Hiệp định EVFTA: Thuốc thần hay thuốc thử?
Ảnh: Quý Hòa.
Niềm hân hoan về kết quả sau 7 năm đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) hoàn toàn có thể hiểu được. Một con đường thênh thang cho hàng hóa từ Việt Nam tràn vào thị trường châu Âu khi lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm lên tới 99,7%, 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại sẽ áp dụng thuế 0% trong hạn ngạch.
Trên bình diện quốc tế, EVFTA sẽ tăng độ mở của nền kinh tế Việt Nam thêm nữa. Đặc biệt, trong những tình huống đụng độ thương mại giữa các cường quốc thì sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh hơn. Nếu tận dụng tốt cơ hội, tính toán về việc EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (2019-2023), 4,57-5,30% (2024-2028) và 7,07-7,72% (2029-2033) có thể vẫn còn là khiêm tốn. Vì thế, theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) đã mô tả EVFTA là “thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất mà khối này từng ký với một nước đang phát triển”.
Tiếc là, viễn cảnh tươi đẹp này chỉ có thể thành hiện thực trong dài hạn. Ngoại biệt duy nhất nằm ở nhóm ngành nông, thủy, hải sản. Kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU chiếm đến 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam nhưng với những ưu đãi về thuế với nhiều mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra… sau EVFTA, con số được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh. Nhìn từ khía cạnh lạc quan, những quy chuẩn chặt chẽ hơn về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch động thực vật, đặc biệt là cảnh báo về chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo (IUU), thẻ vàng đang được tạm hoãn thi hành cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiến tới trình độ tổ chức sản xuất cao hơn và đáp ứng được thị trường EU tức là đáp ứng được hầu hết các thị trường trên thế giới.
Ngoài ra, nhóm hàng nông lâm thủy sản, đối với doanh nghiệp Việt Nam, trước mắt sẽ là những khó khăn không nhỏ. Đáng kể nhất, việc phải san sẻ thị trường 100 triệu dân với những người khổng lồ đến từ các nền kinh tế phát triển sẽ là thách thức lớn.
Nhiệm vụ nói trên vẫn có thể khả thi với điều kiện người Việt phải nỗ lực gấp nhiều lần hiện tại. Lý do rất đơn giản, cũng như các FTA khác, EVFTA sẽ hỗ trợ đặc biệt cho xuất khẩu mà trong nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp FDI đang chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Tính riêng thị trường châu Âu, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 41,88 tỉ USD, tăng 9,42% so với năm 2017.
Thế nhưng, nhóm các mặt hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam là dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép mà khối FDI luôn chiếm lần lượt hơn 70%, hơn 90%, gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sang các thị trường. Khi doanh nghiệp FDI mạnh hơn mà lại không vướng ràng buộc hỗ trợ nhóm doanh nghiệp trong nước, cơ hội để tồn tại, phát triển của nhóm yếu thế sẽ càng giảm bớt.
Rõ ràng, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nước đang là một rủi ro lớn, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam có thể đạt được từ các hiệp định vừa ký với EU. Ông Lê Kỳ Anh, chuyên gia kinh tế của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nói rằng phía EU thực sự lo lắng về con số 70% doanh nghiệp không biết về EVFTA mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ vài ngày trước lễ ký EVFTA và EVIPA.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thừa nhận những khó khăn của doanh nghiệp trong tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này khi năng lực tài chính, quản trị đều ở mức rất thấp. Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng thứ hạng cuối trong bảng xếp hạng Thẻ điểm quản trị công ty (ACGS), trong khi ACGS 2017 ghi nhận các công ty niêm yết của Việt Nam chỉ đạt mức điểm trung bình là 41,3 trên thang điểm 130.
Tất nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội sửa điểm yếu. Dòng FDI từ EVFTA có thể là một đối trọng với nhóm doanh nghiệp FDI truyền thống và nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm nhiều quyền lựa chọn. Như gợi ý của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi trao đổi với NCĐT “chúng ta trải thảm đỏ với doanh nghiệp nước ngoài nhưng phải có các điều kiện ràng buộc, ví dụ cam kết giúp doanh nghiệp trong nước bắt kịp công nghệ và trình độ sản xuất tiên tiến”.
Mặt khác, cơ hội được nhập khẩu nhiều dòng máy móc, thiết bị tốt hơn với giá rẻ hơn do được miễn giảm thuế quan sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt thoát khỏi vòng luẩn quẩn công nghệ cũ lạc hậu dẫn đến giá thành sản xuất cao và không thể cạnh tranh.
Về lâu dài, cải tổ cơ cấu nền kinh tế, trong đó, kinh tế tư nhân là động lực và có nội lực là con đường duy nhất giúp Việt Nam hưởng lợi được nhiều nhất từ EVFTA nói riêng và các hiệp định thương mại tự do nói chung. Và đó cũng là con đường sáng nhất để nâng cao trình độ của nền kinh tế Việt Nam, từ một nền kinh tế gia công thành một nền kinh tế dựa trên công nghệ cao, rõ ràng hơn cho mục tiêu hướng đến một nước có nền công nghiệp phát triển hoặc một nước phát triển.
► Tác động của EVFTA dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
► Hiệp định EVFTA: Tăng cơ hội, thêm thách thức
► Chuyên gia Thái Lan lo sản xuất sẽ dịch chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam vì EVFTA và EVIPA
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Minh Đức
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam