Đi tìm động lực tăng trưởng mới
Ảnh: TL
Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,1% trong năm 2018, mức cao nhất trong một thập niên. Nhìn kỹ vào kỳ tích này trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều bất ổn, nỗi lo về một năm mới là động lực tăng trưởng sẽ đến từ đâu nữa?
Chính vì vậy, ngay những ngày đầu năm, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, như một lời hiệu triệu giải bài toán bứt phá tăng trưởng.
Trong cơ cấu các ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ tiếp tục xu hướng đóng góp lớn với mức tăng tương ứng 123% và 7%. Nhưng nếu so với năm 2017, tốc độ tăng trưởng của 2 nhóm ngành này đều thấp hơn. Sau khi tạo dấu ấn với tốc độ tăng mạnh 70% trong giai đoạn 2013-2017, điện thoại di động chỉ tăng trưởng 10% trong năm vừa qua, nhường lại ngôi đầu cho ngành sản xuất kim loại với Formosa đóng góp chính, các ngành được bảo hộ bằng chính sách nhập khẩu như dược phẩm, xe động cơ và ngành nội thất.
Trong khi đó, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng truyền thống tăng trưởng chậm lại, được lý giải bằng sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng sang những sản phẩm tốt cho sức khỏe và môi trường hơn. Lý do tăng trưởng GDP năm 2018 tốt hơn năm 2017 là khai thác dầu thô đã giảm ít hơn và nông nghiệp có một năm tăng trưởng vượt bậc.
Tăng 13,2%, xuất khẩu năm 2018 cho thấy sự dịch chuyển thành phần khi các doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng mạnh hơn so với khối FDI. Xu hướng thặng dư cán cân thanh toán quốc tế vẫn tiếp tục trong năm cũng đạt mức kỷ lục 20 tỉ USD khi nhờ thặng dư thương mại hàng hóa, các nguồn tiền đầu tư gián tiếp và kiều hối và giải ngân vốn FDI.
Khác với những năm trước, tín dụng đã giảm tốc mạnh trong năm 2018 khi tốc độ tăng trong cả năm chỉ là 14%. Việc có tín hiệu tăng trưởng GDP tốt ngay từ xuất phát vào quý I/2018 đã giúp việc điều hành chính sách tiền tệ không phải quá nghiêng về việc thúc đẩy tăng trưởng, mà ưu tiên hơn cho kiểm soát lạm phát theo hướng đảm bảo ổn định vĩ mô. Kết quả này cũng cho thấy để có tăng trưởng tốt, không cần phải bơm tiền và tín dụng ở tốc độ cao 17-18% cho nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng năm 2019 còn có thể thấp hơn. Quy mô tín dụng nội địa so với GDP của Việt Nam đã lên tới 130%. Cộng thêm với mức nợ công, tổng nợ của nền kinh tế Việt Nam bằng 192% GDP.
Khả năng rất cao là nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ đều tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2019, kéo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống thấp hơn so với năm trước. Để tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, các chính sách trong nước cũng không thể hỗ trợ quá mạnh cho tăng trưởng. Chính vì vậy, bình quân các dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2019 là ở mức 6,7-6,9%.
Quan ngại nhất về kinh tế vĩ mô trong năm qua lại là đầu tư công vào cơ sở hạ tầng tăng thấp và nhiều dự án có tiến độ triển khai rất chậm. Nhìn theo khía cạnh tích cực, có thể nói là khác với trước đây tăng trưởng kinh tế cao không còn cần phải tăng đầu tư công. Nhưng nếu mức đầu tư và hiệu quả đầu tư vào cơ sở hạ tầng không được cải thiện thì khó có thể kỳ vọng vào tăng trưởng cao trong trung hạn. Ngược lại, nếu Chính phủ có những giải pháp đột phá để đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng về giải ngân nhưng quan trọng hơn là về hiệu quả thì đầu tư cơ sở hạ tầng có thể trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng cho năm nay và cả những năm tới.
(*) Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn