Khuyến nghị giảm sự phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài
Trong văn bản gửi về Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 3/12 tới đây, Nhóm công tác Thương mại và Đầu tư đã có những kiến nghị nhằm giải quyết các vướng mắc, rào cản trong thương mại và đầu tư liên quan tới Luật Doanh nghiệp và Đầu tư.
Trước đó, hồi cuối tháng 9, Nhóm công tác đã có hai cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và rất nhiều cơ quan hữu quan về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Theo tổ công tác, mặc dù hai luật này không được dự kiến sửa đổi cho đến cuối năm 2013, nhưng cũng cần lưu ý tới một số vấn đề.
Đầu tiên là vấn đề về sắp xếp lại các thủ tục đăng ký và chấp thuận cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để giảm sự phân biệt đối xử và nâng cao hiệu quả tổng thể. Một trong những ý tưởng là loại bỏ sự phân biệt của việc chỉ sử dụng Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cấp cho tất cả mọi người một mẫu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thống nhất;
Một vấn đề khác cần lưu ý là sự tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các quy tắc điều chỉnh chào bán riêng lẻ, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và các nhà đầu tư quản lý danh mục đầu tư; Cần có các thủ tục mới để giải quyết các tình huống phổ biến mà buộc phải đình chỉ và chấm dứt các dự án đầu tư;
Bên cạnh đó, chế độ ưu đãi đầu tư cần phải được cập nhật cho phù hợp với tình hình quốc tế đối với các ngành công nghiệp chẳng hạn như các dự án điện tử và năng lượng thay thế có giá trị gia tăng cao, các dự án nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực, trong số những dự án khác.
Đồng thời, Nhóm công tác cũng lưu ý xem các cam kết WTO là "sàn, chứ không phải là trần".
Ngoài ra, cũng có một số những kiến nghị thực tế đối với việc cập nhật các quy định hướng dẫn thi hành để phản ánh kinh nghiệm trong 7 năm qua. Bao gồm: Sự cần thiết phải làm rõ và hài hòa các yêu cầu sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Hiện đại hóa các quy định về con dấu công ty; Mở rộng tự do hơn nữa trong việc cho phép các công ty thiết kế và in hóa đơn VAT; Kiến nghị luật cho phép công ty có nhiều hơn một "đại diện theo pháp luật"; Các khái niệm như "nghĩa vụ trung tín" của các giám đốc và cán bộ cần phải được thực thi nghiêm chỉnh hơn.
Theo Nhóm công tác, trong môi trường kinh tế thách thức như hiện nay, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ chuyên môn từ các dịch vụ hành chính của nhà nước. Trong số những vấn đề khác, họ cần được cấp các giấy phép và xin được các chấp thuận để thực hiện hoạt động kinh doanh theo cách thức kịp thời và hợp pháp.
“Sự chậm trễ đang giết dần các doanh nghiệp có những khoản nợ phải trả nhưng không thể thực hiện các dự án của họ kịp thời do những thủ tục hành chính trì trệ”, báo cáo của nhóm công tác nhấn mạnh.
Nhóm công tác cũng đưa ra một số kiến nghị khác về thị trường lao động. Trong đó, nhóm công tác cho rằng hiện Việt Nam đã đặt ra các tiêu chuẩn mà trong nhiều trường hợp cao hơn các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như hạn mức làm thêm giờ, thời gian nghỉ thai sản là sáu tháng...
“Việt Nam đã tự đặt ra thử thách gần như không khả thi trong việc tuân thủ pháp luật cho nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn để tồn tại”, nhóm công tác quan ngại.
Việc làm giảm tác động này bằng các nghị định hướng dẫn thi hành và tránh việc làm giảm thêm nữa giá trị thị trường lao động cạnh tranh của Việt Nam bằng "Luật Việc làm" đang được đề xuất là điều sống còn đối với kế sinh nhai của hàng triệu người trong những năm tới đây.
Nguồn Khampha/FIA
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư