Hủy
Kinh Doanh

Rà soát pháp luật kinh doanh 6 tháng 1 lần

Thứ Bảy | 04/10/2014 10:03

VCCI đề nghị các bộ, ngành áp dụng quy trình đặc biệt trong rà soát hệ thống luật pháp liên quan đến kinh doanh.
 
 
VCCI đề nghị các bộ, ngành áp dụng quy trình đặc biệt trong rà soát hệ thống luật pháp liên quan đến kinh doanh.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ diễn ra trong hai ngày đầu tuần, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức kiến nghị áp dụng quy trình 1 luật sửa nhiều luật, 1 nghị định sửa nhiều nghị định để tăng tốc quá trình cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

"VCCI đề nghị cứ 6 tháng một lần tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nếu phát hiện vướng mắc thì sửa ngay theo quy trình rút gọn mà không phải chờ chu kỳ sửa đổi luật như lâu nay. Chúng tôi cũng đề nghị được phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công việc này", ông Lộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư sau khi xuất hiện tại phiên họp này với tư cách là đại biểu được mời.

Đây không phải là lần đầu VCCI đề cập giải pháp này. VCCI đã cùng với các hiệp hội doanh nghiệp, nhất là các thành viên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với sự tham gia của 16 cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tiến hành rà soát hệ thống văn bản này một cách độc lập.

"Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Báo cáo khảo sát động thái doanh nghiệp của VCCI 9 tháng đầu năm 2014 đều phản ánh một động thái chung. Đó là, cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh đã bước đầu có cải thiện, dù mức độ không lớn, nhưng xu thế cải thiện khá vững chắc. Chính trong lúc này, việc tháo gỡ ngay những quy định trói chân doanh nghiệp là vô cùng quan trọng", ông Lộc chia sẻ.

Tuy nhiên, thực hiện đề xuất trên không hề đơn giản. Thời gian vừa qua, khá nhiều khiến nghị của VCCI tới các bộ, ngành về những nội dung bất hợp lý trong một số văn bản quy phạm pháp luật, kể cả trong các văn bản luật vừa được Quốc hội ban hành, song vẫn chưa được xem xét. Đơn cử như xem xét lại quy định về số giờ làm việc ngoài giờ được quy định trong Bộ luật Lao động với lý do thấp quá, nhiều khi doanh nghiệp cần phải tăng giờ làm thêm để kịp có sản phẩm mới theo vòng quay rất ngắn của công nghệ hiện đại. Hay hàng loạt quy định liên quan đến thủ tục hải quan, thuế, các quy định về điều kiện kinh doanh…

"Chúng tôi thấy rằng, ta không thể tự bó chân mình với lý do như vậy. Nếu không có giải pháp thì thôi, nhưng nếu biết bất hợp lý, biết cần phải sửa đổi mà vẫn cố đợi đến lịch thì khổ cho doanh nghiệp quá. Năng suất lao động của người Việt Nam thì thấp, lại bị khống chế thời gian làm thêm thì rất khó chạy đua với các doanh nghiệp trong khu vực. Chúng tôi rất mừng khi Bộ Tài chính đã tiến hành công việc này, đã ban hành 1 thông tư sửa đổi nhiều thông tư, đề xuất 1 nghị định sửa nhiều nghị định, 1 luật sửa nhiều luật với tư tưởng đột phá…", ông Lộc chia sẻ quan điểm.

Tuy nhiên, báo cáo tại Cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị các bộ, ngành chức năng khác cũng làm tương tự để có thể cùng đề xuất 1 luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường kinh doanh chứ không chỉ luật thuế.

Theo tinh thần này, ông Lộc cho biết đã đề nghị xem xét sửa đổi sớm quy định khống chế 200-300 giờ làm thêm trong Bộ Luật Lao động, đề nghị rà xét giảm điều kiện kinh doanh trong các luật chuyên ngành theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi. Liên quan đến lương, một lần nữa, ông Lộc chính thức kiến nghị với Thủ tướng xem xét quyết định mức tăng lương tối thiểu nên tăng ở mức tối đa 12-14%, không nên quá cao sẽ vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Cũng phải nói thêm, thời gian để thực hiện yêu cầu trong lộ trình cải cách thủ tục hành chính của Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) còn chưa đầy 1 năm rưỡi. Đây cũng là thời gian còn lại trước khi tới hạn thực thi cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại đã được ký kết, chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới cũng như thời điểm Cộng đồng Kinh doanh ASEAN chính thức bắt đầu.

Nếu không tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp rất khó cải thiện năng lực cạnh tranh.

Trong Cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, kỳ họp này, Chính phủ có mời 2 đại biểu quan trọng, trong đó có ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI để báo cáo một số vấn đề về thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg (về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước đến năm 2015).

Như vậy, đây là kỳ họp Chính phủ đầu tiên VCCI thực hiện trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chỉ thị 11/CT-TTg. Theo đó, VCCI hàng tháng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hàng quý báo cáo Chính phủ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đã tổng hợp...

Nguồn Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới