Hủy
Kinh Doanh

Insurtech “phá bĩnh” bảo hiểm

Ngọc Thuỷ Thứ Ba | 27/04/2021 13:30

Theo Vietnam Fintech Report 2020, 3 năm gần đây, Việt Nam đã đón thêm nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực Insurtech (công nghệ bảo hiểm). Ảnh: TL

 
 
Hàng chục startup tham gia mảng Insurtech, tạo nên một đợt sóng mới trong thị trường bảo hiểm.

Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam là nước có tỉ lệ người dùng internet mới cao nhất Đông Nam Á, với tỉ lệ người dùng internet hiện tại đã xấp xỉ 70% dân số. Ở nhiều ngành nghề đã có sự chạy đua ứng dụng công nghệ làm thay đổi cách thức kinh doanh. Ngành bảo hiểm cũng cần định hình lại trong cách cá nhân hóa sản phẩm, phân phối, xử lý bồi thường... cho phù hợp với xu hướng và nhu cầu mới. Vì thế, theo Vietnam Fintech Report 2020, 3 năm gần đây, Việt Nam đã đón thêm nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực Insurtech (công nghệ bảo hiểm).

Ông Vương Việt Linh, Giám đốc Công ty Bảo hiểm tài chính Trực tuyến Việt Nam (VIFO), cho biết thêm, dù còn mới mẻ, Insurtech là lĩnh vực hấp dẫn người chơi. Có thể kể ra các tên tuổi như TheBank, TopBank.vn, SmartBuddy, eBaohiem, Bihama, Go (mảng web so sánh);  Bolttech, Global Safe, PasarPolis, Inso, Ezin, Wicare, Miin (mảng sản phẩm đột phá). Riêng Qoala, Global Care, Eroscare, SaveMoney nổi bật trong mảng đại lý bảo hiểm công nghệ. Papaya, 9Lives thì tham gia vào mảng dịch vụ hỗ trợ. VIFO, Igloo, Inso, Baohiem 365, Opes, Lian, Hippo, Lemonade...cũng rất đình đám trên thị trường.

Igloo đến nay đã bán 100 triệu hợp đồng bảo hiểm ở Singapore, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. 9Lives (Hàn Quốc) cung cấp một nền tảng bảo hiểm trị giá nhỏ thông minh, hướng tới tầng lớp trung lưu. PasarPolis (Singapore) đã thu hút 30 triệu người mua bảo hiểm thông qua cổng của mình. Mới đây, PasarPolis đã gọi được 5 triệu USD vốn đầu tư.

Ông Wei Zhu, sáng lập kiêm CEO Igloo, nhận định Việt Nam là thị trường “tăng trưởng khổng lồ” với dân số trẻ, thích công nghệ và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Thực tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam dù đi sau các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore nhưng đang trong giai đoạn phát triển và bùng nổ.

 

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng phí bảo hiểm các công ty bảo hiểm thu trong năm 2020 đạt 160.000 tỉ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Những năm sắp tới, thị trường bảo hiểm được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh và Insurtech sẽ bùng nổ vì chưa tới 10% dân số có bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, Việt Nam tuy có dân số gần 96 triệu người và số lượng đại lý bảo hiểm lên tới con số 790.000 vượt trội hơn Singapore, Anh nhưng tỉ lệ hợp đồng trên đại lý lại rất thấp, chỉ 15 hợp đồng/đại lý so với con số 1.081 của Anh và 710 của Singapore (theo số liệu trong hội thảo về bảo hiểm do Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức giữa tháng 4).

Trong bức tranh đó, các doanh nghiệp nội địa đã không đứng ngoài cuộc chơi. Thị trường Insurtech ghi nhận một số tên tuổi đáng chú ý như Papaya. Đây là startup cung cấp giải pháp phục vụ phúc lợi nhân viên và đã có 2 hợp đồng với FWD và Bảo Minh.

Còn Inso cung cấp ứng dụng di động cho phép người dùng chọn gói bảo hiểm (từ bảo hiểm xe, y tế, nhà, tài sản đến trễ chuyến bay) dựa trên yêu cầu và thực hiện yêu cầu bồi thường. Miin tập trung vào mảng bảo hiểm vi mô. Sau hơn 2 năm ra mắt, ứng dụng này có hơn 100.000 khách hàng và đã bán trên 680.000 gói bảo hiểm. Inso và Miin đều hợp tác với Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (PTI).

Bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc PTI Digital, cho biết, những thay đổi này được PTI thực hiện trong bối cảnh thị trường bảo hiểm số năm 2020 đã tăng trưởng nhiều hơn 2 con số và dịch COVID-19 ngoài các tác động tiêu cực cũng đã mở ra những cơ hội chưa từng có cho thị trường bảo hiểm trực tuyến.
 

 

Thực tế, Insurtech đang ứng dụng mạnh ở ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Còn với bảo hiểm nhân thọ, như đánh giá của ông Nguyễn Quang Trung (Bill), Phó Tổng Giám đốc Công nghệ Thông tin AIA Việt Nam, “tốc độ phát triển còn tương đối chậm”. Dù vậy, AIA Việt Nam cũng đã ứng dụng công nghệ Chatbox cho phần nội bộ để hỗ trợ quá trình bán hàng hay bộ phận nhân sự. Chatbox cũng là cách Prudential Việt Nam sử dụng, bên cạnh công cụ Matchbook và thanh toán trực tuyến ePrudential. Riêng Bảo Việt triển khai ứng dụng riêng (App Baoviet Direct) và kết hợp với MoMo, Face Workplace để kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tập trung sử dụng Insurtech để phát triển sản phẩm và kết nối khách hàng, thì các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam lại sử dụng Insurtech để gia tăng hiệu quả phân phối sản phẩm. 

Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam là nước có tỉ lệ người dùng internet mới cao nhất Đông Nam Á, với tỉ lệ người dùng internet hiện tại đã xấp xỉ 70% dân số.
Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam là nước có tỉ lệ người dùng internet mới cao nhất Đông Nam Á, với tỉ lệ người dùng internet hiện tại đã xấp xỉ 70% dân số.

Dù vì mục đích gì, theo ông Vương Việt Linh, thuộc VIFO, Insurtech không chỉ là câu chuyện công nghệ. Nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố: con người (nhân tài mới, tư duy sáng tạo, khả năng hợp tác), công nghệ (trung tâm khách hàng, mô hình kinh doanh hiệu quả, nhanh nhạy) và chương trình (dữ liệu, giá trị). Trong đó, tư duy và sáng tạo các trải nghiệm khách hàng là rất quan trọng. Ngoài ra, Insurtech đòi hỏi các hãng phải ứng dụng những cải tiến và sáng kiến công nghệ để mô hình được hiệu quả hơn như sử dụng phân tích dữ liệu (Data Analytics), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (như Chatbox), số hóa (Digitization), Blockchain (SmartConnect), ứng dụng IoT. 

Rõ ràng, thách thức là không nhỏ nhưng Insurtech được đánh giá là xu hướng tất yếu. Đây sẽ là mảng tiềm năng cho các công ty có nhiều lợi thế về tài chính, công nghệ và nhân lực chất lượng cao.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới