Hủy
Kinh Doanh

Dệt may, da giày, gỗ cùng chờ đơn hàng cuối năm

Minh Anh Thứ Sáu | 24/07/2020 11:35

Ảnh: QH

 
 
Sau nửa năm gặp khó khăn về đơn hàng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày, dệt may, gỗ... nhấp nhỏm chờ vào sự khởi sắc của 6 tháng cuối năm.

Ngành dệt may lo mất 30-40% đơn hàng xuất khẩu

Chia sẻ về tình hình dệt may 6 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, cho biết tổng doanh thu hợp nhất của Vinatex ước giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận hợp nhất ước giảm 25%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức giảm thấp hơn so với dự báo trước đó.

Hiện nay, hầu hết các đơn vị thành viên vẫn tạo ra lợi nhuận. Vinatex vẫn có nguồn hàng kéo lại, đó là các sản phẩm khẩu trang và PPE (trang bị bảo hộ cá nhân) nói chung. Điều đó giúp các cơ sở sản xuất chưa bị lâm vào tình trạng thiếu việc làm trầm trọng, vẫn có thanh khoản tốt do bán khẩu trang và PPE chủ yếu thu tiền trực tiếp, kể cả ứng trước.

Xu thế tiêu dùng ít đi, sử dụng các mặt hàng cơ bản nhiều hơn, hạn mức mua sắm thấp đi… sẽ chi phối thị trường thời trang trong thời gian tới. Ảnh: QH
Xu thế tiêu dùng ít đi, sử dụng các mặt hàng cơ bản nhiều hơn, hạn mức mua sắm thấp đi… sẽ chi phối thị trường thời trang trong thời gian tới. Ảnh: Quý Hòa.

Tuy nhiên, khi nói về 6 tháng cuối năm, ông Trường cho biết rất thách thức. Cụ thể, vị này cho biết thị trường và nhu cầu PPE đang và sẽ thu hẹp rất nhanh. Đã có dấu hiệu cho thấy nhu cầu này sẽ gần như trở về mức cầu bình thường từ tháng 9.

Trong khi đó tại Việt Nam, việc các nhà sản xuất ồ ạt sản xuất mặt hàng này trong giai đoạn vừa qua đã dẫn tới nguồn cung lớn hơn cầu. Giá cả đã tới giới hạn của chi phí. Mặt hàng PPE không còn dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả. Việc trông đợi vào nhu cầu PPE như 6 tháng đầu năm là không còn thực tế.

Theo nghiên cứu, ngân sách dành cho hàng may mặc rất hạn chế trong giai đoạn hiện nay. Xu thế tiêu dùng ít đi, sử dụng các mặt hàng cơ bản nhiều hơn, hạn mức mua sắm thấp đi... sẽ chi phối thị trường thời trang trong thời gian tới. Hơn nữa, việc tổng cầu giảm sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn, giá thấp hơn, áp lực của người mua lớn hơn.

Do đó, ông Trường dự báo, trong 6 tháng cuối năm thị trường xuất khẩu có nguy cơ giảm 30-40% so với năm trước. Giá bán cũng sẽ chịu áp lực giảm, thời gian thanh toán kéo dài hơn, áp lực dòng tiền lớn hơn sẽ là chủ đề chi phối hoạt động của doanh nghiệp.

Da giày, gỗ cũng ngóng thị trường

Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh COVID-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 6 tháng đầu năm giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn kép từ cả 2 phía, bao gồm thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chính nhất là thị trường Mỹ, châu Âu. Điều này khiến cho kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ.

các doanh nghiệp cũng kì vọng vào các hiệp định thương mại được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên. Ảnh: QH
Các doanh nghiệp kỳ vọng vào các hiệp định thương mại được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên. Ảnh: Quý Hòa.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 2,7% (trong khi cùng kỳ tăng đến 15,1%).

Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều trông đợi vào tình hình khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm khi kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của các ngành được kiểm soát tốt. 

Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào các hiệp định thương mại được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên. Kim ngạch xuất khẩu một số ngành hàng dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm.

Theo đại diện Bộ Công Thương, đến cuối quý II/2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. 

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, Tết, Giáng sinh tăng cao.

► Liên tục bị hủy hợp đồng, doanh nghiệp dệt may đã khó càng khó


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới