Hủy
Kinh Doanh

Ngành logistics cần nâng cao hiệu suất để tăng tính bền vững

Thứ Bảy | 15/02/2025 14:08

Có tới 95% phương tiện giao thông tại Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch. Nguồn ảnh: Baspro

 
 
Đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu toàn cầu, công ty giao nhận- cung cấp dịch vụ logistics cần chủ động thích ứng để không bị bỏ lại.

Việt Nam là một trong những quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Để thực hiện cam kết này, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ ngày càng nhiều yêu cầu và quy định từ các đối tác thương mại lớn nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường. Áp lực về tính bền vững và giám sát chặt chẽ lượng khí thải khiến yếu tố môi trường ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng đối với khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng.

Liên minh Châu Âu (EU), một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đã áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với hàng hóa có lượng phát thải cao khi nhập khẩu. Ngoài ra, EU còn có Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) nhằm chuẩn hóa báo cáo bền vững. Doanh nghiệp phải công khai thông tin về tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ logistics ngoài EU nếu họ nằm trong chuỗi cung ứng của các công ty châu Âu có nghĩa vụ báo cáo. Đến năm 2028, các công ty ngoài EU có hoạt động tại châu Âu cũng sẽ phải tuân theo quy định này. Các công ty giao nhận và cung cấp dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu. Do đó, họ cần chủ động thích ứng để không bị bỏ lại phía sau.

 

Trao đổi tại Hội thảo "Logistics xanh - đích đến bền vững” do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức, ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA), cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và các công ty logistics tại Việt Nam nên tập trung đầu tư vào số hóa và vận tải đa phương thức.

“Cần nâng cao hiệu suất để tăng tính bền vững, như đầu tư vào công nghệ mới, tài liệu vận tải điện tử”, vị CEO của FIATA nói. Việc đầu tư vào công nghệ là rất quan trọng để đẩy nhanh quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa tuyến đường và giảm phát thải.Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về các tuyến vận tải thay thế, đặc biệt là đường thuỷ, nhằm giảm áp lực lên đường bộ.

Ông Stéphane Graber cho rằng các doanh nghiệp giao nhận, đặc biệt là SMEs, nên trang bị kiến thức mới nhất về cắt giảm phát thải carbon. Điều này bao gồm việc cập nhật thông tin thông qua các tổ chức ngành như FIATA về các quy định trong nước và quốc tế, thực hiện đánh giá dấu chân carbon để xác định các lĩnh vực cần cải thiện, cũng như nâng cao tính minh bạch trong báo cáo. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định mà còn có thể trở thành một dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng và là yếu tố cạnh tranh quan trọng.

Cuối cùng, cần mở rộng đối thoại với các đối tác. Việc hợp tác giữa SMEs và các công ty lớn hơn sẽ giúp chia sẻ thông tin, tài nguyên và nâng cao kiến thức, giúp cả ngành cùng phát triển theo hướng bền vững.

Ngành logistics đang đóng góp đáng kể vào lượng phát thải carbon, ở mức 7-8%. Trong khi đó, logistics Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào đường bộ và phát triển không đồng đều giữa các phương thức vận tải. 75% hàng hoá vẫn được vận chuyển qua đường bộ, trong khi 12% hàng hóa được vận chuyển qua đường biển và chỉ  2% vận chuyển qua đường sắt. Đáng nói, có tới 95% phương tiện giao thông tại Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch.

 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo tăng trung bình 6-7% mỗi năm, đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới. Dự báo, phát thải CO2 của các ngành vận tải đạt mức 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Để tạo “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp trong quá trình xanh hoá, đồng thời khẳng định cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần vào việc hiện thực mục tiêu net zero của đất nước, VLA tổ chức hội thảo như một diễn đàn chuyên sâu về xu hướng phát triển logistics xanh. Đây còn là bước chuẩn bị hướng tới FIATA World Congress 2025, sự kiện quốc tế của ngành logistics thế giới sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào mùa thu năm 2025.

Có thể bạn quan tâm: 

Năm 2025: Sự trở lại của những chiếc cần cẩu

Nguồn VLA


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới