FDI Trung Quốc: Từ kem que đến xe điện
Dòng vốn FDI Trung Quốc tiếp tục đổ nhiều vào Việt Nam, đặc biệt có sự xuất hiện của nhiều tập đoàn quy mô quốc tế và sản phẩm công nghệ cao. Ảnh: TL.
Mixue, một thương hiệu trà sữa và kem Trung Quốc, đã mở hơn 1.000 cửa hàng tại thị trường Việt Nam. Bí quyết thành công của thương hiệu này là giá cả khi có thể bán kem và trà sữa với giá rẻ nhất thị trường. Mục tiêu của Mixue muốn chia lại thị phần trà sữa tại Việt Nam với quy mô hơn 360 triệu USD.
Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam không chỉ có kem và trà sữa mà còn kéo theo nhiều nhà đầu tư Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực.Nhìn từ góc độ dòng vốn FDI đăng ký mới, các hành lang thương mại Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc) đang cùng đóng góp đến 60% tổng vốn, trong khi năm 2022 chỉ chiếm 38%. Ngoài ra, tính đến nửa đầu năm 2024, gần 50% tổng số vốn đầu tư FDI đăng ký mới từ Singapore thực tế cũng bắt nguồn từ các khoản đầu tư của Trung Quốc và Đài Loan.
Trước hiện tượng này, ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, cho biết, dòng vốn từ thị trường Trung Quốc đại lục đang ngày càng tăng tốc. Điều này là nhờ sự tương đồng sâu sắc giữa 2 nền kinh tế, được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi và sắp xếp lại. Thương mại giữa 2 thị trường đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2007, Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong phân khúc hạ nguồn của chuỗi cung ứng sản xuất Trung Quốc.
Ở góc nhìn vĩ mô, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhìn nhận trước hết, Trung Quốc hiện là trung tâm của thương mại toàn cầu, nơi các biện pháp bảo hộ đang gia tăng. Khối lượng xuất khẩu hằng năm của Trung Quốc lên tới 3.500 tỉ USD, vượt xa Mỹ (2.000 tỉ USD) và Đức (1.700 tỉ USD).
Các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Các thị trường ASEAN thực ra được hưởng lợi từ việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giá rẻ từ Trung Quốc để trở nên cạnh tranh trên thị trường, từ đó đạt được vị thế thặng dư thương mại với các thị trường còn lại trên thế giới. Việt Nam là một ví dụ điển hình và là một trong những quốc gia hưởng lợi chính.
Thứ 2, dòng vốn đầu tư tăng cũng là phản ứng trước một thị trường nội địa đang tăng trưởng, nhờ tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong tổng dân số 100 triệu người, với độ tuổi tiếp cận các phương tiện truyền thông là 30 và lực lượng lao động chiếm tới 70% dân số.
Cuối cùng, các yếu tố cơ bản vẫn tiếp tục mạnh mẽ và hấp dẫn. Mức lương trong lĩnh vực sản xuất thấp hơn một nửa so với Trung Quốc đại lục và thấp thứ 2 trong ASEAN sau Philippines, giá điện thấp thứ 2 trong ASEAN chỉ sau Indonesia, giá dầu diesel thấp thứ 2 chỉ sau Malaysia.
Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện cả các hiệp định FTA song phương và khu vực. Chỉ số Hạn chế quy định đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thấy Việt Nam là nền kinh tế cởi mở nhất trong khu vực, chỉ sau Singapore, trong khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định là 20%, thể hiện lợi thế so sánh với các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia.
Vì thế, dòng vốn FDI Trung Quốc tiếp tục đổ nhiều vào Việt Nam, đặc biệt có sự xuất hiện của nhiều tập đoàn quy mô quốc tế và sản phẩm công nghệ cao. Đáng chú ý là các lĩnh vực công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng, năng lượng tái tạo, xe điện... Nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu USD, thậm chí lên tới tỉ USD từ Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam. Gần đây, Tập đoàn Chery có dự án xe điện Omoda và Jaecoo, vốn hơn 800 triệu USD. Thay vì chỉ nhập khẩu các mẫu xe về Việt Nam để kinh doanh, một số hãng ô tô Trung Quốc đã sẵn sàng đầu tư xây dựng nhà máy để biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng.
Giám đốc Tim Buckley của Climate Energy Finance (CEF) nhận định, Trung Quốc không chỉ đang xuất khẩu phần năng lực sản xuất công nghệ sạch dôi dư của nước này, mà còn xuất khẩu ngày càng nhiều công nghệ, kỹ thuật, chuỗi cung ứng và năng lực vốn. Theo đó, cơ hội mà làn sóng FDI Trung Quốc mang lại cho kinh tế Việt Nam là rất lớn. Với sự gia tăng mạnh mẽ dòng đầu tư của Trung Quốc vào sản xuất linh kiện, phụ tùng... sẽ giúp đáp ứng nhu cầu về linh phụ kiện của các nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối tại Việt Nam.
“Vốn FDI từ Trung Quốc đang tăng ở mức độ không thể xem nhẹ và ngang tầm với những nhà đầu tư toàn cầu như Mỹ và Nhật”, chuyên gia kinh tế Betty Wang của Oxford Economics nhận định. Tuy nhiên, ông Joon Suk Park cho rằng cơ hội từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu cũng mở ra cho nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam. Đối với Việt Nam, điều quan trọng nằm ở việc tiến lên phía trước và leo cao hơn nữa trong chuỗi giá trị gia tăng, cũng như để hoàn thiện các lĩnh vực giá trị gia tăng nội địa.
Xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng vẫn mạnh song Việt Nam vẫn tụt hậu trong phân khúc mạch tích hợp toàn cầu và không có đủ kỹ thuật viên lành nghề trong nước để thu hút đầu tư sản xuất công nghệ cao. Cũng trong các lĩnh vực khác bao gồm vận tải và hậu cần, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và chi phí hậu cần cao có thể gây áp lực lên các quyết định đầu tư.
Năng lượng xanh và hành trình chuyển đổi đòi hỏi tốc độ triển khai và số hóa hơn nữa để đơn giản hóa các quy trình thương mại, yếu tố này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh. Đồng thời, việc tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp lý bao quát hỗ trợ đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện duy trì nỗ lực của Việt Nam để tiếp nhận dòng đầu tư bền vững hiện tại và tương lai.
“Thông điệp rất rõ ràng và cơ hội càng rõ ràng hơn. Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng”, đại diện của HSBC nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
3 xu hướng chính của người tiêu dùng Việt trong năm 2025
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức