Mô hình chuỗi cắt tóc thời @ có gì mới?
Một tiếng nữa đến buổi phỏng vấn xin việc, Ánh Trình, 22 tuổi, đến tiệm cắt tóc quen để chỉnh sửa đầu tóc. Trong phòng chờ là mười mấy thanh niên, từ học sinh trung học đến những người đàn ông lớn tuổi hơn Trình cũng đang đợi tới lượt. Bước đến quầy lễ tân, Trình kiểm tra lịch đặt trước đó qua smartphone và ngay lập tức được dẫn đến chỗ người thợ cắt tóc “ruột” đang chờ sẵn. Đặt lịch/check-in như cách đặt vé xem phim, nghỉ dưỡng ở khách sạn, không phải là ứng dụng công nghệ duy nhất làm nên tên tuổi của chuỗi salon tóc nam phát triển nhanh nhất hiện nay với 9 salon ra mắt trên dưới một năm. Ngoài cái tên khá kêu, 30Shine (giúp khách hàng tỏa sáng sau 30 phút), đâu là sự khác biệt của startup này?
Mở một salon tóc, lại là tóc nam không khó. Nhưng để phát triển thành quy mô chuỗi phục vụ khoảng 40.000 khách hàng/tháng lại không dễ. Nhất là khi câu chuyện của ngành tóc từ bấy lâu nay thường là một thợ cắt tóc sau khi học lành nghề, có ít vốn, có khách hàng quen sẽ bước ra mở tiệm, rồi tự mình làm thợ chính, quản lý thu chi, marketing, mặt bằng... Danh tiếng của tiệm phụ thuộc vào một cá nhân duy nhất. Chuyện thầy không muốn chỉ hết bí quyết cho trò, vì sợ bị mở tiệm cạnh tranh không hiếm gặp. Xoay vòng như thế, những thợ tóc dù giỏi đến đâu, chỉ mở được vài ba tiệm đứng tên của mình rồi sau đó gặp áp lực quản lý thu chi và định hướng phát triển lâu dài là lối mòn của đa số người làm nghề tóc.
Muốn khắc phục những khó chịu của một khách hàng nam khi đi cắt tóc, là phải chờ đợi, chỉ cắt chỗ quen mới yên tâm. “Ngoài nghề làm móng, thì nghề tóc là một trong số ít ngành mà Việt Nam có thế mạnh ở tầm quốc tế”, CEO Nguyễn Huy Hoàng của 30Shine, chia sẻ. Đó là các ý tưởng ban đầu để những chàng trai chuyên về công nghệ thử sức với nghề tóc và huy động được sự trợ lực từ ông chủ hãng điện thoại HKPhone và xe đạp điện HKBike đầu tư để hình thành 30Shine.
“Cái răng cái tóc là vóc con người”, dù kinh tế có lên xuống thì nhu cầu làm đẹp của con người vẫn ít bị ảnh hưởng. Khác với làm tóc cho nữ, thì làm tóc nam dù lợi nhuận ít hơn nhưng nhu cầu lại thường xuyên hơn và dễ phục vụ theo dạng công nghiệp hơn. Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM với hơn 16 triệu dân, một nửa là nam giới có nhu cầu cắt tóc trung bình 2 tuần/lần, với chi phí bình quân 50.000 đồng/lần cắt, thì miếng bánh hơn 9.000 tỉ đồng còn khá nhiều tiềm năng.
Ứng dụng công nghệ là xương sống cho vận hành của chuỗi 30Shine. Đặt lịch trước qua smartphone hoặc website một mặt giúp khách hàng không phải chờ đợi lâu khi đến cắt tóc, mặt khác giúp phân phối đều đặn khách hàng trong ngày, tránh tình trạng quá tải vào buổi tối hay cuối tuần, nói cách khác giúp tăng năng suất của mỗi người thợ. Mỗi salon 30Shine có khoảng 15-20 thợ, phục vụ từ 150-200 khách/ngày. Nhẩm tính với chi phí trung bình của mỗi người khách là 100.000 đồng, doanh thu mỗi salon ước tính hơn 500 triệu đồng/tháng.
Trước khi cắt tóc, khách sẽ được gội đầu, massage. Từ lúc khách hàng nằm xuống ghế gội, cảm biến kích hoạt màn hình tính giờ và hướng dẫn những thao tác chuẩn cho kỹ thuật viên một cách chi tiết. 20 giây đầu tiên để rửa mặt, 30 giây tiếp theo massage mặt theo những quy trình nào... Bước này giúp chia quy trình và đảm bảo khách hàng nhận được chất lượng dịch vụ đồng đều như nhau. Chuyển sang bước cắt tóc, những người thợ tạo kiểu (thường được gọi là stylist) sẽ tư vấn và cắt kiểu tóc phù hợp cho khách hoặc cắt theo yêu cầu. Các cửa hàng của 30Shine không có thợ chính, thợ phụ. Mỗi nhân viên được hướng đến chuẩn nghề nghiệp như nhau và có thể chia sẻ kinh nghiệm trong môi trường “làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít”.
“Tỉ lệ nghỉ việc ở hệ thống 30Shine khá thấp. Chúng tôi chấp nhận trả mức lương cao hơn 30-50% so với thị trường, chủ trương tạo một môi trường làm việc công bằng và muốn đưa ngành tóc Việt trở nên lớn mạnh hơn, thậm chí vươn ra thị trường một số nước”, anh Bùi Quang Hùng, Giám đốc Marketing của 30Shine, cho biết.
Mẫu tóc sau khi hoàn thiện được chụp hình 4 góc độ, lưu trữ vào hệ thống, để lần sau khách hàng có thể dễ dàng tham khảo hoặc hướng dẫn kiểu tóc yêu thích cho thợ dù không phải người từng cắt cho mình. Trước khi về, khách hàng sẽ đánh giá mức độ hài lòng qua hệ thống và kết quả được chuyển thẳng đến Ban Quản trị của 30Shine. Từng tiểu tiết nhỏ, như phục vụ nước uống trong lúc chờ đợi, nhập khẩu loại giấy dán chuyên dụng quanh cổ để tránh tóc con rơi rớt... cũng được những chàng trai sáng lập tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư.
Tại TP.HCM, một số tiệm cắt tóc nam có tiếng như Liêm Barber Shop, Art hair, 4RAU Barber Shop, Siêu thị tóc, Vũ Trí... cũng đang tìm cách mở rộng mô hình chuỗi. Tuy nhiên, bất kỳ một sản phẩm, dịch vụ khi được nâng cấp thành chuỗi đều đối mặt với những khó khăn nhất định, đặc biệt là những loại hình liên quan đến chất lượng phục vụ của con người.
Sau 1 năm tăng trưởng với 9 salon, mặt bằng là những tòa nhà lớn tại những khu phố trung tâm với diện tích chuẩn khoảng 300m2 với mức đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng/salon, ông Hoàng thừa nhận hai áp lực hiện tại của 30Shine là đảm bảo đồng nhất trong quy trình và thái độ phục vụ của nhân viên. Ông Hùng nói thêm, khi khách hàng quen dần với dịch vụ và đối thủ ở sát sau lưng thì yêu cầu sáng tạo, đổi mới và cải thiện dịch vụ nhưng vẫn giữ nguyên giá tiền cũng quan trọng không kém. Hiện nay, 30Shine tận dụng khá tốt các công cụ truyền thông xã hội. Kênh YouTube 30Shine TV có hơn 90.000 lượt theo dõi, cập nhật các xu hướng tóc mới nhất... là những phương thức marketing khá hiệu quả.
Thực tế, những chuỗi salon tóc thế giới từng xuất hiện ở Việt Nam nhưng cũng sớm dừng chân trước tính đặc thù của thị trường, điển hình là chuỗi QB House của Nhật. Có hơn 636 tiệm trên thế giới với doanh thu 150 triệu USD/năm, QB House được lòng nam giớỉ hầu như khắp mọi nơi, nhất là Nhật và Singapore khi cung cấp dịch vụ cắt tóc nhanh trong 10 phút. Nằm tại các trung tâm thương mại, ga tàu điện ngầm, QB House phục vụ mỗi ngày hơn 50.000 lượt khách. Song, khi về Việt Nam và áp dụng một cách máy móc, “nhanh” lại không phải yêu cầu cốt yếu của nam giới khi đến tiệm cắt tóc.
Phát triển lên 27 salon vào cuối năm nay và mở rộng ra khu vực là mục tiêu 30Shine đang đặt ra. Tận dụng lợi thế tay nghề người Việt, phát triển nhờ lợi thế quy mô và ứng dụng công nghệ để chuẩn hóa quy trình và nâng cao năng suất là những điểm sáng tạo đà cho mô hình startup trong ngành tóc nam 30Shine phát triển. Để tiếp tục giữ được vị thế tiên phong không dễ, nhưng mô hình này đã chứng minh tiềm năng kiếm tiền từ những ngành nghề quen thuộc vẫn rộng mở cho những startup sáng tạo.
Hoàng Anh
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
An Hạ
-
Bảo Hân
-
Tuệ Anh (Nguồn: báo Quốc Tế)