Kho LPG chờ thêm dòng tiền
Ảnh: petrocons.vn
Mắt xích quan trọng
Kho chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG hay còn gọi là gas) mới tại DEEP C Quảng Ninh II sẽ trở thành “một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam”, đáp ứng yêu cầu mở rộng khả năng lưu trữ sản phẩm dầu mỏ của Chính phủ Việt Nam, ông Koen Soenens, Tổng Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị, Khu Công nghiệp DEEP C, chia sẻ với NCĐT. Kế hoạch khởi công xây dựng kho chứa LPG lạnh, quy mô 800.000 tấn đã được E1 thuộc Tập đoàn LS Hàn Quốc và Công ty Hóa dầu Yên Hưng tại Việt Nam ước định trong quý IV năm nay, sẽ vận hành thương mại vào năm 2026.
Tháng 9/2022, E1 đã mua 50% cổ phần Công ty Hóa dầu Yên Hưng để chuẩn bị cho việc xây dựng kho khí LPG Bắc Tiền Phong. Khi nhà nhập khẩu và phân phối khí LPG danh tiếng E1 bắt đầu để ý tới lĩnh vực kho cảng LPG Việt Nam, trong nước chỉ có duy nhất kho chứa LPG lạnh Thị Vải, quy mô 60.000 tấn được Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đưa vào vận hành năm 2013.
Trao đổi với NCĐT, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công Nghiệp, Savills Việt Nam, cho biết nhu cầu LPG đã làm tăng sự hiện diện của một số dự án lớn tại các khu công nghiệp như Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, kho LGP tại Đình Vũ - Hải Phòng, mới nhất là DEEP C ở Quảng Ninh. Xu thế này dự kiến ngày một nhiều tại các khu công nghiệp, đặc biệt tại những vị trí gần cảng biển và tập trung vào nguồn cung cấp khí đốt cho các doanh nghiệp sản xuất.
Cũng theo ông Campbell, sự dịch chuyển của các mô hình kho vận từ khu vực kinh tế phía Nam lên phía Bắc mở ra những cơ hội mới tại khu vực này. “Giá đất và thuê đất tại khu vực phía Nam đang ở mức cao trong tương quan với thị trường phía Bắc, việc các nhà đầu tư tập trung vào miền Bắc là điều dễ hiểu, họ có thể dễ dàng thu được lợi nhuận từ việc cho thuê”, ông nói.
Thế nhưng, không phải mọi việc đều thuận lợi khi đầu tư kho chứa LPG. “Vị trí đang là một trong những thách thức lớn nhất, bên cạnh thời gian và vốn đầu tư lớn”, ông Campbell nhận định. Các dự án này sẽ có hiệu quả hơn nếu được đặt gần các cảng lớn, cảng nước sâu như Cái Mép - Thị Vải hay Lạch Huyện tại Hải Phòng.
Khu vực Đông Nam Á đang thiếu các kho lưu trữ LPG quy mô lớn và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo Bộ Công Thương, hệ thống kho chứa LPG được phân bổ trên 53/63 tỉnh, thành. Ngoài kho chứa LPG lạnh Thị Vải được đầu tư hiện đại, cả nước có khoảng 30 kho LPG đầu mối, nhưng năng lực nhập hàng hạn chế do sức chứa chỉ từ 500-4.000 tấn/kho, thậm chí kho PV GAS tại Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng, công suất chỉ 2.000 tấn/năm, kho LPG tại Trà Nóc, thành phố Cần Thơ có công suất 1.500 tấn/năm.
Hiện nay, nhu cầu LPG của Việt Nam phụ thuộc từ 62-65% vào nguồn nhập khẩu, nhưng chưa có quy định ràng buộc về nghĩa vụ nhập khẩu, dự trữ và lưu thông LPG. Năm 2023 thị trường kinh doanh khí hóa lỏng LPG có sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn cung, giá LPG biến động và khó dự đoán. Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến các nhà đầu tư hạ tầng như kho cảng, hệ thống trạm chiết và phân phối.
Tiếp tục thiếu kho chứa
Tình trạng thiếu kho chứa LPG quy mô lớn có thể vẫn tiếp diễn khi Chính phủ thúc đẩy kế hoạch mở rộng khả năng lưu trữ dầu thô và sản phẩm dầu mỏ nhằm ổn định cơ sở hạ tầng dầu mỏ thương mại. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương, cho rằng hạ tầng lưu trữ LPG cần đạt quy mô 3,5-4 triệu tấn/năm vào năm 2025, tiếp tục tăng lên 4,5-5 triệu tấn/năm vào năm 2035, mới có thể đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cũng nhận định sức chứa của hệ thống kho LPG còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có 10 kho có dung tích từ 10.000 m3 trở lên. Trong khi đó, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, tiến tới đạt 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng Quốc tế.
Việt Nam đang cần khoảng 270.000 tỉ đồng để phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ khí đốt đến năm 2030 theo quy hoạch của Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng đầu tư kho LPG mới từ các nhà đầu tư trong nước không lớn. PV GAS, một công ty chiếm gần 70% thị phần nội địa, có nguồn cung hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn khí nội địa vốn đang suy giảm rất nhanh, trong khi nguồn khí mới có giá thành cao, đang có nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển chuỗi trung và hạ nguồn. Bên cạnh đó, đầu ra của PV GAS phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ khí cho phát điện, đang có xu hướng giảm dần, khiến quy mô của PV GAS đứng trước nguy cơ bị thu hẹp đáng kể với tốc độ sụt giảm nhanh và biên độ ngày càng sâu qua từng năm.
Nhiều dự báo mới nhất đều cho thấy nhu cầu LPG sẽ khó có thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2024, nhưng vẫn có sự tăng trưởng nhẹ và tích cực hơn so với năm 2023. Mặt khác, những chính sách của Chính phủ liên quan đến hạ tầng năng lượng cũng sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư bỏ vốn vào những dự án kho LPG tại Việt Nam.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư