Ông lớn ngân hàng đặt mục tiêu tăng lãi 1%
Bước vào mùa đại hội cổ đông, ngoài áp lực phải tìm cách ăn nói sao với cổ đông về kết quả kinh doanh bết bát, nhiều ông chủ ngân hàng còn phải đau đầu khi lên kế hoạch lợi nhuận 2013. Trên thực tế, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2013 của hầu hết nhà băng đều khiêm tốn hơn năm ngoái.
Ở khối quốc doanh, các "ông lớn" không dám cam kết mức tăng trưởng khủng để tránh việc gần hết năm tài chính mới lại xin điều chỉnh. Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) năm ngoái lên kế hoạch lãi 9.000 tỷ thì nay chỉ dự kiến đạt 8.600 tỷ. Từng trình cổ đông kế hoạch lãi gần 6.500 tỷ nhưng kết thúc 2012, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ đạt 5.764 tỷ đồng. Do vậy bước sang 2013, nhà băng này chỉ mong tăng lãi thêm 36 tỷ đồng. Mức tăng trưởng dự kiến này quá thấp, chỉ đạt 0,6%.
Tương tự, các "anh lớn" trong nhóm cổ phần như Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Xuất nhập khẩu (Eximbank), Á Châu (ACB) cũng không cam kết với cổ đông mức lãi hơn 3.000 - 5.000 tỷ đồng như năm 2012. Trước, Sacombank dự kiến lãi tăng trưởng gấp đôi nhưng thực tế mức lãi của năm ngoái chỉ đạt hơn 1.300 tỷ. ACB sau khi chỉ đạt được một phần năm kế hoạch lợi nhuận của 2012 thì nay vẫn chưa công bố mức lãi dự kiến. Thông thường, trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội cổ đông, lợi nhuận là một chỉ tiêu quan trọng thường được các ngân hàng công bố.
Chia sẻ với VnExpress.net, Phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh lớn thừa nhận tính toán kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận vô cùng khó. Theo ông, nguyên tắc số một với các cổ đông là lợi nhuận phải tăng trưởng nên Hội đồng quản trị (HĐQT) không thể xin giảm lãi cho dù tình hình có khó khăn. "Nếu công ty nhà nước thì còn nói là tình hình khó, xin được giữ nguyên mức tăng trưởng hoặc thậm chí giảm lãi chứ nay đã là ngân hàng cổ phần thì sức ép cổ đông rất lớn. Họ không chấp nhận việc đó", vị lãnh đạo này tâm sự.
Lãi của ngành ngân hàng năm 2012 bị ảnh hưởng nặng nề bởi gánh nặng nợ xấu. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) Hồ Hùng Anh cho biết khả năng tạo lợi nhuận thực tế của ngân hàng năm 2013 có thể cao hơn mức 1.500 tỷ đã trình cổ đông. Tuy nhiên, HĐQT vẫn phải thận trọng bởi còn nhiều khó khăn trước mắt. Ông cũng không loại trừ khả năng phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng nhiều hơn nên đề ra kế hoạch năm phải thận trọng.
Ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Sacombank - đồng tình năm 2013 "còn nhiều vấn đề" nên lợi nhuận chưa thể khả quan. Theo ông, xu hướng lãi suất giảm và chênh lệch giữa huy động và cho vay ngày một thu hẹp nên lợi nhuận giảm là đương nhiên.
Nhiều ông chủ ngân hàng chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi đại hội cổ đông thường niên 2013 vừa tổ chức với đa số ý kiến tán thành của cổ đông. Chủ tịch một ngân hàng vừa trải qua sóng gió về lợi nhuận năm 2012 chia sẻ: "Cũng rất may các cổ đông hiểu được tình thế hiện nay và chia sẻ với ngân hàng nên không đòi chỉ tiêu lợi nhuận cao nữa". Tổng giám đốc một nhà băng vừa tổ chức ĐHCĐ thành công chia sẻ: "Năm nay áp lực nếu có trước cổ đông chủ yếu là áp lực về các chỉ tiêu kinh doanh. Còn những áp lực lo ngại tương lai không chắc chắn hay các vấn đề pháp lý sẽ không còn".
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận những kế hoạch "bớt hoành tráng" của các nhà băng là một tín hiệu tích cực bởi theo ông, lợi nhuận ngân hàng sẽ thực tế hơn. "Đây là loại hình kinh doanh rủi ro. Nếu muốn sinh lời nhiều thì họ sẽ đi vào rủi ro nhiều hơn nên nếu đặt lợi nhuận khiêm tốn họ sẽ tập trung vào xử lý nợ xấu", ông Hiếu phân tích.
(Theo Vnexpress)
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Minh Đức
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam