Hủy
Kinh Doanh

M&A không cứu nổi Beton 6

Ngọc Thủy Thứ Hai | 01/06/2020 15:00

Sau thời gian dài kinh doanh sa sút, mới đây, Beton 6 đã đệ đơn xin phá sản.
 

Việc Beton 6 đệ đơn xin phá sản ít nhiều đã được nhà đầu tư tiên đoán. Bởi cổ phiếu BT6 của Beton 6 từ lâu đã bị hạn chế giao dịch, không được giao dịch ký quỹ từ cuối tháng 6.2016  và giá cổ phiếu chỉ còn khoảng 1.000 đồng/cổ phiếu, thuộc hàng thấp nhất trên thị trường hiện nay.

Theo xác nhận với báo chí của ông Vương Đức Thiên, Trưởng phòng Pháp lý BT6, Công ty lâm cảnh bế tắc từ lâu. Hiện Công ty chỉ hoạt động cầm chừng, theo đơn hàng, có sự giám sát của cơ quan chức năng. Số lượng lao động từ chỗ hàng ngàn người đã giảm còn dưới 200 người.

Trước đó, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, kiểm toán từng đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động của Beton 6 khi công ty này lỗ lũy kế 342,5 tỉ đồng và có nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 312 tỉ đồng. Sang năm 2019, lãnh đạo Beton 6 dự tính sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia tái cấu trúc Công ty, chỉ giữ lại các mảng kinh doanh có lợi nhuận cũng như tìm kiếm, phát triển các sản phẩm mới (như nhà lắp ghép)...

 

Tuy nhiên, với những khoản nợ tồn đọng nhiều năm và kinh doanh tiếp tục thua lỗ, phương án của Beton 6 đã không được hưởng ứng. Cuối năm ngoái, Công ty Mua bán nợ Việt Nam đã ra thông báo rao bán khoản nợ của Beton 6.

Theo báo cáo số liệu đến cuối tháng 9.2019, chỉ riêng nợ vay, Beton 6 vay nợ ngắn hạn lên đến 348 tỉ đồng. Trong đó, VietinBank chi nhánh TP.HCM là ngân hàng đã cho BT6 vay nhiều nhất với 188 tỉ đồng. Kế đó là Vietcombank cho vay 64 tỉ đồng, Eximbank cho vay 63 tỉ đồng... Đây đều là các khoản vay được đảm bảo bằng các khoản phải thu khách hàng cũng như quyền đòi nợ từ các hợp đồng thi công, các tài sản máy móc. Không riêng các ngân hàng, nhiều đối tác làm ăn với Beton 6 cũng rất lo lắng trước tin Công ty xin phá sản.

Thực ra, Beton 6 đã bắt đầu kinh doanh sa sút từ năm 2010. Càng về sau, tình hình càng trầm trọng, khi doanh thu giảm còn một nửa và chính thức báo lỗ từ năm 2017. Từ đó đến nay, mức lỗ ngày càng gia tăng và kết quả là Công ty phải đệ đơn xin phá sản.

Theo giải trình của Ban lãnh đạo Beton 6, do ngành xây dựng đi xuống nên các dự án của Công ty bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, nhiều đơn hàng bị giảm. Các ngân hàng cũng đồng loạt giảm hạn mức tín dụng. Vì thế, Beton 6 không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ thanh toán cho các chủ nợ, nhà cung cấp và đối tác.

Tình trạng ở Beton 6 cũng xảy ra ở một số doanh nghiệp bê tông khác như Bê tông Biên Hòa. Từ năm 2011-2018, đơn vị này liên tục thua lỗ. Giá cổ phiếu BHC của Bê tông Biên Hòa đã giảm từ 23.000 đồng lúc ở đỉnh cao còn chỉ 2.000-2.500 đồng và không có giao dịch.

 

Trên thực tế, ngành bê tông đã có những thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển dịch. Chẳng hạn, xu hướng thị trường đã chuyển sang bê tông tươi. Đây là loại bê tông trộn sẵn, bê tông thương phẩm, đổ thành các khối lớn làm đê kè chống biến đổi khí hậu.

Ở các công trình xây dựng dân dụng, bê tông tươi cũng được lựa chọn nhiều hơn. Vì thế, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã có chiến lược tham gia sâu vào mảng bê tông tươi. Còn INSEE,  doanh nghiệp chú ý vào bê tông tươi, thì thường xuyên có đơn hàng lớn tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...

Ngoài VICEM, INSEE, mảng bê tông tươi thu hút hàng ngàn doanh nghiệp tham gia như Becamex, SMC, Holcim, Rạng Đông, Việt Đức, Hồng Hà, Thiên Phúc..., tạo sức ép cạnh tranh không nhỏ. Trong khi đó, Beton 6 chủ yếu tập trung vào sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, phục vụ cho các công trình cầu đường. Beton 6 còn có lợi thế thương hiệu đã gầy dựng từ năm 1958 nên sớm trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành tại phía Nam.

Những công trình tiêu biểu của Beton 6 như hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, cầu Phú Mỹ, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Beton 6 cũng sở hữu nhà máy chính cấu kiện bê tông ở Bình Dương và Long An với diện tích hàng chục ha, cho tổng công suất lên tới 22.000m3 cấu kiện bê tông mỗi tháng.

Với những đặc điểm này, khi niêm yết  trên thị trường chứng khoán vào năm 2002, Beton 6 đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Cơ cấu cổ đông của Beton 6 thường xuyên có sự góp mặt của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, như AmFraser Securities, Maybank Kim Eng, Golden Trinity Assets, Commerzbank (South East Asia), Mutual Fund Elite...

Dù có lợi thế và thu hút sự tham gia của nhiều đối tác nhưng Beton 6 vẫn khó bứt phá bởi các yếu tố đặc thù ngành. Công ty cũng không dám mạnh dạn lấn sân sang mảng xây lắp công trình vì yêu thích sự ổn định và vì nguồn lực tài chính có giới hạn.

Cho đến khi đón nhận nhóm cổ đông mới, số phận của Beton 6 cũng đã bước sang ngã rẽ mới. Nhóm cổ đông này quyết định hủy niêm yết BT6 với lý do tái cơ cấu doanh nghiệp (năm 2015). Hơn 1 năm sau, BT6 được niêm yết trở lại trên sàn UPCoM (năm 2017). Dù vậy, sau tái cơ cấu, Công ty vẫn tiếp tục kinh doanh sa sút, hoàn toàn rời xa chặng đường phát triển rực rỡ trước đây. Đến nay, Beton 6 đang chuẩn bị rời khỏi sàn đấu, giã từ cuộc chơi mình đã tham gia hơn 60 năm qua.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới