Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp FDI tìm kiếm đối tác Việt trong ngành công nghiệp hỗ trợ

Cẩm Tú Thứ Ba | 07/07/2020 08:37

Một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu nên đã tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước.
 

Trong hội thảo mới đây tại TP.HCM, đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết sau đại đại dịch COVID-19, một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu từ đầu tháng 3 đến nay, nên đã tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện (ngành công nghiệp hỗ trợ) để thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu này.

Điều này đang tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài để gia nhập thị trường thế giới sau khi hết dịch bệnh. Theo đại diện Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ thành phố, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ về vốn, công nghệ, đối tác, thị trường... Cụ thể là các chính sách như: hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm, mức vốn vay tối đa là 200 tỉ đồng/dự án; kết nối cung cầu sản phẩm giữa doanh nghiệp của thành phố với các doanh nghiệp đầu cuối, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực FDI, các doanh nghiệp nước ngoài với các nhà cung cấp trong nước...

Bên cạnh Intel, Samsung, Nidec... là những doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao TP.HCM khá quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ, phát triển nhà cung cấp trong nước, hiện nay Tập đoàn Techtronic Industries (TTI) cũng đang triển khai đầu tư tại đây dự án 650 triệu USD, đồng thời, tích cực tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam ở 4 lĩnh vực là phun nhựa, khuôn mẫu, điện, kim loại. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết ngay từ trong quá trình đàm phán, nhà đầu tư TTI đã đồng thuận thực hiện 3 vấn đề quan trọng mà Việt Nam đề ra trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn mới, đó là: dự án công nghệ cao, có đầu tư cho R&D và kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 2.7 vừa qua, khoảng 100 đại diện các doanh nghiệp đã có mặt từ khá sớm tại Khu Công nghệ cao TP.HCM để tham dự “Hội thảo chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ - Phát triển nhà cung cấp trong nước cho nhà đầu tư Techtronic Tools Việt Nam” do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) phối hợp cùng Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM (Sở Công Thương) và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Techtronic Tools Việt Nam (thành viên của TTI) tổ chức.

Ngay trong khuôn viên nơi tổ chức hội thảo, TTI đã trưng bày nhiều gian hàng, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà doanh nghiệp cần cung cấp thuộc 4 lĩnh vực là phun nhựa, khuôn mẫu, điện, kim loại. Theo đại diện nhà mua hàng thì các doanh nghiệp Việt rất có tiềm năng cung ứng. TTI cũng nói rõ kỳ vọng là các nhà cung ứng nội địa phải cung ứng sản phẩm có chất lượng, giao hàng nhanh, ổn định cao và không ngại phát triển vì TTI muốn tạo ra những chuỗi cung ứng là những nhà cung cấp nội địa với tham vọng tỉ lệ nội địa hóa lên đến 80%.

Ông Nate Easter, Phó Chủ tịch Điều hành, phụ trách nguồn cung ứng toàn cầu của Tập đoàn cho biết, TTI là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng của thế giới về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Mỹ, Bắc Âu. Doanh thu của Tập đoàn trong năm vừa qua là hơn 7,6 tỉ USD, trong đó, hơn 88% doanh thu ở mảng thiết bị điện, phụ kiện, dụng cụ lưu trữ, dụng cụ cầm tay... Theo ông Nate Easter, nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ là nhà máy lớn thứ 2 và cũng là nơi đặt Trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn thứ 2 trên toàn cầu của  Tập đoàn.

Liên quan đến kế hoạch tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam, ông Nate Easter chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng trong 2 năm tới, thu hút khoảng 180-200 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTI, với mục tiêu đạt khoảng 2,5 tỉ USD mỗi năm, tỉ lệ cung ứng nội địa lên đến 60% trong năm 2020 và 80% vào năm 2021”.

Tại hội thảo, đại diện của TTI cùng với lãnh đạo Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM đã ký kết Quy chế phối hợp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, tìm kiếm nhà cung cấp trong nước cho TTI. Đồng thời, các bên liên quan cùng đại diện doanh nghiệp thảo luận, trao đổi về nhu cầu, tiêu chí sản phẩm đang tìm kiếm nhà cung cấp, quy trình tham gia chuỗi cung ứng và năng lực của các nhà cung cấp...


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới