Tính đến đầu tháng 12, số nợ Bảo hiểm xã hội vẫn ở mức 10.569 tỉ đồng, tăng gần 2.000 tỉ đồng (22,1%) so với cùng kỳ năm 2012.
Tại buổi họp báo chiều 24/12, bà Nguyễn Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, cho biết tính đến đầu tháng 12, số nợ vẫn ở mức 10.569 tỉ đồng, tăng gần 2.000 tỉ đồng (22,1%) so với cùng kỳ năm 2012.
Trong đó, nợ BHXH là 7.746 tỉ đồng; nợ BHYT 2.912 tỉ đồng. Theo bà Nguyễn Thị Xuân, mặc dù có nhiều biện pháp tăng cường thu, tình hình nợ BHXH vẫn không giảm.
Số doanh nghiệp (DN) bị xử phạt hành chính, bị cơ quan BHXH khởi kiện ra tòa án đã lên tới 1.824 đơn vị, nhiều nhất là ở TP.HCM (840 DN), Hà Nội (213 DN).
Để giảm tình trạng nợ đọng kéo dài, ngành BHXH kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi luật BHXH, BHYT để khắc phục những bất cập của chính sách, cơ chế, đề xuất nâng mức xử phạt hành chính gấp nhiều lần, nâng lãi suất chậm đóng như lãi suất quy định tại luật Quản lý thuế, giao quyền cho BHXH có chức năng thanh tra, kiểm tra DN vi phạm về BHXH…
|
Tính đến đầu tháng 12, số nợ Bảo hiểm xã hội vẫn ở mức 10.569 tỉ đồng, tăng gần 2.000 tỉ đồng |
Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam, hiện tượng các doanh nghiệp chậm nộp, trốn đóng bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân của tình trạng này là doanh nghiệp giải thể, không có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, lý do chủ yếu là mức lãi suất xử phạt tình trạng chậm đóng thấp hơn lãi suất vay ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp chây ỳ hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm của người lao động để sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, tại trong Hội thảo Chính sách bảo hiểm hưu trí và các khuyến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội diễn ra vào tháng 9/2013 nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.
Tình trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra khá phổ biến cùng với thực tế những năm tới số người nghỉ hưu hưởng từ quỹ BHXH càng nhiều, số chi từ quỹ sẽ tăng nhanh và tương lai gần quỹ sẽ mất cân đối. Đến năm 2023 số thu bằng số chi.
Từ năm 2024 trở đi để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải sử dụng thêm số kết dư mới đảm bảo đủ chi. Và đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả.