Hủy
Kinh Doanh

Lũ về sớm, hơn 200 ha lúa vụ 3 ở ĐBSCL bị thiệt hại

Thứ Tư | 13/08/2014 07:09

 
 
Lũ bất ngờ tràn về khiến khoảng 220 ha lúa vụ 3 ở huyện Hồng Ngự bị thiệt hại.

Tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Ngoài ra đã có hơn 10 ha lúa, rau màu ở huyện đầu nguồn Tân Hồng đang bị nước lũ tấn công. Nước tiếp tục dâng cao, khiến nhiều diện tích đất sản xuất nằm ngoài các vùng đê bao có nguy cơ thiệt hại nặng. Trong đó có gần 80 ha đã mất trắng, số còn lại phải thu hoạch chạy lũ nên năng suất bình quân giảm phân nửa, ước thiệt hại tính tới thời điểm này gần 2 tỉ đồng.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Quản lý tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), cho rằng theo thông lệ, mùa nước nổi ở khu vực ĐBSCL bắt đầu từ tháng 8 hàng năm. Các nhà khoa học khuyến cáo vùng đầu nguồn nên kết thúc sớm vụ lúa hè thu trước thời gian này, kết hợp bảo vệ diện tích hè thu muộn bằng hệ thống đê bao lửng (còn gọi là đê bao tháng 8); sau thu hoạch vụ hè thu, hạn chế sản xuất vụ 3 mà nên mở đường cho nước chảy tràn nhằm giảm áp lực nước dâng cao.

Theo các nhà khoa học, xả lũ dù làm mất đi điều kiện sản xuất vụ lúa thứ 3 trong năm nhưng bù lại đồng ruộng sẽ được dọn vệ sinh sau 2 vụ sản xuất, đón lượng phù sa bồi bổ dinh dưỡng cho nền đất và người dân vùng này có thêm sinh kế đánh bắt thủy sản mùa nước nổi.

Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều diện tích đê bao kiên cố vẫn duy trì sản xuất lúa vụ 3 khiến dòng chảy bị thu hẹp, áp lực dòng chảy ngày càng lớn, khiến cho các mối đe dọa cả về sản xuất lẫn đời sống của người dân vùng này càng tăng.

Mấy ngày qua mực nước thực đo tại Tân Châu và Châu Đốc đã cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 0,6-0,9 mét. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước đầu nguồn sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu tuần này. Trên sông Tiền tại Tân Châu mực nước thực đo đã xấp xỉ mức báo động II và sông Hậu xấp xỉ báo động I tại Châu Đốc. Vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên mực nước cũng tiếp tục lên ở mức trên báo động I, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 0,7-1,0 mét.

Trước thực tế này, hôm nay các tỉnh vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ đã "mở cửa" xả lũ ra biển Tây tại 2 đập tràn Tha La và Trà Sư thuộc địa bàn tỉnh An Giang, sớm hơn khoảng 1 tháng so với nhiều năm trước. Trước thời điểm xả tràn, mực nước trong và ngoài hai con đập kiểm soát lũ cho vùng Tứ Giác Long Xuyên này đã đạt mức chênh lệch hơn 1,3 mét.

Nguồn TBKTSG


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới