Hủy
Kinh Doanh

Ông Irwin Lee, CEO URC: Bí quyết trở thành thương hiệu toàn cầu của tập đoàn Philippines

Bảo Ngọc Thứ Ba | 14/08/2018 08:30

Với 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, ông Irwin Lee đã chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành URC.
 

Universal Robina Corporation (URC) là công ty sản xuất thực phẩm và nước giải khát lớn nhất Philippines.

*Là người đầu tiên ngoài gia đình Gokongwei trong cương vị Chủ tịch và Giám đốc Điều hành, ông có thể giới thiệu về URC và bản thân ông cùng độc giả của NCĐT?
URC là công ty con lớn nhất của Tập đoàn JG Summit, được thành lập bởi ông John Gokongwei. URC cũng là công ty thực phẩm và đồ uống tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN. Từ một công ty gia đình, URC đã chuyển mình thành công ty đa quốc gia đầu tiên tại khu vực ASEAN đến từ Philippines với doanh thu đã đạt mức 2,5 tỉ USD mỗi năm.

Tôi tham gia vào ngành hàng tiêu dùng nhanh từ 30 năm trước bắt đầu từ P&G Philippines và lần lượt chuyển đến các thị trường lớn khác tại Mỹ, châu Á và châu Âu. Trở về Manila sau 26 năm, tôi trở thành Tổng Giám đốc của Jardine Matheson’s Dairy Farm Philippines, nhà bán lẻ đến từ Hồng Kông.

Trong năm nay, Dairy Farm Philippines đã sáp nhập với Robinsons Retail - một công ty con của JG Summit. Trở thành CEO ngoài gia đình đầu tiên là một áp lực khá thú vị cho tôi vì tất cả các CEO trước đây của URC đều là người trong dòng họ Gokongwei. Thách thức lớn nhất của tôi trong cương vị này là giữ vững tinh thần kinh doanh của một công ty gia đình và kết hợp với các nguyên tắc điều hành nhằm đáp ứng mức độ phức hợp rộng lớn của một công ty đa quốc gia.

*Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển một doanh nghiệp và thương hiệu châu Á lên đẳng cấp quốc tế? 
Có 3 điều tiên quyết để phát triển một thương hiệu quốc tế. Đầu tiên là nhà lãnh đạo phải có tư duy nhận thức về việc xây dựng thương hiệu. Đôi khi, các công ty châu Á quá hài lòng ở mức OEM (sản xuất nguyên liệu) hoặc gia công cho các thương hiệu lớn, chỉ tập trung vào số lượng hơn là tạo ra giá trị. Hiểu về định vị và ý nghĩa bản chất của thương hiệu sẽ giúp xây dựng thương hiệu mạnh, ổn định ở mọi thị trường.

Điều thứ 2 là chú trọng vào xây dựng nguồn lực con người. Ngoài việc luân chuyển nguồn lực, việc đào tạo nguồn lực địa phương cũng rất quan trọng. Tôi tin rằng khi chúng ta chăm sóc nhân viên tốt, họ sẽ hết lòng vì doanh nghiệp. Cuối cùng, doanh nghiệp cần có một chiến lược đầu tư dài hạn. Đôi khi các khoản đầu tư lớn là rất cần thiết cho phát triển bền vững dài hạn, ví dụ như URC đã đầu tư gần 200 triệu USD vào nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đầu tư dài hạn hướng đến con người, sản xuất, quản trị và các thị trường là rất quan trọng.

*Lời khuyên của ông để các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn ra quốc tế là gì?
Ngoài các điều trên, chất lượng chuẩn quốc tế cũng là vấn đề cần tập trung. Có ý kiến cho rằng chất lượng của những sản phẩm sản xuất tại các thị trường mới nổi là còn thấp, nhưng tôi không nghĩ vậy. Đơn cử, sản phẩm của URC Việt Nam được xuất khẩu đi 9 nước trong đó có Nhật. Sản phẩm xuất khẩu sang Nhật cần phải có chất lượng rất cao và chúng tôi hoàn toàn có thể làm được điều đó tại Việt Nam.

*Ông có thể chia sẻ thêm về vị thế của URC Việt Nam trong chiến lược phát triển của Tập đoàn?
Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm và cũng là 1 trong 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất của URC. Về sản xuất, URC Việt Nam đã xây dựng thành công danh tiếng cho sản phẩm “Made in Vietnam” trên thị trường quốc tế. Là thị trường đầu tiên nhận được chứng chỉ FSSC, URC Việt Nam đã chứng minh sản phẩm của Công ty tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và chất lượng, hỗ trợ sự tăng trưởng của URC trong các thị trường xuất khẩu hiện tại. Việt Nam còn có những nguồn nguyên liệu tốt khác như cà phê và đường. Những điều này khiến Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng cho sự thành công toàn cầu của URC.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới