Không cần Mỹ, TPP vẫn tiếp tục tiến tới
biv.com
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn tiếp tục tồn tại. Mặc dù Mỹ đã rút khỏi hiệp ước này hồi đầu năm nay, 11 thành viên còn lại vẫn đang cố gắng duy trì TPP, vì có nhiều lý do chính đáng. Ngay cả khi không có nền kinh tế lớn nhất thế giới, TPP vẫn mang lại những lợi ích hữu hình cho các thành viên còn lại. Quan trọng hơn, nó giúp duy trì đà tự do hoá thương mại, đặt ra các tiêu chuẩn mới cho các vấn đề quan trọng như quyền sở hữu trí tuệ, và có thể là bước đệm cho một khu vực mậu dịch tự do lớn hơn nếu được mở rộng trong tương lai. Đối với một khu vực được xây dựng trên thương mại như Thái Bình Dương, TPP mang lại nhiều hy vọng lớn.
Những trở ngại vẫn còn đó. Các nước tham gia TPP có nền kinh tế rất khác nhau, từ các nhà xuất khẩu hàng hoá như Brunei, Peru, Canada, Chilê, New Zealand và Australia, trung tâm dịch vụ như Singapore, cho đến các nhà sản xuất công nghiệp như Mexico, Nhật Bản, Việt Nam và Malaysia. Mức độ phát triển của họ cũng rất khác nhau, từ những nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 2.000 USD đến mức hơn 50.000 USD của Singapore. Sự khác biệt này đồng thời cũng là sức mạnh của TPP: sự bổ trợ cho nhau sẽ mang lại lợi ích cho tất cả, điều mà những nền kinh tế đơn lẻ không tự làm được.
Sau vài tháng “nguôi ngoai” về tin tức Mỹ rút khỏi hiệp định, 11 thành viên còn lại trong TPP đang trở lại đàm phán. Tiến độ tương đối nhanh, vì những phần khó khăn nhất đã được chốt lại trong những năm trước đó. Việc điều chỉnh lại TPP cho một nhóm thành viên nhỏ hơn cũng dễ dàng hơn so với dự kiến ban đầu. Mỹ là một nước quan trọng, nhưng lúc đàm phán họ đã đưa ra rất ít nhượng bộ, và do đó các nước còn lại cũng không có gì nhiều để hối tiếc. Các bộ trưởng các nước thành viên TPP dự kiến sẽ gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 sắp tới tại Việt Nam, với hy vọng rằng có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Các đại biểu tham dự buổi khai mạc cuộc họp các nhà lãnh đạo TPP tại Sydney vào cuối tháng 8. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, vẫn còn đó một số trở ngại. Tại Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi một cuộc bầu cử vào ngày 22/10. Chính phủ của ông đã cam kết ủng hộ TPP mạnh mẽ, nhưng nếu Abe bị thất thế trong cuộc bầu cử sắp tới thì điều này có thể làm phức tạp quá trình phê chuẩn TPP.
Trong khi đó, tại New Zealand, kết quả bầu cử sít sao gần đây gần đây có thể làm suy yếu cam kết của nước này, hoặc dẫn tới việc bổ sung các quy định gây nhiều tranh cãi hơn, như hạn chế người nước ngoài mua bất động sản.
Việt Nam cũng đã lên tiếng về các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho dược phẩm, vốn là một phần của thỏa thuận TPP ban đầu. Malaysia cũng có vẻ đang suy nghĩ lại về TPP, nhất là khi nước này đã từ lâu quan ngại về các quy định của TPP về mua sắm công và các doanh nghiệp nhà nước, và nước này cũng đang sắp có bầu cử.
Ở phía bên kia Thái Bình Dương, mọi việc cũng không dễ dàng chút nào. Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hiện đang được đàm phán lại, tạo ra thêm những thách thức đối với Canada và Mexico.
Thời hạn đầy tham vọng
Mục tiêu đạt được thỏa thuận TPP vào tháng 11 vì thế có thể không thành hiện thực. Chủ nghĩa bảo hộ có thể là một nguy cơ gia tăng trên toàn thế giới, nhưng hầu hết các thành viên TPP vẫn tỏ ra sẵn sàng duy trì tự do thương mại. Nhật Bản đang dẫn đầu quá trình này, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất trong khối.
Do mọi thỏa thuận thương mại lớn đều đòi hỏi một nền kinh tế chủ chốt sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ đủ hấp dẫn để thu hút các thành viên khác. Vì thế, cuộc bầu cử sắp tới tại Nhật Bản sẽ ảnh hưởng khá lớn đến sự thành bại của TPP phiên bản mới.
Tuy nhiên, có thể thấy được lợi ích kinh tế của TPP sẽ không dừng lại ở các nước thành viên. Thứ nhất, TPP có thể là khuôn mẫu cho một thỏa thuận tự do thương mại hiện đại, với hiệu lực vượt qua phạm vi của các hiệp định truyền thống thông qua các quy định về công nghệ, mua sắm công, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, môi trường và quyền lợi người lao động.
Nếu TPP thất bại, quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu có thể bị khựng lại. Nhưng nếu TPP thành công, nó có thể giúp làm dịu bớt phần nào sự phản kháng đối với tự do thương mại. Chắc chắn là TPP không phải một lựa chọn hoàn hảo, và nó chưa thể giải quyết tất cả những thách thức mà tự do thương mại đem lại. Nhưng TPP là bước tiến dẫn tới một khuôn khổ vững chắc hơn và có thể được mở rộng theo thời gian để thích nghi tốt hơn với tình hình thực tế.
TPP cũng không phải là một câu lạc bộ chỉ dành cho thiểu số. Hiệp định này vẫn chào đón các quốc gia khác, kể cả nước Mỹ (nếu nước này quyết định quay trở lại). Ở Châu Á, có thể Trung Quốc cũng sẽ tham gia TPP. Trung Quốc hiện đang nỗ lực để xây dựng một hiệp định tự do thương mại khác ở Châu Á là RCEP. Tuy nhiên, do có nhiều nước tham gia cả RCEP và TPP, nên trong những năm tới có thể xảy ra sự sáp nhập giữa 2 hiệp định này. Khả năng này sẽ được củng cố nếu TPP trở thành một khuôn mẫu hiệu quả.
Lê Trang
Nguồn Nikkei
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ