Hủy
Kinh Doanh

Hàng vô siêu thị phải lụy đủ đường?

Thứ Bảy | 04/06/2016 07:59

 
 
Doanh nghiệp than phiền muốn đưa hàng vào siêu thị phải lót tay.

Để hàng vào được siêu thị, các doanh nghiệp (DN) chấp nhận phải trả chiết khấu cao và ngày càng tăng mạnh. Xuất phát điểm chiết khấu cho siêu thị 5%, mỗi năm tăng thêm 1% và hiện có DN phải chịu mức chiết khấu đến 30%.

Đây là thông tin do bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Saigon Food, đưa ra tại hội thảo “Giải pháp cho thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển bền vững” do Hiệp hội DN TP.HCM tổ chức ngày 3-6.

Không lót tay, hàng bị nhét vào góc (?)

Bà Lâm dẫn số liệu thống kê của các nhà cung cấp hàng cho siêu thị thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy tổng chiết khấu của các hệ thống bán lẻ Việt Nam cao nhất là 10% trên giá bán, trong khi của hệ thống bán lẻ nước ngoài 10%-30%. Trong lúc DN đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, để đạt được lợi nhuận vài % đã là khó nhưng phải chịu chiết khấu quá cao là không hợp lý.

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do hệ thống bán lẻ dù phát triển khá mạnh nhưng so với nhu cầu của DN là không đủ. Từ đó dẫn đến quyền lực của hệ thống bán lẻ quá lớn, nói cách khác siêu thị “độc quyền” khiến DN gặp khó khăn. Nếu DN này rút hàng ra khỏi siêu thị thì lập tức sẽ có nhiều đơn vị khác nhảy vào lấp chỗ. Chính vì vậy mối quan hệ hiện nay giữa DN với siêu thị không phải là đối tác mà quan hệ gần như “xin-cho”” - bà Lâm phân tích.

Còn ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, phân tích ngoài chiết khấu, các nhà cung cấp hàng cho siêu thị phải bỏ ra nhiều khoản phí không chính thức cho nhân viên một số siêu thị. Chẳng hạn muốn mở mã hàng thì ngoài khoản phí theo quy định của hệ thống siêu thị, DN phải lót tay từ 10 đến 20 triệu đồng/mã hàng cho riêng nhân viên bộ phận này. Các công đoạn tiếp theo cũng đều phải lót tay cho các bộ phận hoặc cá nhân phụ trách trực tiếp như đặt hàng, đưa hàng lên quầy kệ.

“Ngay cả nhân viên nhập hàng cũng phải lót tay nếu không muốn đường đi của hàng hóa đến tay người tiêu dùng gặp trở ngại. Nếu không lót tay cho nhân viên quầy kệ thì hàng bị nhét trong góc, không thể bán được” - ông Hưng nêu thực trạng.

Cũng theo ông Hưng, khi các kênh phân phối thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới, nhà cung cấp phải hỗ trợ phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán 15%-30%, thời gian 10-30 ngày và mỗi năm 1-3 lần.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica, nêu thực trạng trong mối quan hệ giữa DN và kênh bán lẻ hiện đại, DN hoàn toàn ở thế yếu. Ví dụ DN không được điều chỉnh bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng với siêu thị.

Ông Chiến nói: “DN khi đưa hàng vào siêu thị chỉ mong hòa vốn, chứ lãi thì không có vì chi phí lớn. Chính vì lý do này nhiều công ty lớn, có thương hiệu đã rút hàng ra khỏi siêu thị ngoại”.

Tí hon đấu với khổng lồ sẽ thiệt

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho hay hầu hết DN Việt là vừa và nhỏ, siêu nhỏ nhưng hầu như từng đơn vị tự lo, mạnh ai nấy làm từ khâu sản xuất đến phân phối bán hàng cho siêu thị.

Nói thêm về thực trạng này, bà Lê Thị Thanh Lâm cho rằng tiềm lực, kinh nghiệm của hệ thống siêu thị ngoại quá lớn trong khi công ty Việt lại hoạt động rời rạc. Hệ quả là một công ty siêu nhỏ đến đàm phán với “ông siêu thị khổng lồ” thì không đủ bản lĩnh.

“Với cách làm này, phải chăng DN chúng ta đang “tiếp tay” cho siêu thị ngoại? Trong khi đó nhà bán lẻ nội thì năm năm qua chưa thấy tổ chức hội nghị nào để lắng nghe DN, để biết họ đang cần gì. Chúng tôi thấy rất đau lòng” - bà Lâm bức xúc.

Để khắc phục những bất cập trên cũng như không phải lệ thuộc quá lớn vào siêu thị, ông Chiến hiến kế các DN cùng ngành hàng cần bắt tay nhau để mở hệ thống bán lẻ truyền thống riêng. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp khác để bán các sản phẩm. Nếu làm được điều này thì DN có thể kiểm soát được hệ thống phân phối, khả năng bán hàng, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng” - ông Chiến chia sẻ.

Đứng dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Coop, cho rằng vấn đề mấu chốt của nhà cung cấp khi đưa sản phẩm vào siêu thị là sản phẩm phải có chất lượng, có sự khác biệt và được sự chấp nhận của khách hàng.

Ông Hòa nhấn mạnh: “Tôi nhận thấy nếu DN tạo ra các sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng thì kênh phân phối nào cũng cần. Sản phẩm có tốc độ phủ thị trường tốt, khách hàng vào siêu thị ai cũng hỏi mua thì không có nhà bán lẻ nào lại không bán sản phẩm của DN”.

Ông Hòa cũng chỉ ra rằng trong bối cảnh hiện nay nếu chỉ dựa vào một kênh phân phối thì chắc chắn sẽ gặp nhiều sức ép. Khi nhà sản xuất phát triển đồng bộ các kênh phân phối, đi bằng cả hai chân thì sẽ không gặp khó khăn.

“Bên cạnh đó, bản thân các nhà bán lẻ nội cũng phải nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối, liên kết lại với nhau. Chẳng hạn Saigon Coop hợp tác với Satra để cộng hưởng nguồn lực tài chính và năng lực quản trị. Qua đó có thể phát triển nhanh, đủ lực mua lại các hệ thống siêu thị khác và hỗ trợ DN” - ông Hòa gợi ý.

Sân chơi của doanh nghiệp ngoại

Thị phần ngành hàng tiêu dùng của DN Việt Nam hiện chiếm 47%, DN nước ngoài 53%. Riêng ở phân khúc cửa hàng tiện ích chủ yếu ở TP.HCM với hơn 800 cửa hàng, doanh thu 4.000 tỉ đồng/năm. Phân khúc này không phải là sân chơi của DN Việt mà là của nước ngoài.

Để không bị siêu thị chèn ép, thời gian qua Câu lạc bộ Hàng nội địa thuộc VASEP đã liên kết lại với nhau khi đưa hàng vào siêu thị và có hiệu quả. Theo đó, các DN thống nhất đưa ra một mức phí chung để đàm phán với siêu thị, từ đó giảm được một số chi phí bất hợp lý. Đáng tiếc là mô hình này còn quá hiếm hoi.

Kiến nghị Nhà nước nhanh chóng triển khai đề án phát triển hệ thống bán lẻ Việt Nam. Tăng cường kiểm tra thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử, gây sức ép, lợi dụng ưu thế thị phần lớn để chèn ép DN khác.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA,
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM

Nguồn PLO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới