Hủy
Kinh Doanh

Lối nào cho khu kinh tế cửa khẩu ?

Thứ Ba | 12/05/2015 09:00

Đâu là lời giải hợp lý cho bài toán kinh tế khu cửa khẩu: làm khu thương mại, xây khu công nghiệp, hay tìm hướng đi mới ?
 

Thời gian qua, nhiều siêu thị miễn thuế tại các khu cửa khẩu ðã nối gót nhau đóng cửa, từ siêu thị Tịnh Biên (An Giang) cho đến mới đây là siêu thị Mộc Bài (Tây Ninh). Các khu cửa khẩu này có chi phí xây dựng lên đến hàng chục tỉ đồng, được hưởng không ít chính sách ưu đãi, nhưng vẫn không hoạt động hiệu quả sau 10 năm tồn tại.

Hiện tại, 15 tỉnh biên giới của Việt Nam có gần 28 khu kinh tế cửa khẩu. Các siêu thị miễn thuế được xây dựng ở đây với mục đích tăng sức mua sắm và thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay, các khu kinh tế này chưa phát triển như kế hoạch ban đầu, thậm chí còn bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng.

Nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng từ buôn lậu, cuối năm ngoái, Chính phủ đã dỡ bỏ một số ưu đãi. Theo chính sách mới, hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan sẽ phải đóng ngay thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Trước đó, các loại thuế này đều được trả sau.

Từ đầu năm nay, các khu kinh tế cửa khẩu cũng không còn được bán miễn thuế rượu bia cho khách tham quan du lịch, kể cả khách mua hàng từ Campuchia. Trong khi người tiêu dùng và khách đến đây chủ yếu mua mặt hàng này.

Một thực tế là các siêu thị miễn thuế tại Việt Nam đang mất dần lợi thế. Năm 2015, Việt Nam sẽ cắt giảm thêm 1.715 dòng thuế từ mức huế suất hiện hành 5% xuống còn 0% đối với mặt hàng nhập từ các nước ASEAN. Đó là chưa kể sau khi Hiệp định AFTA, TPP ký kết, các sản phẩm từ châu Âu và Mỹ nhập vào Việt Nam sẽ có mức thuế thấp.

Vì vậy, nghiễm nhiên các sản phẩm vào Việt Nam sẽ có mức giá rẻ và khách hàng sẽ không cần phải lên tận cửa khẩu biên giới mua hàng miễn thuế.

Khi các siêu thị miễn thuế đóng cửa và kế hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu theo hướng du lịch thương mại không thành công, vừa qua, Bộ Công thương đã đưa ra chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cửa khẩu thành khu công nghiệp. Ý kiến này được đưa ra khi một số công ty Hàn Quốc ngỏ ý đầu tư hạ tầng công nghiệp ở Mộc Bài.

Tuy nhiên, các khu cửa khẩu đều có vị trị giáp biên giới và cách xa thành phố lớn nên sẽ bất tiện cho giao dịch của các doanh nghiệp. Đối với những công ty tập trung xuất khẩu, cần vận chuyển theo đường biển thì việc thành lập nhà máy sản xuất tại các khu cửa khẩu sẽ khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Vì thế, giải pháp khu công nghiệp chưa chắc sẽ khả thi. 

Trong khi mô hình khu kinh tế cửa khẩu tại Việt Nam sống một cách “trầy trật” thì nó lại phát triển khá tốt ở một số nước. Campuchia là một ví dụ. Nhằm thu hút dịch vụ du lịch và thương mại vào đặc khu kinh tế cửa khẩu Bavet, Chính phủ Campuchia đã cho phép mở 36 casino và 34 trường gà nhằm tạo nguồn thu và hút khách du lịch. Thế là xã Bavet đã trở thành một thành phố sầm uất và mang lại nguồn ngân sách lớn cho nước này. Cách biên giới Việt Nam chỉ 5 km, đặc khu kinh tế Bavet hiện thu hút trên 70 nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 5 tỉ USD.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình thành công của các nước trong khu vực để áp dụng cho phù hợp. Còn nếu không làm được, việc dẹp bỏ mô hình kinh tế thương mại tại cửa khẩu là cần thiết.

Thanh Hương


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới