Hủy
Kinh Doanh

Da giày “lênh đênh” mục tiêu xuất khẩu

Minh Anh Thứ Tư | 23/09/2020 19:30

Da giày cũng khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu. Ảnh: Qúy Hòa

 
 
Thị trường xuất khẩu giảm 60-70% vì ảnh hưởng từ đại dịch, khiến cho mục tiêu xuất khẩu 24 tỉ USD của ngành da giày khó hoàn thành.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tháng 8 vừa qua, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,9% so với tháng 7, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2019; lũy kế 8 tháng giảm 4,3%.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép 8 tháng chỉ đạt 10,9 tỉ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Đức đều giảm nhập khẩu so với tháng trước. Các thị trường xuất khẩu giày dép khác của Việt Nam cũng bị sụt giảm mạnh, trong đó, thị trường Đan Mạch giảm mạnh nhất tới gần 64%, chỉ đạt 6,2 triệu USD.

Theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã được nối lại nhưng sản phẩm lại bí đầu ra, không tiêu thụ được khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất sụt giảm 40-50%, chạy đơn hàng theo từng tháng. Phần lớn sản phẩm sản xuất ra dành cho xuất khẩu nên rất khó tiêu thụ tại thị trường trong nước do giá thành cao; thị trường xuất khẩu sụt giảm tới 60-70%.

Bộ Công Thương cho hay, từ nay đến cuối năm, đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và EU. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1.8 vừa qua. 

Ảnh: Qúy Hòa
Ngành da giày, túi xách Việt Nam hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp thì có tới 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật và công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Ảnh: Qúy Hòa

Tuy vậy, việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định nhằm gia tăng xuất khẩu cũng không hề dễ dàng. Bởi trong tổng giá trị xuất khẩu hiện nay, ngành da giày chỉ hưởng 35-40% giá trị, trong đó 25-30% dùng để trả chi phí nhân công, 5% là chi phí giao nhận ngoại thương. Vì vậy, phần giá trị thực tế mà doanh nghiệp trong ngành nhận được là rất ít.

Ngành da giày, túi xách Việt Nam hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp thì có tới 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật và công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Do đó, các doanh nghiệp da giày cần xây dựng thành công chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu đồng bộ, nhằm tận dụng được những cơ hội tốt từ EVFTA để phát triển. Trước hàng loạt khó khăn, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 24 tỉ USD trong năm nay của toàn ngành sẽ rất khó đạt được.

 

Bên cạnh Da giày là Dệt may cũng đang gặp phải khó khăn về đơn hàng. Chỉ một số doanh nghiệp nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may từ đầu năm đến nay giảm đến 12%, so cùng kỳ năm 2019. Điều này khiến Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đưa ra dự báo không khả quan về xuất khẩu của ngành trong những tháng cuối năm 2020, là kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm từ 14%-18% so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, từ tình hình thực tế dịch bệnh trong nước và trên thế giới cho thấy, đối với ngành dệt may, quý III và IV/2020, thị trường khẩu trang sẽ bão hoà, các doanh nghiệp sẽ quay lại sản xuất đồ may mặc. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh vẫn bùng phát tại nhiều quốc gia, đầu ra sản phẩm dệt may gặp khó khăn do thiếu thị trường tiêu thụ ổn định.

Nếu trước đây, các đơn hàng doanh nghiệp nhận trước từ 3 - 6 tháng, thì hiện tại đơn hàng dệt may gần như ngưng trệ, chỉ có thể có đơn hàng theo từng tháng. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, số lượng đơn đặt hàng sẽ giảm từ 30% - 50%. Trước tình hình này, các doanh nghiệp thuộc Vinatex cũng không thụ động chờ thị trường xuất khẩu hồi phục, mà chủ động tìm nhiều hướng sản xuất mới và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì thị trường nội địa không thể giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp dệt may.

Ảnh: Qúy Hòa
Tiêu thụ hàng may mặc tại thị trường nội địa năm 2020 dự kiến tăng không quá 5%, tương đương khoảng 200 triệu -250 triệu USD. Ảnh: Qúy Hòa

Cụ thể, thị trường nội địa có quy mô nhỏ (chỉ chiếm 10% đối với năng lực ngành dệt may), trong khi dịch bệnh COVID-19 đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, cùng với giảm chi tiêu của hộ gia đình. Trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh là lương thực, thực phẩm chứ không phải quần áo. Vì vậy, tiêu thụ hàng may mặc tại thị trường nội địa năm 2020 dự kiến tăng không quá 5%, tương đương khoảng 200 triệu -250 triệu USD, con số này quá nhỏ so với quy mô xuất khẩu hơn 39 tỉ USD năm 2019 của doanh nghiệp dệt may cả nước.

Cũng trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, ngành dệt may cũng phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu. Ngành dệt may cũng đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu so với đầu năm, từ 40 tỉ USD xuống đạt 32-32,5 tỉ USD vì lo ngại COVID-19. "Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của thị trường trong 3 tháng cuối năm như thế nào để tính toán tiếp", ông Giang nói.

Có thể bạn quan tâm:

Dệt may, da giày, gỗ cùng chờ đơn hàng cuối năm


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới