Người Thái thích điện mặt trời Việt Nam
So với các quốc gia khác như Nhật, Đức, Philippines..., sự đổ bộ của các công ty Thái Lan vào năng lượng tái tạo Việt Nam rầm rộ hơn. Ảnh: TL.
Hơn 2 năm trước, điện mặt trời là lĩnh vực rất nóng khi Việt Nam có những ưu đãi về giá mua điện và khuyến khích đầu tư vào ngành này. Kết quả, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 9/2021, riêng điện mặt trời áp mái đã có hơn 100.000 hệ thống năng lượng được lắp đặt và vận hành với tổng công suất gần 10 GW, chiếm hơn 10% tổng công suất lắp đặt của toàn ngành điện Việt Nam.
Từ tháng 6/2021 đến nay, đầu tư điện mặt trời giảm gần 90%, còn khoảng 1 GW. Ông Nguyễn Dương Tuấn, Tổng Giám đốc SolarBK Group, đánh giá, đây là con số hợp lý và 100% dành cho tiêu dùng thay vì lắp đặt điện mặt trời để hưởng lợi chính sách.
SolarBK đặt mục tiêu chiếm 25% con số này trong 2 năm tới, tức đạt khoảng 200-250 MW. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Dương Tuấn, hợp tác giữa SolarBK và Banpu NEXT (Thái Lan) thông qua việc BRE Singapore (công ty con của Banpu NEXT) mua lại 49% vốn của Solar ESCO (thuộc SolarBK) sẽ giúp đôi bên đạt kế hoạch này. Trước mắt, trong 18 tháng tới, SolarBK và Banpu NEXT sẽ đầu tư triển khai 106 MW. Sau đó, nếu mọi việc thuận lợi, cả 2 sẽ còn hợp tác sâu rộng hơn.
Bà Bubpachart Meecharoen, Giám đốc, đại diện Banpu NEXT tại Việt Nam, có niềm tin thị trường năng lượng Việt Nam trong tương lai không xa sẽ mở cửa và đi con đường như các nước trên thế giới. Khi đó, các nhà đầu tư như Banpu sẽ có thể mở rộng các lĩnh vực như kinh doanh năng lượng, cung cấp giải pháp di động thông minh, lưu trữ năng lượng...
Thực tế, trước khi hợp tác với SolarBK, Banpu đã đầu tư vào một số nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời ở Sóc Trăng, Ninh Thuận, Hà Tĩnh... với tổng công suất 218 MW. Sắp tới, với việc hợp tác cùng SolarBK, Banpu sẽ càng mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Trước đó, hàng loạt công ty Thái Lan như Super Energy, Gunkul Engineering, Eastern Power Group, Communication & System Solution PLC, B.Grimm Power, Sermsang International, Gulf Energy Development... đã tham gia vào điện mặt trời nói riêng, ngành năng lượng tái tạo nói chung ở Việt Nam. Hình thức phổ biến của các công ty Thái Lan là mua cổ phần chi phối ở các nhà máy năng lượng tái tạo của Việt Nam và tiếp tục đầu tư sau khi tiếp quản.
So với các quốc gia khác như Nhật, Đức, Philippines..., sự đổ bộ của các công ty Thái Lan vào năng lượng tái tạo Việt Nam rầm rộ hơn. Ông Nikorndej Balankura, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, cho biết tổng sản lượng sản xuất mà doanh nghiệp tư nhân Thái Lan đầu tư vào điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam đạt hơn 2.500 MW, với tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD, tương đương hơn 1/3 tổng tỉ trọng đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam. Ở tầm vĩ mô, trong cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, ông Supattanapong Punmeechaow, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan, còn đề nghị 2 nước cùng tổ chức Diễn đàn Năng lượng nhằm đưa hợp tác năng lượng song phương sang giai đoạn mới.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện nhiều thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và là một trong những nước có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất thế giới. “Việt Nam buộc phải tìm cách phát triển ngành điện để hỗ trợ phát triển kinh tế”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định.
Năm 2021, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 31,15 tỉ USD. Trong đó, hơn 18,1 tỉ USD rót vào các ngành chế biến và sản xuất, là những ngành sử dụng nhiều điện. Đó là chưa kể nhu cầu điện hằng ngày của gần 100 triệu người dân và con số này tiếp tục tăng lên theo thời gian. Theo Quy hoạch điện VIII, tổng nhu cầu điện của Việt Nam ước đạt trên 100 GW vào năm 2025 và 150 GW vào năm 2030. Quy hoạch cũng khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), chiếm từ khoảng 13% hiện tại lên gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045.
Việt Nam cũng quyết tâm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Ngoài ra, ông Tim Evans, HSBC Việt Nam dự đoán, khi xu hướng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tiếp tục trở nên phổ biến, nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến những cơ hội đầu tư bền vững.
Với các nhu cầu này, Việt Nam sẽ cần đầu tư hàng trăm tỉ USD cho nhà máy mới, mạng lưới điện và tăng công suất lắp đặt. Tuy nhiên, trong một hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết: “Để mở rộng, khơi thông nguồn vốn cho năng lượng tái tạo, cần sự phối kết hợp từ nhiều phía”. Chẳng hạn, Bộ Công Thương và EVN cần sớm ban hành chính sách về giá điện, bảo đảm minh bạch, nhất quán tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Trước mắt, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận quan sát thấy, các nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn đang chờ cơ chế mới thay thế cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) đã hết hiệu lực gần 2 năm với điện mặt trời và gần 1 năm với điện gió.
Việt Nam cũng quyết tâm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Ảnh: TL. |
Bên cạnh khó khăn về chính sách và cơ chế, nhà đầu tư còn gặp thách thức về việc làm sao giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo. Hiện tại, cơ sở hạ tầng của hệ thống điện truyền tải không đáp ứng được công suất của các nhà máy nên xuất hiện tình trạng nhiều nhà máy liên tục bị cắt giảm công suất trong ngày. Nhà đầu tư nhìn nhận, đây là rủi ro lớn nhất khi không đảm bảo được sản lượng theo tính toán. Một vấn đề khác là khó tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao khi ngành năng lượng tái tạo vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam