Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp bán lẻ Việt: Khó chồng khó

Thứ Ba | 30/06/2015 13:30

 
 
Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam rất dễ bị thâu tóm hoặc mất thị phần vào tay nước ngoài, chủ yếu do thiếu vốn và cơ sở hạ tầng.

Sự rút lui của nhiều tên tuổi nội trên thị trường bán lẻ cho thấy lĩnh vực này là một miếng bánh ngon, nhưng không dễ xơi đối với các doanh nghiệp trong nước.

Năm 2012, khi Sơn Hà chính thức bước chân vào lĩnh vực bán lẻ và khai trương siêu thị mang thương hiệu Hiway Supercenter đầu tiên tại Hà Nội, công ty này đã tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường bất động sản và coi bán lẻ là một lĩnh vực cốt lõi trong tương lai.

Nhưng chỉ 3 năm sau, Sơn Hà tuyên bố sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi Hiway Supercenter. Trong Ðại hội cổ đông năm 2015 được tổ chức gần đây, Chủ tịch Sơn Hà là ông Lê Vĩnh Sơn lại tuyên bố lĩnh vực cốt lõi của công ty này không còn là bán lẻ. Sơn Hà sẽ chỉ còn tập trung vào sản xuất các sản phẩm inox như ban đầu, chấm dứt giấc mơ trở thành tập đoàn bán lẻ lớn chỉ trong một thời gian ngắn.

Khi mới thành lập Hiway Supercenter, Sơn Hà đặt mục tiêu sẽ phát triển 10 siêu thị Hiway vào năm 2015 và 20 siêu thị vào năm 2016. Tuy nhiên đến nay, chuỗi siêu thị Hiway chỉ có vẻn vẹn 3 chi nhánh tại Hà Nội. Cuối năm ngoái, thương hiệu Hiway đã được chuyển thành thương hiệu Sapomart nhằm tạo ra sự khác biệt.

Theo ông Sơn, Công ty thực hiện chủ trương thoái vốn khỏi Hiway Supercenter để khi mảng kinh doanh này hoạt động chưa thực sự tốt, cũng sẽ không ảnh hưởng vào báo cáo và ảnh hưởng đến cổ đông công ty mẹ. Dù đã thoái vốn, nhưng Sơn Hà vẫn còn là cổ đông chiến lược tại Hiway Supercenter và chiếm hơn 71% tại dự án Vinaconex Plaza.

Ông Sơn cho biết Sơn Hà xác định không đầu tư thêm cho mảng bán lẻ, mà tập trung cho kinh doanh cốt lõi. Cùng với đó là tuyên bố sẵn sàng xem xét việc tiếp tục thoái vốn khỏi bán lẻ tùy vào tình hình cụ thể.

Doanh nghiep ban le Viet: Kho chong kho
Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sơn Hà

Cũng giống như Sơn Hà, một công ty có tên tuổi khác của Việt Nam là Trung Nguyên gần đây cũng quyết định dừng cuộc phiêu lưu trên thị trường bán lẻ. Trong thông báo gần đây của Ministop, công ty vận hành chuỗi cửa hàng tiện ích Ministop của Nhật, thì liên doanh giữa Trung Nguyên và Ministop phát triển chuỗi G7Mart đã chấm dứt.

Thay vì hợp tác với Trung Nguyên, Ministop đang tìm kiếm một sự hợp tác mới với Sojitz, một tập đoàn đã có bề dày kinh nghiệm về thị trường bán lẻ và phân phối tại Việt Nam. Đại diện của Trung Nguyên cũng xác nhận với báo chí rằng công ty này chấm dứt hợp tác với Ministop để tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực cốt lõi là cà phê. Khi mới hợp tác, cả Ministop và Trung Nguyên đều hào hứng tuyên bố sẽ phát triển chuỗi G7Mart lên tới 500 cửa hàng tại Việt Nam, nhưng kế hoạch đó dừng lại với 17 cửa hàng trên cả nước.

Rõ ràng, nếu xét về quy mô thị trường và tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam, sự rút lui của các công ty như Sơn Hà hay Trung Nguyên trong lĩnh vực này có vẻ là trái ngược.

Theo báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn với dân số trên 90 triệu dân, đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 8 tại khu vực châu Á. Tổng mức bán lẻ hàng năm cũng không ngừng tăng lên, từ 11% giai đoạn 1996-2000 lên đến 26% giai đoạn 2006-2010. Năm 2014, tổng mức bán lẻ cũng đã tăng 10,6% so với năm 2013.

Hiện tại, kênh phân phối theo hình thức hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ. Dự kiến, tỉ lệ này sẽ nâng lên xấp xỉ 50% thị trường bán lẻ vào năm 2020. “Tiềm năng phát triển hệ thống phân phối ở nước ta là rất lớn”, bản báo cáo nhận xét.

Doanh nghiep ban le Viet: Kho chong kho
So sánh quy mô của các chuỗi siêu thị và trung tâm thương mại

Trước khi Việt Nam gia nhập WTO, một số thương hiệu siêu thị hiện đại đã xuất hiện như Fivimart, Citimax, G7Mart, Hapro hay Co.opMart. Tất cả đều là các thương hiệu Việt Nam. Chỉ có hai thương hiệu nước ngoài là Big C và Metro Cash & Carry xuất hiện trên thị trường vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dù Chính phủ đã cố gắng đàm phán kéo dài thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ với doanh nghiệp nước ngoài tới tận đầu năm 2009, nhưng sự thất bại của doanh nghiệp trong nước vẫn không thể tránh khỏi.

Tính đến năm 2014, đã có 10 tập đoàn bán lẻ lớn đầu tư và đang hoạt động, nổi bật là Metro Cash & Cary kinh doanh bán buôn với 19 cơ sở tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước; hệ thống 27 siêu thị Big C, hệ thống 9 trung tâm thương mại Parkson và 9 trung tâm thương mại của Lotte.  Có thể thấy, thị trường bán lẻ trong nước đã và đang có sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. 

Nhưng trái ngược với xu hướng liên tục mở rộng quy mô hoạt động của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam lại đang bị tụt lại do sức cạnh tranh kém, hoạt động chưa chuyên nghiệp, chưa khẳng định uy tín với người tiêu dùng.

Việc Sơn Hà và Trung Nguyên rút khỏi thị trường bán lẻ cho thấy hai công ty này đã nhận ra rằng họ không thể cạnh tranh được với sự bành trướng của các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, các công ty như Vinatex hay Ocean Mart cũng đã phải bán cho Vingroup. Các siêu thị khác là Fivimart và Citimart đầu năm nay cũng đã bán một phần cổ phần của mình cho Aeon, tập đoàn bán lẻ lớn nhất ở Nhật.

“Đa số các doanh nghiệp bán lẻ tham gia thị trường vẫn là các doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp, vẫn còn đối mặt với nguy cơ bị các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài thâu tóm thị trường”, báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ nhận xét.

Bên cạnh đó, việc yếu kém trong kết cấu hạ tầng phân phối và cơ sở hạ tầng hậu cần kho vận cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến sự thua kém của các công ty bán lẻ trong nước.

Ở chiều ngược lại, các công ty bán lẻ nước ngoài đang tận dụng sự yếu kém của đối thủ Việt Nam để mở rộng thị trường. Ministop sau khi chấm dứt hợp tác với Trung Nguyên, đã tuyên bố kế hoạch phát triển chuỗi 800 cửa hàng tiện ích tại Việt Nam cùng với Sojitz. Kế hoạch này còn lớn hơn cả kế hoạch phát triển 500 cửa hàng mà trước đó chính Ministop và Trung Nguyên đã lập ra.

Trong khi đó, Aeon thậm chí còn có ý định biến Việt Nam thành trung tâm của tập đoàn này tại khu vực Đông Nam Á. Còn TCC Holding Limited của Thái Lan đã tỏ rõ quyết tâm sẽ tự mình mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam, sau khi các cổ đông của Berli Jucker Public Company Limited hai lần liên tiếp phủ quyết thương vụ này.

Xét những khía cạnh trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cạnh tranh trên thị trường phân phối, mà đặc biệt là phân khúc phân phối hiện đại, sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam còn lại rất dễ bị thâu tóm hoặc mất thị phần vào tay nước ngoài

Ngọc Linh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới