Hàng không "bay cao" nhờ khách quốc tế
Hình ảnh máy bay của các hãng hàng không tại sân bay. Ảnh: TL.
Sau khi kiểm soát thành công dịch COVID-19 trong quý I/2022, hàng không nội địa bắt đầu phục hồi từ tháng 4/2022 và đã vượt qua mức trước đại dịch kể từ tháng 5/2022 nhờ nhu cầu du lịch trong nước phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Do lượng khách nội địa trong quý III/2021 đạt mức thấp do dịch bệnh bùng phát mạnh trên toàn quốc, lưu lượng hành khách nội địa trong quý III/2022 tăng 87 lần so với cùng kỳ, tương đương 154,7% trước đại dịch, lượng hành khách nội địa 9 tháng đầu năm 2022 tăng 164,6% so với cùng kỳ, tương đương 122,9 % trước đại dịch.
Bên cạnh du lịch nội địa, hàng không quốc tế cũng đang được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Theo đánh giá của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá khi khách quốc tế tăng trở lại thì biên lợi nhuận của ngành hàng không thu được từ các chuyến bay nước ngoài sẽ cao hơn so với chuyến bay nội địa. Chưa kể bối cảnh là giá xăng dầu thế giới đang ở xu hướng giảm khá là mạnh và thậm chí cả những cái người gọi là “bull” nhất thị trường là Goldman Sachs cuối cùng cũng phải là giảm mức dự báo của giá dầu xuống liên tục trong thời gian vừa qua.
“Về ngành hàng không nói chung là khá tốt, bởi vì "miếng mồi" ngon nhất là phần khách du lịch nước ngoài có thể tăng trưởng rất là mạnh. Tuy nhiên, với từng doanh nghiệp cụ thể thì tôi nghĩ rằng các bạn cũng phải theo dõi thêm, còn nếu về ngành chung thì tôi nghĩ là triển vọng khá là tốt cho năm sau”, ông Hưng nói.
Hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách và điều này sẽ hỗ trợ cho nhu cầu du lịch quốc tế. Sản lượng khách quốc tế đã tăng 35 lần trong quý III/2022 và phục hồi bằng 49,8% trước dịch. Trong kịch bản cơ sở, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần gỡ bỏ hạn chế du lịch kể từ quý II/2023. Sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023, giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với cùng kỳ trong năm 2023. Ngoài ra, sản lượng khách nội địa dự báo tăng 231% so với cùng kỳ trong 2022 (tăng 30,9% so với mức 2019) và tăng trưởng kép 8,9% giai đoạn 2023-2025.
VNDirect đánh giá, có độ tương quan cao với hàng không quốc tế, bán lẻ hàng không sẽ là ngành hưởng lợi nhất khi sản lượng khách quốc tế phục hồi. “Chúng tôi ưa thích mô hình bán lẻ hàng không nhờ rào cản gia nhập ngành cao cùng biên lợi nhuận vượt trội”, VNDirect nhìn nhận.
Với cảng hàng không, tăng trưởng tương đối vững chắc nhưng có thể bị thu hẹp trong năm 2024 do công suất bị hạn chế. Triển vọng tăng trưởng của các hãng hàng không bị hạn chế bởi chi phí nhiên liệu cao, biến động tỉ giá và lãi suất tăng. Tuy nhiên, VNDirect cho biết họ vẫn ưa thích mô hình hàng không giá rẻ hơn hàng không truyền thống do nó ít bị biến động trong môi trường tài chính không ổn định cùng chi phí nhiên liệu cao.
Mặc dù có nhiều tín hiệu khởi sắc, song VNDirect đánh giá ngành hàng không có thể chịu ảnh hưởng và tác động từ 3 yếu tố, bao gồm: (1) Giá nhiên liệu cao hơn dự kiến dẫn đến chi phí vận hành của các hãng hàng không cao hơn, có thể làm tăng giá vé và giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, (2) Du lịch song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc khó phục hồi như trước đại dịch do chính sách Zero-Covid, và (3) Tỉ giá USD/VND cao hơn dự kiến và lãi suất USD tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không bằng USD trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Hàng Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ đạt 100 tỉ USD
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Quyên Nhi