Đi tìm thị trường ngách trong cuộc chơi giao vận quốc tế

Dù đã có hàng ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ đang cạnh tranh quyết liệt, lĩnh vực giao vận quốc tế ở Việt Nam vẫn tồn tại một thị trường ngách nhiều tiềm năng. Đó là hình thức nhượng quyền thương hiệu dựa trên mô hình tinh gọn, giá rẻ và mạng lưới đối tác xuyên biên giới.
Mới đây trong ngành logistics, CTCP Gozo gây chú ý khi công bố ký nhượng quyền bưu cục chuyển phát quốc tế. Thông qua hình thức này, Gozo hướng tới các đối tác bản địa tại Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Canada, châu Âu và Mỹ. Theo đó, Công ty đã ký hợp tác nhượng quyền với 3 đối tác đầu tiên tại Thái Lan, bước đệm cho chiến lược phủ rộng dịch vụ ở Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, thị phần ngành logistics chủ yếu đang thuộc về các tập đoàn nước ngoài như DHL, UPS, FedEx và các doanh nghiệp lớn trong nước Viettel Post, VNPost. Các thương hiệu này chủ yếu phục vụ tệp khách hàng là doanh nghiệp lớn, có tiềm lực.
![]() |
Trong khi đó nhu cầu của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngày càng tăng nhanh, nhưng phục vụ đối tượng này chủ yếu là các đơn vị giao vận quy mô nhỏ, hoạt động ở một địa phương chứ không có tính toàn quốc hoặc toàn cầu.
Đó là lý do Gozo Express ra đời cách đây năm năm, với cái tên đầu tiên là ABM Express. Hiện tại, doanh nghiệp này đã có 63 bưu cục khắp cả nước và một chi nhánh ở Thái Lan. Công ty đã vận chuyển 900 tấn hàng tuyến quốc tế trong năm 2024, dự kiến mở rộng thêm 600 điểm nhận hàng vào năm 2027.
Theo ông Phan Duy Minh, CEO của Gozo thì doanh nghiệp này sẽ hợp tác với các đối tác trên để giao hàng hóa từ Thái Lan, Hàn Quốc đi và đến các thị trường khác trên thế giới chứ không chỉ là giao thương qua lại giữa vài nước. Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Gozo ở Việt Nam là giá dịch vụ rẻ hơn từ 30% đến 40% so với các tên tuổi logistic quốc tế hàng đầu. Khả năng cạnh tranh giá của Gozo đến từ chi phí vận hành. Nếu như các hãng vận chuyển tên tuổi lâu năm phải tự vận hành một hệ thống khổng lồ, thì Gozo chỉ sử dụng những đối tác bên ngoài như Vietjet hay Vietnam Airlines với mức giá phải chăng hơn.
“Thực tế, mô hình kinh doanh của Gozo là đang kêu gọi việc nhận nhượng quyền bưu cục ở các khu vực nông thôn. Các đối tác nhận nhượng quyền sẽ được hỗ trợ toàn diện từ thiết lập bưu cục, nhận diện thương hiệu đồng nhất đến sử dụng hệ thống công nghệ chung là CRM vận hành tự động trong quản lý đơn hàng, khách hàng, đối soát, theo dõi.”, ông Phan Duy Minh cho biết thêm.
Gozo không thu phí nhượng quyền. Đối tác chỉ cần ký quỹ 20 triệu đồng để đảm bảo công nợ và sẽ được hoàn trả khi ngừng hợp tác. Chi phí đầu tư ban đầu cho một bưu cục dưới 30 triệu đồng (bao gồm ký quỹ, bảng hiệu, máy móc cơ bản).
Mô hình này dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và hệ thống vận hành chuẩn hóa toàn quốc, cho phép bất kỳ cá nhân, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp nhỏ nào tại các huyện, thị xã, tỉnh lẻ đều có thể mở bưu cục chuyển phát nhanh quốc tế dưới thương hiệu Gozo Express mà không cần đầu tư hạ tầng phức tạp. Về chính sách giá, mỗi đơn hàng quốc tế đối tác nhận được chiết khấu trực tiếp từ 20.000 – 40.000 đồng/kg tùy tuyến và khối lượng.
“Chúng tôi không bán một dịch vụ chuyển phát đơn thuần. Chúng tôi đang tái thiết lại cách hàng hóa được vận chuyển xuyên biên giới – nhanh hơn, linh hoạt hơn, và tối ưu hơn cho từng doanh nghiệp, từng cá nhân. Nếu ví DHL, UPS là cao tốc quốc tế, thì Gozo chính là tuyến xe chuyên biệt đưa hàng của bạn từ nhà – ra sân bay – đến tận tay khách – theo cách tinh gọn và thông minh nhất.”, CEO của Gozo chia sẻ.
Thị trường logistics toàn cầu được dự báo sẽ cán mốc 21,9 nghìn tỉ USD vào năm 2033 với tốc độ tăng trưởng kép 9,3% mỗi năm. Trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm sáng tại Đông Nam Á với mức tăng trưởng 14 -16% và quy mô thị trường ước tính 40 - 50 tỉ USD. Về Gozo, sau hơn 5 năm phát triển Công ty đã xây dựng mạng lưới vận chuyển, gom hàng quốc gia theo các tuyến bay quốc tế có sẵn. Đó là lý do giúp giám đốc của công ty tự tin khi cho rằng mô hình nhượng quyền do doanh nghiệp triển khai sẽ được nhiều đối tác, khách hàng lựa chọn.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
