Doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa được đến đâu?
Theo thông tin về tình hình kinh doanh, lợi nhuận sau thuế của 2 quý đầu năm 2020, Vinafood 2 lỗ hơn 160 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 2.188 tỉ đồng. Ảnh: haiquan.
Lỗ hoàn lỗ
Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) được cổ phần hóa 2018. Nhà nước nắm giữ 51,43% vốn điều lệ, cổ đông chiến lược, Công ty Cổ phần Tập Đoàn T&T nắm giữ 25%, các cổ đông khác chiếm tỉ lệ 23,57%.
Trước cổ phần hóa, Vinafood 2 đã thua lỗ, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Vinafood 2 sẽ có cơ hội bứt phá. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Vinafood 2 vẫn không cải thiện. Theo thông tin về tình hình kinh doanh, lợi nhuận sau thuế của 2 quý đầu năm 2020, Vinafood 2 lỗ hơn 160 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 2.188 tỉ đồng.
Đơn vị này nêu nhiều lý do ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của mình, chẳng hạn như chính sách nhập khẩu gạo của các nước có nhiều thay đổi, gia tăng các rào cản để bảo hộ sản xuất, cạnh tranh gay gắt; việc tạm ngưng xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến giảm sản lượng bán.
Vinafood 2 cũng như nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa khác đều gặp phải là tình trạng vỏ mới ruột cũ. Ảnh: nongnghiep. |
Vinafood 2 cũng như nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa khác đều gặp phải là tình trạng vỏ mới ruột cũ. Thực tế sau cổ phần hóa, vốn của nhà nước vẫn chiếm đa số trong các công ty này. Cụ thể, Công ty Sông Hồng, vốn Nhà nước là 197,3 tỉ đồng (chiếm 73,2% vốn điều lệ), còn Vinafood 2 vốn nhà nước vẫn chiếm 51,43%.
Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng cổ phần hóa từ năm 2010, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh ngày càng đi xuống. Năm 2019, doanh nghiệp này lỗ gần 67 tỉ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 958 tỉ đồng. Trong năm 2018, Công ty thua lỗ khoảng 376 tỉ đồng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp muốn thoát lỗ thì phải có yếu tố ngoài nhà nước tham gia vào. Tuy nhiên, để khu vực ngoài nhà nước tham gia được vào quản trị doanh nghiệp thì nhà đầu tư phải nắm giữ được đa số cổ phần.
Cổ phần hóa từ năm 2010, nhưng vài năm nay kết quả sản xuất kinh doanh của Sông Hồng ngày càng đi xuống. Ảnh: tinnhanhchungkhoan. |
Khi cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước, để có thể thay đổi cấu trúc quản trị, hiệu quả sử dụng vốn tăng lên thì phải bán vốn để tư nhân chiếm đa số. Cũng theo thông tin thị trường, đến ngày 25.12 tới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức bán đấu giá hơn 13 triệu cổ phần vốn nhà nước của Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng (tương đương 49% vốn điều lệ) với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần, gấp 5 lần giá giao dịch trên sàn UPCoM.
Bao giờ cổ phần hóa hết doanh nghiệp vốn nhà nước?
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Yuanta, hệ quả của việc thoái vốn, cổ phần hóa là giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. “Mặc dù sau khi doanh nghiệp được cổ phần hóa, tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận có phần chậm lại, nhưng hoạt động thoái vốn giúp cho doanh nghiệp cải thiện về chất lượng tài chính khi tăng lợi nhuận được cải thiện đáng kể, nhất là sau 2 năm kể từ khi thoái vốn nhà nước”, báo cáo nhận định.
Tính đến nay, Hà Nội có 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), TP.HCM có 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty), Bộ Công Thương có 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty) và Bộ Xây dựng có 2 tổng công ty cần được thoái vốn trong năm 2020.
Về tình hình thoái vốn, trong tháng 7 vừa qua, có 10 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/2017 của Thủ tướng Chính phủ, với giá trị 260 tỉ đồng, thu về 678 tỉ đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỉ đồng, thu về 1.110 tỉ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 7.2020 là 25.630 tỉ đồng, thu về trên 172.800 tỉ đồng.
Đầu tháng 12, SCIC đã bán thành công toàn bộ vốn của mình tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFIEX) tại phiên đấu giá diễn ra vào ngày 3.12.
Tại cuộc họp gần đây, cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ tập trung sửa đổi các Nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Cuối năm 2019, Bộ Tài chính nhận định một trong số các nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa diễn ra chậm chạp là do các doanh nghiệp cần thời gian để kiểm kê tài sản, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý đất đai.
Theo đó, có một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, MobiFone, Argibank... hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm:
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ