Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp Việt tụt hậu trong chuỗi cung ứng so với khu vực

Thứ Ba | 09/06/2015 21:01

 
 
Theo bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam, đã đến lúc Việt Nam tham gia vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam là quốc gia được các đối tác phát triển đánh giá thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, song doanh nghiệp nội lại chưa tận dụng và tiếp thu được nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ từ khối ngoại; sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu chỉ bằng nửa so với các quốc gia trong khu vực.

Bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam, đã chỉ ra thực tiễn này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015, tổ chức tại Hà Nội ngày 9/6.

Theo bà Sherry Boger, năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam nhìn chung còn yếu để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp-FDI. 

Chỉ có 36% trên tổng số các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, trong khi con số này tại ở Malaysia và Thái Lan là gần 60%. Cũng chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, sự đóng góp của khối doanh nghiệp này trong kim ngạch xuất khẩu thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Bà Sherry Boger nhấn mạnh, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút FDI và hưởng lợi từ sự tăng trưởng xuất khẩu đáng kể từ khối FDI, song đã đến lúc Việt Nam cần có sự tăng trưởng và tham gia vào sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, khảo sát doanh nghiệp của VCCI trong tháng 4/2015 cũng chỉ ra, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể, khi gần 70% doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động có đến 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. 

“Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân trong nước,” ông Lộc thừa nhận.

Nguồn Vietnam+


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới