Hủy
Kinh Doanh

Nhập khẩu ô tô: Cần nghĩ đến một chính sách thuế

Hải Vân Thứ Ba | 27/02/2018 08:56

Quý Hòa

 
 
Chỉ có thuế mới có thể điều tiết được tiêu dùng, sản xuất trong nước và nhập khẩu ô tô

Đã có 16 ý kiến được nêu ra tại cuộc họp ngày 26.2 liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn  phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng, cho biết, chậm nhất là tuần sau các Bộ và cơ quan liên quan sẽ họp để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03, sau đó đề xuất với Thủ tướng giải pháp sửa đổi, bổ sung cho hợp lý.

Mong tạm hoãn Nghị định 116

Đang có 4 khó khăn lớn cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03. Đó là, quy định mới về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp; quy định về thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng ô tô nhập khẩu; biện pháp xử lý đối với những đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu xảy ra trước khi ban hành Nghị định 116; quy định mới về đường chạy thử ô tô dành cho các nhà sản xuất trong nước.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Dan Kritenbrink, cho biết, “đang ở trong vị trí rất khó khăn”. Mỹ đang thúc đẩy mối quan hệ thương mại hai nước, nhưng một trong những quan ngại chính là quy định mới về nộp giấy chứng nhận an toàn đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp.

Việc ban hành Nghị định 116 và Thông tư 03, Đại sứ Mỹ cho là nguyên nhân chính khiến Ford Việt Nam gặp rắc rối và chịu thiệt hại bởi đơn đặt hàng gần 100 xe ở Mỹ từ tháng 6/2017 để nhập về Việt Nam.

Đại sứ Dan Kritenbrink mong “Chính phủ Việt Nam tạm hoãn Nghị định 116”. Theo ông, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra các quy định rõ ràng hơn và thống nhất hơn cho Nghị định 116 và Thông tư 03.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Toru Kinoshita, nói rằng một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không tuân thủ thông lệ quốc tế, làm ảnh hưởng tiêu cực tới các thành viên VAMA, làm gián đoạn và hầu như ngưng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô kể từ 1/1/2018 đến nay, làm thu hẹp việc mở rộng thị trường ô tô.

Nhap khau o to: Can nghi den mot chinh sach thue

Theo thông lệ quốc tế, chỉ kiểm nghiệm lô hàng đầu tiên, những lô sau nếu đúng kiểu loại sẽ được cho qua. Việc thực hiện Nghị định 116 dẫn đến vướng mắc, thời gian thử nghiệm gần 2 tháng, gây tốn kém cho doanh nghiệp bởi chi phí từ 5.000-10.000 USD/lần.

Ông Toru Kinoshita đề nghị Chính phủ nhanh chóng xem xét lại một số quy định hành chính trong Nghị định 116, giúp các thành viên VAMA sớm phục hồi lại các hoạt động sản xuất, nhập khẩu ô tô như bình thường, tiếp tục tạo điều kiện để đóng góp cho sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Thêm nữa, cùng với Nghị định 125 vừa ban hành về việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, Chính phủ Việt Nam cần hành thêm một  chính sách thuế ô tô phù hợp, áp dụng trong khoảng thời gian nhất định, nhằm giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước cắt giảm khoảng cách về chi phí với ô tô nhập khẩu, tạo khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. 

Thêm chính sách thuế cho công nghiệp ô tô non trẻ

Phản biện về quan điểm của Chủ tịch VAMA, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải, ông Trần Bá Dương, nói khá nhiều về sự cần thiết áp dụng các quy định trong Nghị định 116 về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại cho xe nhập khẩu và xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Theo ông, Nghị định 116 ra đời để đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bảo hành, bảo dưỡng, sữa chữa ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện nhằm bảo đảm bốn mục tiêu chính: Bảo đảm điều kiện về môi trường, điều kiện cho người tiêu dùng, an toàn giao thông và bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các nhà nhập khẩu với nhau, giữa doanh nghiệp nhập khẩu với doanh nghiệp sản xuất trong nước và giữa những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước với nhau.

Chủ tịch VAMA nói về thiếu hụt xe, hiện nay, do chiến lược kế hoạch của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam đã chuyển một phần từ sản xuất, lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc năm 2018, khi nhập lại vướng các quy định dẫn đến thiếu hụt một lượng xe ở thị trường.

Để bù đắp cho thiếu hụt này, ông Dương cho biết THACO cũng sẽ nhập khẩu xe. “Nếu thống nhất được chúng tôi sẽ nhập ngay xe BMW và nếu tổ chức làm nhanh, tháng 4 này sẽ nhập khẩu được xe”, ông Dương khẳng định.  

Doanh số của THACO đang chiếm 30-40% thị tường sản xuất và nhập khẩu ô tô tại Việt Nam, đang cố gắng năm nay nâng thị phần lên 45%. THACO và các hãng xe khác không thuộc VAMA đang chiếm 50-60% thị trường sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô tại Việt Nam.

Ông Dương khẳng định, tính tới thời điểm này, chúng tôi chưa thấy Nhà nước ủng hộ sản xuất, lắp ráp sản xuất trong nước. Nghị định 116 cũng không dành ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước. Bởi vậy, ông đề nghị “cần có chính sách thuế để bù đắp chi phí sản xuất khi nền công nghiệp ô tô còn non trẻ”.

Theo ông Dương, tỉ lệ nhập khẩu các xe nguyên chiếc của VAMA hiện nay không lớn, tỉ trọng về doanh số chỉ khoảng 40% thị trường. “Tôi mong các ngài nên rút lại đề nghị tạm hoãn thực thi Nghị định này”, ông Dương đề nghị.

Việc đề nghị tạm hoãn là không công bằng giữa các doanh nghiệp tích cực tuân thủ và các doanh nghiệp lấy lý do để không thực hiện. Ông kêu gọi các doanh nghiệp tích cực thực thi ngay Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải.

Quy trình làm Nghị định 116 đúng luật

Một điều ngạc nhiên tại cuộc họp này, hai ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương và Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã liên tiếp khẳng định về quy trình làm Nghị định 116 đã tuân thủ nghiêm túc những quy định về ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Và cho rằng, Nghị định 116 về sản xuất, lắp ráp ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải đưa ra những điều kiện.

Điều ông Hải muốn nói rõ là quy định về đường thử, tăng từ 500 mét lên 800 mét, có hiệu lực từ 15/4/2019, chỉ liên quan đến doanh nghiệp sản xuất trong nước, không liên quan đến các doanh nghiệp nhập khẩu.

Đây là Nghị định của Chính phủ, Thủ tướng ký ban hành, để tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Công thương nói thêm.

Nhap khau o to: Can nghi den mot chinh sach thue

Tuy nhiên ông Hải cũng thừa nhận “không đi được đến từng doanh nghiệp” dù vẫn chắc chắc đã có sự bàn luận, phản biện, thậm chí tranh cãi về những vấn đề và tiếp nhận thông tin.

Việt Nam có 92 triệu dân nhưng mới có khoảng 2,8 triệu ô tô hoạt động. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói đã đến lúc nước ta cần hành lang pháp lý nhất định, tạo điều kiện  thuận lợi nhất cho công nghiệp ô tô phát triển bằng nội lực của Việt Nam, nhưng lại khẳng định "rất cần các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này".

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Nghị định 116 và Thông tư 03 nổi lên một số vấn đề, liên quan đến giấy chứng nhận chất lượng và kiểu loại xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam, vấn đề yêu cầu về kiểm tra thử nghiệm từng lô ô tô nhập khẩu, vấn đề liên quan đến yêu cầu đường thử của các nhà sx, lắp ráp ô tô hay thủ tục hồ sơ hải quan liên quan đến tờ khai, liên quan đến chính sách thuế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng chỉ rõ những vấn đề phải xem xét thấu đáo. Chẳng hạn, tại sao Thông tư 03 đưa ra các quy định liên quan đến lốp, gương chiếu hậu, hoá đơn thương mại...

Việt Nam sẽ phát triển ngành công nghiệp ô tô dần từng bước tự chủ, tăng nhanh vấn đề nội địa hoá bằng những biện pháp điều hành thông qua cơ chế, chính sách thuế thay vì thủ tục hành chính, rào cản, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới