Nợ vượt 11.000 tỷ đồng, HBC nói chưa từng để nợ quá hạn một ngày
VnEconomy
Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán HBC - HOSE) vừa lên tiếng trước cổ đông về vấn đề hạch toán doanh thu và lợi nhuận theo tiến độ, về tình hình vay nợ và khoản phải thu ngắn hạn lên tới 8.600 tỷ.
"Dùng vốn vay rất hiệu quả"
Một trong những đặc điểm chung của nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực thầu xây dựng là các khoản phải thu ngắn hạn rất lớn. Đây là gánh nặng tài chính đối với công ty khi rơi vào tình trạng chậm thu hồi công nợ. Tính đến ngày 30/9/2017, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty lên tới 8.600 tỷ đồng, tăng 1.300 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Đặc biệt, khoản phải thu ngắn hạn của Hoà Bình tăng nhanh chóng qua các năm.
Tại thời điểm 30/9/2010, nợ phải thu ngắn hạn của Hoà Bình ở mức 1.030 tỷ đồng, năm 2012 đã tăng lên 2.605 tỷ, đến 2014 tiếp tục tăng lên 3.175 tỷ đồng. Năm 2015, nợ phải thu của Hoà Bình tăng đến 5.870 tỷ đồng. Trong 7 năm, nợ phải thu của Hoà Bình đã tăng 734%, trong khi doanh thu chỉ tăng 616%.
Nhiều cổ đông đã bày tỏ lo lắng cũng như mong muốn Hòa Bình giải trình rõ về hoạt động kinh doanh. Về ý kiến của cổ đông "báo cáo tài chính dòng tiền không có nhưng ngày càng nợ chồng chất", Kế toán trưởng Hoà Bình là bà Nguyễn Thị Nguyên Thuỷ cho biết, việc sử dụng vốn vay ở mức phù hợp để kích thích tăng trưởng và mang đến hiệu quả tối đa trong việc sử dụng vốn chủ sở hữu là cần thiết và đòi hỏi phải có một năng lực quản trị tài chính ở trình độ cao.
"Từ vốn chủ sở hữu của tập đoàn 69 tỷ đồng lúc niêm yết (năm 2006) đến năm 2016 vốn chủ 1.830 tỷ, tăng 26.5 lần. Doanh thu từ 205 tỷ đồng đến năm 2016 là 10.766 tỷ đồng tăng 52,5 lần, lợi nhuận từ 9 tỷ đến năm 2016 là 568 tỷ đồng, tăng 63 lần. Như vậy, trong 10 năm qua, thực tế đã minh chứng rằng Hòa Bình sử dụng vốn vay (đòn cân nợ) rất hiệu quả", bà Thuỷ nêu.
Bà cũng nhấn mạnh, các khoản nợ vay của Hòa Bình đều là nợ vay tiêu chuẩn nhóm 1. Hòa Bình được các ngân hàng thương mại lớn trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam tài trợ thông qua cấp hạn mức tín dụng.
"Trong lịch sử 30 năm thành lập và phát triển của tập đoàn, chưa từng có một lần nào chúng tôi để quá hạn các khoản nợ dù chỉ một ngày", bà Thuỷ khẳng định.
Hiện nay, tổng giá trị các hợp đồng Hoà Bình đang thi công là trên 33.400 tỷ đồng; so sánh, tại thời điểm cùng kỳ tháng 11/2015 (hai năm trước) tổng giá trị các hợp đồng đang thi công chỉ có khoảng 15.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ba năm qua Hoà Bình chưa có một đợt phát hành cổ phiếu nào. Do đó, việc sử dụng vốn vay ngân hàng là điều tất yếu, theo bà Thuỷ.
Nợ "đều đã và đang được thu hồi"
Về khoản phải thu ngắn hạn lên tới 8.600 tỷ đồng, bà Thuỷ cho biết, tất cả các khoản nợ phải thu có thể bị suy giảm về khả năng thu hồi đã được Hòa Bình hạch toán dự phòng đầy đủ theo đúng quy định của Bộ Tài chính trên nguyên tắc thận trọng và được kiểm toán bởi Ernst and Young. Các khoản nợ còn lại đều là nợ tiêu chuẩn chưa bị suy giảm khả năng thu hồi.
"Từ khi thành lập công ty tới nay, công ty chúng tôi chưa từng có khoản phải thu nào bị mất. Các khoản nợ phải thu khó đòi lớn của chúng tôi đều đã và đang được thu hồi. Chẳng hạn, công ty Phú Khang tại dự án Formosa, trước đây chúng tôi đã trích lập dự phòng là 104 tỷ trên tổng nợ gốc là 160 tỷ, nhưng đến nay Hòa Bình đã thu hồi hết nợ gốc này, đã hoàn nhập dự phòng 96 tỷ, chỉ còn phần lãi phạt do chậm thanh toán, số tiền 16,9 tỷ chưa thu hồi, nhưng khả năng sẽ thu hồi được là rất cao", bà Thuỷ cho biết.
Về ý kiến của một cổ đông về nghi vấn Hoà Bình "hạch toán trước ùn lợi nhuận lên phần ước khối lượng thi công ban đầu, để hạch toán lùa quỹ lùa gà", bà Thuỷ khẳng định, cách hạch toán doanh thu và lợi nhuận là đúng quy định theo chuẩn kế toán hiện hành. Lợi nhuận gộp của công ty ổn định từ 8-12% tuỳ sự dao động của thị trường, nên không có chuyện ùn lợi nhuận để có có lúc kết quả rất cao, có lúc thì lại quá thấp.
Trước đó, theo một chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, việc ghi nhận doanh thu theo tiến độ của Hoà Bình được quy định trong chuẩn mực 15 (VAS 15) về hợp đồng xây dựng và là phương pháp mà hiện Việt Nam vẫn chấp nhận. Song về các khoản phải thu lớn lên tới 8.600 tỷ đồng của Hoà Bình, vị chuyên gia này cho rằng đó là một khoản ước tính theo tiến độ, khách hàng chưa hẳn đã chấp nhận trả tiền vì chưa nghiệm thu, cho dù có tạm ứng trước.
Gần đây, Hoà Bình liên tiếp gặp tin đồn liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trước đó, 3/11, lãnh đạo Hoà Bình đã lên tiếng phủ nhận các tin đồn liên quan đến việc Khaisilk "xù nợ" 2.500 tỷ đồng, và "không đòi được nợ" tại dự án FLC Sầm Sơn. Việc lãnh đạo HBC lên tiếng đã "chặn" được đà giảm của cổ phiếu HBC trong vài phiên.
Tuy nhiên, trong vài phiên trở lại đây, cổ phiếu HBC lại tiếp tục xu hướng giảm, chốt phiên 13/11 giảm 1.200 đồng còn 50.600 đồng/cổ phiếu.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ