát triển không chỉ không hợp lý mà còn thiếu tính khả thi, bởi lẽ nếu ngân sách không đối diện với vô vàn khó khăn, chắc đã không có ý tưởng huy động vàng. Đã từng có đề xuất những ngân hàng thương mại lớn được chọn để phát hành chứng chỉ vàng thu hút vàng trong dân. Phương án trả lãi phần vàng huy động của người dân cũng là một dấu hỏi lớn khi liên quan những biến động khôn lường của thị trường vàng. Chúng ta sẽ ứng phó ra sao trong những tình huống này? Trao đổi với NCĐT về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhiều lần nhấn mạnh, phải xây dựng đề án rõ ràng, từ phương thức huy động, trả lãi đến cách sử dụng nguồn vàng huy động trong dân; chỉ có như vậy, người dân mới tin và ủng hộ chủ trương này.
Chìa khóa mở kho vàng
Theo đó, huy động vàng ở đây nên hiểu là có cơ chế chính sách làm sao để tạo được môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, giá trị và niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, qua đó sẽ kích thích nguồn lực vàng và ngoại tệ chuyển động, đi vào sản xuất kinh doanh. Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác. Vị chuyên gia này cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, tất cả mọi hoạt động đầu tư cũng như tích lũy đều xoay quanh kim chỉ nam lợi nhuận. Khi nền kinh tế phát triển ổn định, lợi nhuận thu được từ việc đầu tư lớn hơn rủi ro mang lại mà vì đó, người dân chọn tích lũy vàng, không cần một mệnh lệnh hành chính hay những lời khuyến dụ, vàng sẽ biến thành tiền đầu tư. Lý thuyết của vị chuyên gia, đáng buồn thay, lại đang có một khoảng cách so với thực tế. Khả năng Nhà nước huy động vàng để lấy tiền đầu tư công rất khó thuyết phục khi cảnh báo của Bộ Tài chính cho thấy nợ công Việt Nam năm 2017-2018 có thể tiến sát tới ngưỡng 65% GDP. Quan trọng hơn, tình trạng phải vay thêm cả hàng tỉ USD mỗi năm từ các nguồn nước ngoài để trả nợ chứng tỏ tiền vay để đầu tư được sử dụng thiếu hiệu quả.
Đề xuất mới đây của Bộ Công Thương cho phép Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chỉ trả nợ lãi, phí, không trả nợ gốc trong 5 năm (10 kỳ với số tiền 125 triệu USD) của dự án đạm Ninh Bình góp thêm vào những điều vô lý đang tồn tại ở dự án này: phải đắp chiếu và gánh lỗ ngàn tỉ đồng, vẫn muốn hoãn cổ phần hóa đến khi... có lãi. Tiếp tục nhân nhượng hay dễ dãi với cơ chế tạo ra những dự án kiểu như Đạm Ninh Bình thì 500 tấn vàng có huy động được cũng sẽ không biết đi đâu, về đâu.
Trong khi đó, những khó khăn về chi phí không chính thức, sự chèn ép của doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp FDI đang khiến cho khối doanh nghiệp này không thể lớn. Nói như nhiều chuyên gia kinh tế, họ cần một môi trường kinh doanh bình đẳng nhiều hơn nhu cầu về vốn. Nếu như vậy, huy động vàng trong dân chưa mang lại nhiều lợi ích cho họ, ít nhất trong thời điểm này. Tiến sĩ Lê Cao Đoàn bổ sung, chúng ta cần phải rất thận trọng xem xét liệu nền kinh tế đã đủ năng lực để hấp thụ vốn, từ đó, sản sinh ra lợi nhuận hay chưa. Ông khuyến nghị, chúng ta phải là bác sĩ chữa dứt bệnh cho nền kinh tế, phải yêu thương, nuôi dưỡng nó. Đó chính là chìa khóa mở được kho báu 500 tấn vàng trong dân.
Hoàng Hạnh
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư