Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp FDI niêm yết dưới cái bóng Lãi - Lỗ

Chủ Nhật | 04/01/2015 23:21

Năm 2014, nhiều chuyển biến khá thú vị đã diễn ra xung quanh cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI niêm yết.
 

Hiện có 7 cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ðó là Công ty Cổ phần (CTCP) Gạch men Chang Yih (CYC), CTCP Mirae (KMR), CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera (TCR), CTCP Công nghiệp Tung Kuang (TKU), CTCP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA), CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) và CTCP Everpia Việt Nam (EVE).

Phía sau lợi nhuận

Nhìn chung, cả 7 doanh nghiệp này đều có tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2014, khi tổng doanh thu tăng 8% so cùng kỳ, đạt mức 2.824 tỉ đồng.

Cụ thể, Công ty Mirae (KMR) tăng trưởng 24% doanh thu, lên mức 120 tỉ đồng, lãi ròng đạt 6 tỉ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Công ty này có cổ đông chủ chốt là Mirae Fiber Tech (Hàn Quốc), sở hữu 13,2% vốn và 8 cá nhân người Hàn thuộc ban quản trị sở hữu 20%. Tháng 12.2014, KMR phát hành cổ phiếu thưởng và tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu thêm 40 tỉ đồng. Công ty đồng thời đăng ký lưu ký và niêm yết bổ sung, dự kiến niêm yết vào tháng 1.2015.

Nhìn lại quá khứ niêm yết của KMR mới thấy những trắc trở. Đầu năm 2009, Công ty nộp hồ sơ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với đề nghị được niêm yết toàn bộ vốn điều lệ. Tuy nhiên, HoSE chỉ đồng ý cho KMR niêm yết 7.236.850 cổ phiếu phát hành thêm khi chuyển đổi; còn 6.050.216 cổ phiếu của các cổ đông sáng lập ngoại thì không được niêm yết.

Sau khi có Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, KMR dự định xin niêm yết nốt số cổ phiếu còn lại, nhưng vẫn bị HoSE từ chối vì “Ủy ban Chứng khoán đã có công văn không chấp thuận các đề nghị tương tự với lý do phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính”. Dĩ nhiên, điều này lập tức gây bất lợi đến tính thanh khoản cũng như sức hấp dẫn của cổ phiếu KMR.

Vì thế, việc thưởng bằng cổ phiếu và tăng vốn điều lệ vào thời điểm hiện nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia là bước đi rất khôn ngoan của KMR. Vừa lợi cho cổ đông sáng lập và chủ đầu tư liên quan đến các khoản thuế họ phải nộp.

Một điển hình khác về tăng trưởng lợi nhuận là TYA với lãi ròng tăng 77%, đạt 21,4 tỉ đồng. Kết quả này có được là nhờ giá nguyên liệu đồng trên thế giới trong năm ổn định so với cùng kỳ, khiến giá vốn giảm nên tạo ra tăng trưởng mạnh về lợi nhuận.

Dù vậy, cảm nhận không tốt về doanh nghiệp FDI trên thị trường như hành vi chuyển giá, cổ đông sáng lập là công ty mẹ ở nước ngoài còn nắm giữ lượng lớn cổ phần… Ví dụ, giống như KMR, toàn bộ 7 thành viên trong ban quản trị TYA đều là người Đài Loan. Cổ đông sáng lập là Công ty Taya tại Đài Loan hiện vẫn nắm giữ 80% vốn. Vì vậy, giá cổ phiếu của doanh nghiệp FDI vẫn trong tình trạng “hẩm hiu”.

Ðơn cử, xu hướng tăng điểm của cổ phiếu TYA bắt đầu nổi lên từ tháng 5.2014. Tuy nhiên, giao dịch ở mã này chỉ được giới đầu tư chú ý trong thời gian gần đây khi bứt phá mạnh bất chấp xu hướng tiêu cực của thị trường. Theo đó, cổ phiếu TYA tăng 43,1% giá trị chỉ trong vòng 14 ngày từ ngày 2-15.12.2014 (từ mức giá thấp nhất 8.800 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất 12.600 đồng/cổ phiếu). Hiện đà tăng của TYA đã bắt đầu chững lại trong các phiên tăng điểm gần đây và đang đứng ở mức 10.700 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, giá chốt phiên cuối năm 2014 của KMR là 7.100 đồng/cổ phiếu.

Lãi - lỗ bất ngờ

Nhiều nhà đầu tư đã “giật mình” khi Everpia Việt Nam (EVE) lãi lớn 30 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 200 triệu đồng nhờ vào chi phí tài chính và thuế suất giảm. Được biết, ngoài Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lee Jae Eun sở hữu gần 16% cổ phần, EVE là doanh nghiệp FDI duy nhất có nhiều cổ đông lớn là tổ chức nắm giữ như Red River Holdings (12,3%), Ngân hàng Tiên Phong (10,2%), Quỹ thành viên Việt Nhất (6,4%). Ngoài ra, Ban Quản trị EVE cũng cởi mở hơn khi có 3/7 chức danh là người Việt.

Trong khi đó, báo lỗ gây bất ngờ nhất là trường hợp của Công ty Quốc tế Hoàng gia (RIC). Tháng 11.2014, RIC phải giải trình lý do cổ phiếu này giảm 10 phiên liên tiếp sau khi tăng 10 phiên liên tiếp. Cụ thể, công ty này cho rằng việc cổ phiếu giảm điểm là do họ công bố báo cáo tài chính quý III/2014 và 9 tháng đầu năm. Do kết quả kinh doanh không tốt nên đến cổ phiếu RIC cũng giảm liên tục. Ngoài ra, RIC còn cho rằng do từ ngày 14-29.10.2014, chỉ số VN-Index giảm từ 605.79 điểm xuống 591.20 điểm nên cổ phiếu của họ cũng giảm vì xu thế giảm của thị trường. RIC cũng cam đoan không có bất cứ thông tin nào khác tác động đến giao dịch trên thị trường.

Trước đó, trong quý II/2014, trong nhóm doanh nghiệp FDI niêm yết, lỗ nặng nhất phải kể đến RIC khi công ty này lỗ 79 tỉ đồng do khách sạn Hoàng gia Hạ Long đi vào hoạt động khiến hàng loạt chi phí gia tăng.

Đồng thời, những thay đổi về sở hữu tại RIC cũng khiến Công ty gặp một số bất ổn. Ngoài cổ đông nước ngoài sáng lập là ông Nguyễn Đình Chính nắm giữ 6,7% cổ phần (từ trần năm 2011 nhưng cổ phần nắm giữ vẫn để tên ông do gia đình chưa hoàn tất thủ tục thừa kế tại Đài Loan), còn có SCIC là cổ đông trong nước đồng sáng lập và sở hữu 13,28% vốn. Trước đây, ông Chính từng nắm giữ tới 59% vốn tại RIC nhưng đã chuyển nhượng 27 triệu cổ phần cho Công ty Khải Tiệp vào tháng 12.2008. Hiện Khải Tiệp là công ty mẹ của RIC khi sở hữu 52% vốn tại đây.

Nguồn Nhịp cầu đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới