Cuộc đối thoại của các blockchainer Việt Nam

Trong khi các loại tiền mã hóa đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, thì những người thực sự nghiên cứu về công nghệ blockchain có vẻ kín tiếng hơn. Họ cũng đã có một diễn đàn gặp gỡ riêng vào đầu tháng 3 vừa qua để nói về những sản phẩm, tiềm năng thị trường và cả những hướng đi sắp tới.
Trong số nhiều nội dung thảo luận của tuần lễ hội nghị quốc tế Blockchain Week được tổ chức vào đầu tháng 3 vừa qua, đã có một phiên đặc biệt với những thành viên tham gia phát triển dựa trên công nghệ blockchain là người Việt.
Điều ấn tượng đầu tiên trong phiên thảo luận hôm ấy là sự góp mặt của Vũ Duy Thức, nhưng đại diện anh là một con robot, khối đế có bánh xe để xoay, thân là một cây cột, còn cái đầu là một máy tính bảng. Thức “xuất hiện” trên màn hình để cùng nói chuyện về công nghệ robot, AI (trí tuệ nhân tạo) và cả blockchain cùng những diễn giả khác. Đây là sản phẩm mới nhất của Thức với Omni Labs, nhằm hướng đến việc xây dựng một robot thân thiện với con người như bầu bạn với người già.
Trong khi Thức, một tiến sĩ người Việt được vinh danh ở Thung lũng Silicon, nói đến trào lưu AI và robot thì những người khác lại có thiên hướng nghiên cứu sâu về công nghệ blockchain. Gương mặt thứ hai là Lưu Thế Lợi, người đã gọi được 56 triệu USD cho Kyber Network thông qua việc phát hành token (các sản phẩm được tạo ra thông qua công nghệ blockchain) lần đầu ra công chúng (ICO) vào tháng 10 năm ngoái.
Kyber Network là một sàn giao dịch phi tập trung, có trụ sở tại Mỹ. Theo Lợi, mô hình giao dịch kiểu mới sẽ giúp giảm đi những hạn chế mà các sàn giao dịch truyền thống hiện hữu vướng phải. Kyber Network sẽ loại bỏ các tầng lớp trung gian, giúp giảm đáng kể thời gian giao dịch. Sàn giao dịch này cũng sẽ tập trung nhiều vào tính bảo mật so với các sàn giao dịch tập trung truyền thống, vốn diễn ra nhiều vụ tin tặc “ghé thăm” trong thời gian qua.
Số tiền huy động lớn của Kyber Network không những cho thấy tiềm năng của mô hình giao dịch phi tập trung mới, mà còn “nóng” vì từ khóa ICO trong thời gian qua. Trong lần gặp gỡ này, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc FPT Ventures, Giám đốc Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), cũng giới thiệu một sản phẩm mới: một công cụ quan trọng để hỗ trợ hoạt động ICO của các startup. Trước đó, mục tiêu của VIISA là đầu tư mạo hiểm vào các startup, chứ không phải làm sản phẩm.
Nhân vật thứ ba trong cuộc trò chuyện là Long Vương, đồng sáng lập TomoChain, một nền tảng (platform) cung cấp các vấn đề kỹ thuật liên quan đến blockchain cho người dùng. Tuy nhiên, mô hình này gần tương tự A-chain đến từ Trung Quốc và cũng có tham gia triển lãm tại hội nghị quốc tế Blockchain Week vừa qua.
Về cơ bản, nền tảng blockchain công cộng này cho phép các nhà phát triển có thể sử dụng hạ tầng kỹ thuật có sẵn, tạo ra các token và các hợp đồng thông minh (smart contract, một thuật ngữ mới trong lĩnh vực blockchain), hay các ứng dụng phi tập trung. Hiện tại, TomoChain cũng vừa thực hiện ICO thành công vào đầu tháng 3 và có một khách hàng trong lĩnh vực y tế, Long Vương cho biết.
Không ngồi cùng bàn thảo luận lần này nhưng một đại diện khác cũng tham gia cuộc chơi blockchain chính là Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt nam (NAPAS), là đơn vị trung gian thanh toán cho toàn bộ hạ tầng ngành tài chính Việt Nam. Ông Nguyễn Hưng Nguyên, CIO của NAPAS, cho rằng lợi thế của công nghệ blockchain trong lĩnh vực thanh toán là rất lớn.
“Quy trình thanh toán rất phức tạp. Ở NAPAS, việc thanh toán theo thời gian thực giữa các ngân hàng hiện khá ổn định, nhưng vẫn còn rất nhiều công việc cần làm nhằm đảm bảo các ngân hàng đủ nguồn lực để trả và làm thế nào đảm bảo khách hàng nhận được tiền”. Năm ngoái NAPAS công bố nghiên cứu việc hợp tác với ngân hàng Singapore trong lĩnh vực blockchain phục vụ công tác chuyển tiền giữa hai quốc gia.
Trong khi blockchain cho hạ tầng thanh toán và AI có vẻ gần gũi và dễ hiểu hơn thì những công nghệ blockchain còn lại vẫn tỏ ra “bí ẩn” với phần đông, cho dù chúng áp đảo về quy mô và số lượng. Có lẽ sẽ còn mất thêm một khoảng thời gian đáng kể nữa để thị trường hiểu được những sản phẩm mà họ đang mang lại trong nỗ lực thay đổi thế giới.
Trong nỗ lực đó, những rào cản cũng được các người chơi nhắc đến. Lưu Thế Lợi cho rằng ngoài câu chuyện hoạt động ICO vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể, thì vấn đề còn nằm ở chỗ các startup. “Một số startup muốn đi đường tắt, cố gắng làm nhanh”, Lợi cho hay. Tư duy đó đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường. Ông Đức, VIISA, thì cho rằng việc sử dụng tiền cũng là một kỹ năng cần thiết. VIISA đang cố gắng trở thành bên thứ 3 độc lập để giới thiệu các dự án startup tốt cho thị trường.
Dù vậy, theo những người trong cuộc, Việt Nam vẫn là một điểm sáng mới trong nền tảng công nghệ blockchain đang còn ở thời kỳ sơ khai. “Công nghệ blockchain ở Việt Nam không còn ở quá xa đằng sau so với thế giới. Việt Nam cũng có thể là một cộng đồng và một trung tâm mạnh mẽ, với nhiều kỹ sư nghiên cứu về blockchain”, Thức nhận định. Còn Robie Vong, thành viên sáng lập Blockfin Asia, thì cho rằng: “Nhìn về tương lai, Việt Nam là một trường hợp lý tưởng để áp dụng nền văn hóa blockchain”.
Với những cái tên được Thung lũng Silicon công nhận như Vũ Duy Thức, sản phẩm robot cùng AI gắn tên với người Việt được kỳ vọng sẽ có thể vươn xa. Còn với những cái tên mới nổi khác trong lĩnh vực blockchain, vẫn cần thêm thời gian để chứng minh với thị trường.
Blockchain có thể hiểu đơn giản là một sổ cái số lớn (hoặc cơ sở dữ liệu) của các giao dịch hoặc thông tin được chia sẻ giữa hàng triệu máy tính hoặc các thiết bị kết nối internet. Khi blockchain được sử dụng cho giao dịch, với mỗi giao dịch mà một người thực hiện như gửi hoặc nhận tiền thì sổ cái sẽ tăng lên. Mỗi giao dịch mới trở thành (hoặc là một phần của) một “khối” (block) được thêm vào “chuỗi” (chain). Điều làm cho công nghệ blockchain mang tính cách mạng là nó an toàn và có thể được phân quyền. Thông qua việc sử dụng mật mã phức tạp và sự đồng thuận giữa các máy chủ máy tính, các giao dịch có thể xảy ra giữa các bên không xác định mà không cần nhà cầm quyền phê duyệt. Tại Việt Nam, blockchain được áp dụng chủ yếu trong các lĩnh vực: dịch vụ tài chính (hơn 83%), chuỗi cung ứng (40%), dịch vụ công cộng (30%), năng lượng (30%), giáo dục (30%)... Việt Nam đang có hơn 20 startup blockchain, 10 sàn giao dịch và dưới 10 ICO (huy động vốn bằng tiền kỹ thuật số) hiện đã được công bố dù đa phần các công ty này đều đặt trụ sở tại nước ngoài. Các doanh nghiệp đang bắt đầu triển khai các nhóm nghiên cứu hay dự án thử nghiệm về blockchain có thể kể tới Viettel, NAPAS, TMA Solutions… |
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Văn Kim
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn
-
Công Sang