Hủy
Kinh Doanh

Kinh tế Việt Nam 2021 dưới góc nhìn của Giám đốc Khối ngoại hối HSBC

Mai Châu Thứ Ba | 20/07/2021 09:29

Thách thức cho tăng trưởng của Việt Nam nằm nhiều hơn ở các yếu tố nội tại. Ảnh: TL.

 
 
Giữa thời điểm dịch đang bùng phát, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam, có những chia sẻ về kinh tế Việt Nam.

Hiện tại một làn sóng COVID-19 mới đang tiếp tục càn quét các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Từ cuối tháng 4.2021, Việt Nam chỉ ghi nhận khoảng 3.000 ca nhiễm thì tới nay con số này đã vượt 15.000. Dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế".

Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có những tín hiệu đáng khích lệ. Theo Tổng cục thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020. GDP quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020.

Lạm phát duy trì ở mức tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6.2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12.2020 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2020. Theo ông Khoa, lạm phát sẽ được kiềm chế tốt trong năm nay. Khối Nghiên cứu HSBC dự báo lạm phát trung bình vào khoảng 2,8% trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức chỉ tiêu tối đa 4% mà Quốc Hội đề ra.

Ảnh; TL.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam. Ảnh: TL.

Thách thức cho tăng trưởng của Việt Nam nằm nhiều hơn ở các yếu tố nội tại. Mặc dù các dữ liệu vĩ mô chính của 6 tháng đầu năm vẫn cho thấy xu hướng tương đối ổn định, nhưng làn sóng dịch bệnh hiện tại có thể gây ra những áp lực đáng kể đối với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đã đề ra trong năm nay. 

Khối Nghiên cứu HSBC hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 6,1% (từ 6,6%). Tuy nhiên, trong dài hạn, động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ do công nghệ dẫn đầu và triển vọng FDI đầy hứa hẹn, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia giàu tiềm năng nhất trong khu vực. Do đó, dự báo tăng trưởng năm 2022 hiện tại được nâng lên 6,8% (từ 6,5%).

Để phục hồi bền vững trở lại cần nhanh chóng ngăn chặn đà lây lan của virus, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng toàn quốc. Với việc phải đóng cửa nhiều khu công nghiệp và giãn cách xã hội kéo dài, chắc chắn đà tăng trưởng trong quý III nói riêng và nửa sau của năm 2021 đặt ra rất nhiều thách thức. Do đó, cần có những chính sách kịp thời cả về tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân vượt qua những khó khăn này.

Tỉ giá

Tiếp nối xu hướng biến động mạnh của năm 2020, trải qua 6 tháng đầu năm, đồng USD vẫn cho thấy nhiều biến động mạnh. Với việc đồng bạc xanh tăng mạnh trở lại, các đồng tiền trong khu vực châu Á chịu áp lực suy yếu tương ứng, và VNĐ cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù trong hầu hết thời gian 6 tháng đầu năm 2021, tỉ giá USD, Việt Nam đồng đa phần giao dịch trong biên độ 23.010-23.100 với xu hướng thiên về tiền Đồng tăng giá, nhưng dường như tình hình có xu hướng đảo ngược sau kì họp gần nhất của Fed.

Ảnh; TL.
Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ qua nghiệp vụ kỳ hạn, trước khi quyết định hạ giá mua 150 đồng xuống 22.975 vào tuần đầu tháng 6. Ảnh:TL.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ qua nghiệp vụ kỳ hạn, trước khi quyết định hạ giá mua 150 đồng xuống 22.975 vào tuần đầu tháng 6, cho thấy dư địa để VNĐ có thể tăng giá thêm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, đặc biệt từ nay đến cuối năm, vẫn không bỏ ngỏ khả năng VNĐ chịu áp lực mất giá trở lại với mức dự báo 23.100 vào cuối năm nay.

Nhìn chung, có một điều khá chắc chắn rằng tỉ giá USD, VNĐ sẽ khó duy trì được xu hướng bình ổn như đã từng trải qua trong 6 tháng cùng kỳ 2020, thay vào đó sẽ có nhiều biến động hơn trong 6 tháng cuối năm. 

Lãi suất 

Về xu hướng lãi suất, tình trạng vật giá leo thang đang khiến thị trường tài chính bắt đầu tỏ ra quan ngại khi Ngân hàng Trung ương các nước bắt đầu phải tính đến chuyện siết van thanh khoản và nâng lãi suất điều hành. Tuy nhiên, mối lo ngại này dường như tập trung nhiều hơn ở các quốc gia phương Tây, trong khi đó ở các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, chưa cho thấy áp lực của lạm phát khi áp lực chủ yếu đến từ giá cả đầu vào thay vì cầu kéo.

Ảnh; TL.
Ở các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, chưa cho thấy áp lực của lạm phát khi áp lực chủ yếu đến từ giá cả đầu vào thay vì cầu kéo. Ảnh: TL.

Nhưng nếu đặt trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài thay vì mang tính thời điểm, thì khả năng nâng lãi suất điều hành là có thể xảy ra. Ở mặt khác, cơ quan điều hành cũng cần cân nhắc để tránh việc nâng lãi suất quá sớm và/hoặc quá nhanh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động trong các nghiệp vụ phòng vệ rủi ro, bao gồm rủi ro tỉ giá, rủi ro lãi suất, thông qua các sản phẩm mà Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhằm đạt mục đích quản trị rủi ro trong kinh doanh.

Triển vọng kinh tế suy giảm do đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới