Hủy
Kinh Doanh

MWG, VNM, PNJ: Những gã khổng lồ đang loay hoay trong bài toán tăng trưởng

Vũ Hoài Thứ Sáu | 17/01/2020 15:39

Ảnh: PNJ.

 
 
Câu chuyện tăng trưởng của những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Thế Giới Di Động, PNJ,… luôn là những vấn đề được quan tâm…

MWG “bán rau, bán cá”

Đối với Thế Giới Di Động (MWG), sau khi đã chiếm lĩnh thị trường điện máy và di động, giờ họ sẽ sẽ lấy "cái bánh" bách hóa. Trong những năm gần đây, khi thị trường bán lẻ di động và điện máy đang có xu hướng chững lại, MWG đã dồn lực để mở rộng chuỗi bách hóa. Ít ai có thể ngờ một doanh nghiệp chuyên bán điện thoại, điện máy lại có ngày thu tiền tỷ nhờ “bán rau, bán cá”.

Nguồn: MBS.
Nguồn: MBS.

Trong quá khứ, MWG đã thành công với chuỗi điện máy xanh và di động khi phát triển về khu vực nông thôn, giúp họ duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 30%/năm. Hiện nay, MWG tiếp tục chiến lược này phát triển chiến lược của họ với chuỗi bách hóa xanh.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán MBS, MWG đang đứng số 2 về số lượng cửa hàng tại Việt Nam chỉ sau Vinmart. Tuy nhiên, các chỉ số về lợi nhuận của MWG đều tốt hơn so với đối thủ như biên lợi nhuận gộp, doanh thu/cửa hàng.

Trung bình doanh thu/cửa hàng/tháng của Bách Hóa Xanh đạt 1,3 tỷ đồng, cao nhất so với các đối thủ còn lại. Tính đến 30/11/2019, MWG đang sở hữu 938 cửa hàng Bách Hóa Xanh và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. 

“Vua sữa” lấn sân thị trường hơn 1,4 tỷ dân

Sau khi trải qua thời kỳ tăng trưởng mạnh, hiện nay nhu cầu tiêu thụ sữa nội địa đang giảm dần, điều này đã tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn như Vinamilk. Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, lãi sau thuế của VNM chỉ tăng nhẹ 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguồn: MBS.
Nguồn: MBS.

Theo phân tích của SSI Research, nhu cầu sữa thực vật có xu hướng gia tăng, trong đó sữa đậu nành và sữa lúa mạch được coi là lựa chọn thay thế tốt nhất cho sữa bò, nhờ hàm lượng protein cao.  

Ngoài ra, giá sữa nguyên liệu và giá bán trung bình đều tăng cũng là một xu hướng tác động đến ngành sữa trong tương lai. Theo Global Dairy Trade, năm 2019 giá sữa bột gầy tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và giá sữa bột nguyên kem tăng 4%. Để đảm bảo biên lợi nhuận, những công ty lớn như Vinamilk, TH True Milk và Dutch Lady đều đã tăng giá bán thêm 1-5% vào năm 2019.

Bên cạnh những xu hướng không mấy thuận lợi thì việc Vinamilk xuất khẩu sữa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng là một tín hiệu đáng mừng. Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng ngành sữa Việt Nam đã được phép xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.

Đây là một thị trường cạnh tranh cao nhưng rất hấp dẫn, chỉ cần chiếm một phần nhỏ trong thị trường 60 tỷ USD này cũng có thể rất có ý nghĩa cho tăng trưởng trong tương lai của các công ty sữa Việt Nam.

Số liệu của MBS, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 12,4% nhờ Angkor Milk tại thị trường Campuchia. Thị trường Trung Quốc mới triển khai nhưng cũng có nhiều khả quan ở các phân khúc thị trường ngách.

Với Vinamilk nếu như nhu cầu nội địa về sữa đang chậm lại, Thế Giới Di Động đối mặt với tiêu dùng điện thoại, điện máy chững lại thì đối với PNJ, thị trường trang sức vẫn hấp dẫn.

PNJ bắt tay cùng Walt Disney

Theo đánh giá của MBS, mặc dù trang sức vàng là mặt hàng xa xỉ và chịu ảnh hưởng bởi chu kì kinh tế và túi tiền của người dân, tuy nhiên thị trường này vẫn được đánh giá cao. Có hai nguyên nhân khiến thị trường trang sức vẫn được giới chuyên gia đánh giá hấp dẫn.

Thứ nhất, tỷ lệ sử dụng vàng của Việt Nam chỉ ở mức 0,19 g/người thấp so với các nước Châu Á phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia ở mức 0.52 g, 0.44 g và 0.41 g. Thứ hai, thị phần trang sức bán lẻ vẫn còn phân mảnh khi PNJ và các thương hiệu nổi tiếng mới chỉ chiếm 27% thị phần. Vì vậy, PNJ vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng trong dài hạn nhờ lợi thế cạnh tranh của mình (có số lượng cửa hàng và thợ kim hoàn nhiều nhất Việt Nam).

Dư địa tăng trưởng đối với PNJ vẫn còn lớn khi vàng trang sức bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp so với khu vực. Nguồn: MBS.
Dư địa tăng trưởng đối với PNJ vẫn còn lớn khi vàng trang sức bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp so với khu vực. Nguồn: MBS.

Tổng kết năm 2019, PNJ ghi nhận hơn 17.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.100 tỷ đồng lãi sau thuế. Trong đó, hoạt động bán lẻ vẫn đem lại phần lớn doanh thu cho PNJ, chiếm hơn 56,7% trong cơ cấu doanh thu của Công ty trong tháng 12/2019.

Và mới đây, lần đầu tiên, Việt Nam có hãng trang sức bắt tay cùng Walt Disney, tập đoàn giải trí lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Mỹ. Đây là hợp tác cấp phép bản quyền. Theo đó, PNJ được quyền sử dụng một số hình ảnh của Walt Disney vào trong chế tác sản phẩm. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng PNJ cho biết, hợp đồng có thời hạn 3 năm. Sau thời gian này, hai bên có thể tiếp tục gia hạn hợp đồng. 

Theo đánh giá của lãnh đạo PNJ, triển vọng từ trang sức chế tác, thiết kế theo hình ảnh nhân vật của Walt Disney sẽ rất lớn, bởi phim Walt Disney phục vụ cho hầu hết mọi đối tượng, từ trẻ em đến người lớn thị trường trong và ngoài nước.

Đánh giá chung về ngành bán lẻ, MBS cho rằng ngành bán lẻ Việt Nam là lựa chọn tốt cho nhà đầu tư tài chính và các doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam có một số ưu điểm đặc biệt như cơ cấu dân số vàng; đất nước đang phát triển với tăng trưởng GDP hàng năm thuộc top thế giới và lạm phát ổn định, điều này giúp cho ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn 10%/năm.

Hơn nữa, Việt Nam còn được biết tới là đất nước có tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu cao; tỷ lệ đô thị hóa cao; 40% dân số dưới 24 tuổi. MBS đánh giá 3  yếu tố này giúp cho các kênh bán hàng hiện đại như Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Thế Giới Di Động (MWG) có được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20 – 40%/năm, cao hơn rất nhiều so với trung bình ngành.

►PNJ bắt tay với Walt Disney

►MBS: Thế Giới Di Động sẽ lấy đi “cái bánh” bách hóa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới